Luật Thủy sản 2017: Cơ hội tái cơ cấu ngành thủy sản

10:12, 27/12/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Luật Thủy sản 2017 (Luật 2017) với những quy định chi tiết, cụ thể đối với các lĩnh vực nuôi trồng, khai thác, quản lý và bảo vệ hải sản, nguồn lợi hải sản... là cơ hội để ngành thủy sản nâng cao hiệu quả tái cơ cấu trong giai đoạn hội nhập.

TIN LIÊN QUAN


Điểm mới nhất trong Luật 2017 là quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản (Luật 2003 không đề cập vấn đề này). Đó là các dữ liệu liên quan đến nguồn lợi thủy sản, nuôi trồng và khai thác hải sản, tàu cá...

Ví dụ, khi ngư dân đăng ký tàu cá, tất cả các thông tin sẽ được số hóa và thống nhất từ trung ương đến địa phương, thể hiện qua Sổ đăng ký tàu cá quốc gia. Vì vậy, thay vì phải nhờ đơn vị quản lý trực tiếp là Chi cục Thủy sản cung cấp thông tin, các ngành chức năng từ trung ương đến địa phương có thể cập nhật vào cơ sở dữ liệu này, để nắm bắt kịp thời các thông tin về tàu cá khi cần.

Luật Thủy sản 2017 là cơ hội để thực hiện tái cơ cấu ngành thủy sản.
Luật Thủy sản 2017 là cơ hội để thực hiện tái cơ cấu ngành thủy sản.


Ngoài ra, Luật 2017 cũng “mở” quyền và trách nhiệm cho các tổ chức cộng đồng trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Bên cạnh việc tham gia ngăn chặn những hành vi vi phạm, các tổ chức cộng đồng còn có quyền tuần tra, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản. “Đây là cơ hội để người dân, các tổ chức cộng đồng biết và hiểu về lợi ích của việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Từ đó sẽ nâng cao ý thức, vai trò và trách nhiệm trong việc ngăn chặn các hành vi vi phạm, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nhất là ở các khu bảo tồn biển”, Giám đốc Khu bảo tồn biển Lý Sơn Phùng Đình Toàn, cho biết.

Đối với việc quản lý tàu cá cũng có nhiều điểm mới. Đặc biệt là việc xã hội hóa công tác đăng kiểm tàu cá. Theo đại diện Chi cục Thủy sản, giải pháp này không chỉ giảm tải cho Chi cục, mà còn thu hút các nguồn lực đầu tư, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân khi có nhu cầu đăng kiểm tàu cá theo hướng nhanh, gọn và hiệu quả. Vì vậy, trách nhiệm quản lý của các tổ chức cảng cá cũng được nâng cao thông qua việc thống kê, xác nhận nguồn gốc thủy sản... cũng như từ chối cho bốc dỡ sản phẩm đối với các tàu cá vi phạm vùng biển trong khai thác. Theo Luật 2017, đây được xem là điều kiện để các cơ quan chức năng đánh giá, xem xét chất lượng của các cảng. Từ đó, sẽ công bố công khai cho tổ chức trong và ngoài nước biết, đảm bảo chặt chẽ quy định truy xuất nguồn gốc thủy sản.

Bên cạnh việc phân cấp rõ ràng quyền quản lý, Luật 2017 cũng tăng mức phạt từ 100-200 triệu đồng lên 1-2 tỷ đồng với các cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Thực tế, mức phạt theo Luật 2013 từ 100 - 200 triệu đồng là quá thấp, không đảm bảo tính răn đe cũng như ý nghĩa của việc xử phạt. Đơn cử như hành vi vi phạm vùng biển nước ngoài trong khai thác hải sản. Mức phạt cũ chỉ 50 - 70 triệu đồng, nên nhiều ngư dân vẫn bất chấp vi phạm. Bởi nếu mỗi phiên biển trót lọt, họ có thể thu về tiền tỷ. Vì vậy, Luật 2017 tăng mức phạt tối đa lên 1 tỷ đồng đối với cá nhân vi phạm, hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả, giúp ngư dân cũng như các tổ chức, cá nhân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia khai thác, nuôi trồng và bảo vệ thủy sản.  

Bên cạnh khai thác, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản cũng có nhiều điểm mới. Không chỉ cắt giảm một số quy định không cần thiết về điều kiện hoạt động của các cơ sở nuôi trồng thủy sản, Luật 2017 quy định: Nuôi trồng thủy sản chủ lực hoặc nuôi bằng lồng, bè phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh về thủy sản. Quy định này vừa nâng cao trách nhiệm của các chủ lồng bè và cơ quan quản lý, mà còn là cơ sở để thực hiện các chế độ hỗ trợ khi xảy ra rủi ro do thiên tai, dịch bệnh.

Giám đốc Sở NN&PTNT Dương Văn Tô cho rằng, sự ra đời của Luật 2017 là bước ngoặt trong ngành thủy sản, đó là chuyển từ khai thác tự do sang khai thác có trách nhiệm, là động lực để nâng cao hiệu quả của việc tái cơ cấu ngành thủy sản. Vì vậy, để Luật 2017 đi vào cuộc sống, bên cạnh sự nỗ lực của ngành nông nghiệp, cũng cần sự vào cuộc của hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, phổ biến nội dung, ý nghĩa đến người dân. Hơn nữa, trung ương và tỉnh cũng quan tâm bố trí nguồn lực tương xứng để “cụ thể hóa” Luật 2017 qua việc đầu tư hoàn thiện hạ tầng thủy sản, góp phần đáp ứng nhu cầu sản xuất của ngư dân”.


Bài, ảnh: MỸ HOA

 


.