Thực hiện mục tiêu cấp nước sạch nông thôn đến năm 2020: Còn lắm gian nan

04:11, 19/11/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn hư hỏng, vận hành kém hiệu quả, nhưng thiếu vốn sửa chữa, nâng cấp là những khó khăn, thách thức của các cấp, ngành, địa phương trong nỗ lực đưa nước sạch về vùng nông thôn. Đây cũng là trở ngại trong việc thực hiện mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95% của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX .

TIN LIÊN QUAN

Hệ thống cấp nước sinh hoạt nông thôn là một trong những công trình thiết yếu trong đời sống, góp phần đảm bảo sức khỏe, cải thiện điều kiện sống cho người dân. Tuy nhiên, trong tổng số 496 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn được đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh hiện chưa có đến phân nửa hoạt động bình thường, số còn lại chỉ hoạt động một phần, hoặc ngừng hoạt động do hư hỏng.

 Hầu hết các công trình cấp nước nhỏ lẻ ở miền núi đều chỉ đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt, chứ chư đảm bảo chất lượng nước cung cấp là nước sạch.
Hầu hết các công trình cấp nước nhỏ lẻ ở miền núi đều chỉ đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt, chứ chư đảm bảo chất lượng nước cung cấp là nước sạch.


Mặt khác, phần lớn các công trình cấp nước sinh hoạt hiện nay chất lượng nước sử dụng đang ở mức là nước sinh hoạt, hợp vệ sinh, chứ chưa đảm bảo chất lượng nước cung cấp là nước sạch, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, nhất là miền núi, vùng sâu, vùng xa.
 

"Hiện Trung tâm NS&VSMTNT tỉnh đang quản lý, vận hành và khai thác hiệu quả, ổn định 9 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, đảm nhận cung cấp nước cho gần 6.000 hộ dân. Để phát triển mạng lưới cấp nước sinh hoạt nông thôn hiệu quả, Trung tâm sẵn sàng tiếp nhận và vận hành những công trình cấp nước có quy mô từ 500 hộ trở lên".
Giám đốc Trung tâm NS&VSMTNT Quảng Ngãi LÊ VĂN MINH

Tại huyện Ba Tơ, trong số 57 công trình cấp nước được đầu tư xây dựng từ trước đến nay, với tổng vốn hơn 29 tỷ đồng, hiện chỉ có 18 công trình hoạt động bình thường, chiếm tỷ lệ chưa đến 32%. Tại huyện Sơn Tây, trong số 78 công trình cấp nước được đầu tư xây dựng từ trước đến nay, với tổng vốn khoảng 33 tỷ đồng, chỉ còn khoảng 10 công trình hoạt động bình thường, còn lại chỉ hoạt động một phần và ngừng hoạt động…

Không chỉ miền núi, tại một số huyện đồng bằng cũng gặp khó trong việc cấp nước sạch, sinh hoạt cho dân. Như huyện Sơn Tịnh, trong số 9 công trình cấp nước được xây dựng, chỉ còn 5 công trình hoạt động bình thường và 13 công trình đã được phê duyệt quy hoạch, nhưng chưa được đầu tư xây dựng.

Trước thực trạng hàng trăm công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn “chết yểu”, Giám đốc Trung tâm NS&VSMTNT Quảng Ngãi Lê Văn Minh, cho biết: Để thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra, đến năm 2020 tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95% (50% sử dụng nước sạch theo chuẩn 02 của Bộ Y tế), tỉnh cần quan tâm, bố trí vốn duy tu, bảo dưỡng thường xuyên đối với các công trình đang hoạt động để nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Đồng thời, bố trí vốn sửa chữa, nâng cấp các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn chỉ còn hoạt động một phần và ngừng hoạt động. Đặc biệt, để đảm bảo các công trình cấp nước phát huy hiệu quả lâu dài sau khi được sửa chữa, nâng cấp, các địa phương phải có định hướng thành lập tổ, đội quản lý để kịp thời khắc phục ngay những hỏng hóc trong quá trình vận hành.


Bài, ảnh:  Ý THU

 


.