Bảo vệ môi trường trong khai khoáng: Doanh nghiệp còn lơ là

02:11, 28/11/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Một số doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức việc bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản (KTKS). Trong khi đó, công tác quản lý, bảo vệ môi trường trong khai khoáng chưa sát, kéo theo nhiều hệ lụy...

Bảo vệ môi trường là yêu cầu bắt buộc đối với hoạt động KTKS. Bởi đây là ngành đặc thù, có tác động rất lớn đến môi trường. Thế nhưng, theo đánh giá của Đoàn giám sát HĐND tỉnh về việc thực hiện các quy định của pháp luật trong hoạt động KTKS làm vật liệu xây dựng thông thường và sản xuất xi măng giai đoạn 2011 – 2016, hoạt động KTKS làm vật liệu xây dựng thông thường và sản xuất xi măng trên địa bàn tỉnh hiện nay chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, áp dụng công nghệ khai thác lạc hậu, nên một số mỏ gây ô nhiễm môi trường.

Vẫn còn nhiều tổ chức, cá nhân không xử lý chất thải trong quá trình khai thác, phát tán bụi trong khai thác, chế biến và vận hành, ảnh hưởng đến đời sống người dân ở khu vực lân cận; không cải tạo, phục hồi môi trường khi hết hạn khai thác...

 Công nghệ khai thác tại nhiều mỏ đá trên địa bàn tỉnh còn lạc hậu, nên lượng bụi phát tán trong quá trình khai thác luôn ở mức cao.
Công nghệ khai thác tại nhiều mỏ đá trên địa bàn tỉnh còn lạc hậu, nên lượng bụi phát tán trong quá trình khai thác luôn ở mức cao.


Tại nhiều mỏ khoáng sản, cả ba khía cạnh cơ bản là bảo vệ môi trường trong khu vực khai thác, ngoài khu vực khai thác và sau khi kết thúc hoạt động KTKS đều bị tổ chức, cá nhân điều hành mỏ xem nhẹ.

Tại mỏ đất đồi xã Tịnh Thiện (TP.Quảng Ngãi), đơn vị chủ quản xem nhẹ việc tưới nước trong quá trình khai thác, dẫn đến khu vực khai thác luôn rơi vào tình trạng bụi mịt mù. Tại khu vực khai thác của mỏ đất thôn Trì Bình, xã Bình Nguyên (Bình Sơn), tình trạng ô nhiễm bụi cũng diễn ra tương tự.

Việc không tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong khu vực khai thác,  ảnh hưởng rất lớn đến việc đảm bảo sức khỏe cho người lao động tại mỏ, cũng như cộng đồng dân cư lân cận. Hơn nữa, việc doanh nghiệp không nghiêm túc áp dụng các biện pháp hạn chế ô nhiễm môi trường trong hoạt động vận chuyển khoáng sản từ mỏ đến nơi tiêu thụ, làm cho môi trường ngoài khu vực khai thác vẫn bị ảnh hưởng, gây bức xúc trong dân.

Rất nhiều lần, người dân sống gần các mỏ đá như Thế Lợi, Gò Bè, xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh), mỏ đất An Hội, xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) phải kiến nghị đến chính quyền, vì không chịu nổi tình trạng xe vận chuyển khoáng sản lưu thông trên đường liên thôn, liên xã không tưới nước, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Không chỉ vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác; sau khai thác, nhiều doanh nghiệp vẫn chây ì, không cải tạo môi trường, thủ tục đóng cửa mỏ gây ảnh hưởng môi trường và mất an toàn cho người dân.

Theo báo cáo của Sở TN&MT, trên địa bàn tỉnh hiện có 30 mỏ chưa thực hiện nghĩa vụ này. Chẳng hạn như các mỏ đất trên địa bàn huyện Đức Phổ là mỏ Núi Dâu, Hiển Văn, Bàn Thạch; các mỏ đất trên địa bàn huyện Sơn Tịnh là mỏ đất tại Núi Lớn, mỏ đất đồi thôn Thọ Đông, mỏ đất đồi thôn Lệ Thủy...

Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Phiên, trong thời gian đến, các sở, ngành, địa phương phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong quản lý hoạt động KTKS; tổ chức kiểm tra định kỳ và cả kiểm tra đột xuất các mỏ khai thác và xử lý nghiêm các mỏ vi phạm quy định về môi trường, đất đai, khoáng sản; kiên quyết đình chỉ các hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản không đảm bảo các quy định, nhất là những hoạt động khai khoáng, chế biến, vận chuyển... không tuân thủ các quy định về môi trường và gây mất an toàn cho người dân.


Bài, ảnh: Ý THU

 


.