Tìm hướng nâng cao giá trị hải sản

05:10, 19/10/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dù sản lượng tăng, nhưng hiệu quả không như mong muốn, khiến ngư dân hành nghề khai thác hải sản xa bờ gặp nhiều khó khăn.

TIN LIÊN QUAN

Trong 9 tháng đầu năm, sản lượng khai thác hải sản của tỉnh đạt trên 140.300 tấn, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2016.

Trăn trở của ngư dân

Là nghề chủ lực, nhưng các sản phẩm của nghề lưới vây lại thường xuyên rơi vào cảnh rớt giá. “Giá bán các loại cá nục, cá ngừ hiện rất thấp. Nhiều phiên biển được cá, cứ ngỡ thu nhập sẽ tăng lên, ai ngờ thương lái mua giá quá thấp, nên chỉ hòa vốn”, ngư dân Nguyễn Thành Khâm, ở xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) cho biết.

 Liên kết sản xuất từ khâu đánh bắt, thu mua, chế biến và tiêu thụ sẽ góp phần nâng giá trị gia tăng cho ngành thủy sản.                        ẢNH: PV
Liên kết sản xuất từ khâu đánh bắt, thu mua, chế biến và tiêu thụ sẽ góp phần nâng giá trị gia tăng cho ngành thủy sản. ẢNH: PV


Theo ông Khâm, hai loại cá thường dẫn đầu giá bán của nghề lưới vây là cá nục suôn và cá ngừ sọc dưa hiện ở mức rất thấp. Giá cá nục suôn hiện nay chỉ từ 15.000-18.000 đồng/kg (giảm 2.000-3.000 đồng/kg); cá ngừ sọc dưa 30.000-32.000 đồng/kg (giảm 5.000-8.000 đồng/kg).

Còn ngư dân Phạm Tấn Vân, ở xã Tịnh Kỳ cũng không vui khi hơn 10 tấn cá ngừ sọc dưa-loại cá được đánh giá là giá trị, nhưng chỉ bán được 300 triệu đồng. Để có được mẻ cá ngừ sọc dưa, ông Vân và hàng chục lao động trên tàu đã phải bám biển Hoàng Sa hơn 20 ngày. Cứ ngỡ trúng cá ngon sẽ được giá bán, có thêm thu nhập, nên ông Vân và các lao động trên tàu rất phấn khởi. Tuy nhiên, khi tàu cập cảng Sa Kỳ, ông Vân thất vọng khi đầu nậu chỉ thu mua mẻ cá với giá 30.000 đồng/kg. “Đầu nậu cho rằng cá ngừ sọc dưa đang... thừa nên giá bán hạ. Biết mình bị ép, nhưng phải chịu chứ biết sao giờ”, ông Vân nói.
 

“Thu hút doanh nghiệp đầu tư thành lập đội tàu thực hiện dịch vụ hậu cần quy mô lớn để vừa cung cấp nhiên liệu, nhu yếu phẩm, vừa thu mua hải sản trên biển của các tàu hoạt động ở vùng biển xa. Đồng thời, quan tâm xây dựng các cảng cá, tạo đòn bẩy cho khai thác lẫn tiêu thụ sản phẩm là giải pháp nâng tầm giá trị hải sản trong thời gian tới”.
Giám đốc Sở NN&PTNT DƯƠNG VĂN TÔ

Từ đầu năm đến nay, các sản phẩm của nghề lưới vây thường xuyên bị rớt giá. Theo ngư dân, đây là điều “bất thường”. Bởi nếu biển êm, cá nhiều, giá thấp đã đành. Đằng này biển động, cá ít mà giá vẫn cứ rớt!

Tìm giải pháp

Toàn tỉnh hiện có hơn 5.500 tàu cá, với tổng công suất trên 1,5 triệu CV. Trong đó, tàu công suất từ 90CV trở lên có hơn 2.500 chiếc. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả khai thác và nâng giá trị hải sản, bên cạnh việc ứng dụng kỹ thuật, một số ngư dân cũng thay đổi phương thức tổ chức sản xuất theo hướng khép kín, từ cung ứng hậu cần nghề cá đến khai thác, bảo quản và tiêu thụ hải sản bằng việc liên kết với doanh nghiệp.

“Tôi hợp tác với một số tàu hoạt động cung ứng dịch vụ hậu cần để thực hiện việc mua bán nhiên liệu, thực phẩm và sản phẩm ngay trên biển, nên đỡ tốn chi phí đi lại”, ngư dân Phạm Thắng, ở xã Tịnh Kỳ chia sẻ. Theo ông Thắng, dù giá bán sản phẩm trên biển thấp hơn tại cảng vài giá, nhưng thời gian bảo quản sản phẩm rút ngắn, nên chất lượng đảm bảo. Vì vậy, ngư dân không bị ép bán theo kiểu “cân trừ hao”. Hơn nữa, vì tiết kiệm khá nhiều chi phí ra vào, tăng thời gian bám biển nên hiệu quả kinh tế của các phiên biển cũng cao hơn trước.

 Từ đầu năm đến nay, cá nục suôn thường rơi vào cảnh rớt giá.
Từ đầu năm đến nay, cá nục suôn thường rơi vào cảnh rớt giá.


Tuy nhiên, do nguồn lực còn hạn chế, nên việc cung ứng hậu cần và thu mua sản phẩm trên biển thực hiện không thường xuyên. Vì vậy, việc cung cấp hậu cần cho tàu và bán sản phẩm vẫn thực hiện chủ yếu tại các cảng biển, nên giá trị kinh tế thực tế thu được sau mỗi chuyến biển của ngư dân không cao. Nhiều tàu thu không đủ chi.

Khắc phục tình trạng trên, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương cho rằng, bên cạnh việc huy động nguồn vốn của các doanh nghiệp, tổ chức trong việc đầu tư đóng mới tàu dịch vụ hậu cần, cơ sở chế biến hải sản lớn, tạo chuỗi liên kết thu mua-tiêu thụ, thì ngư dân cũng cần chủ động ứng dụng các tiến bộ về khoa học kỹ thuật, du nhập nghề mới, áp dụng công nghệ bảo quản hải sản tiên tiến... nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm tổn thất sau khai thác. Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến sâu rộng các cơ chế hỗ trợ của Nhà nước, giúp ngư dân tiếp cận đầy đủ và mạnh dạn đầu tư, tăng năng lực sản xuất.


Bài, ảnh: MỸ HOA




 


.