Thu hút đầu tư, động lực phát triển kinh tế - xã hội (kỳ 2)

02:10, 19/10/2017
.

TIN LIÊN QUAN

*Kỳ 2: Còn nhiều tồn tại, bất cập

(Báo Quảng Ngãi)- Thành tựu trong thu hút đầu tư những năm qua, đã góp phần đưa Quảng Ngãi cất cánh lên tầm cao mới. Tuy nhiên, công tác thu hút đầu tư vào tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập. Nhiều dự án đầu tư sau khi được cấp phép vẫn nằm "trên giấy", gây lãng phí đất đai, hoặc một số dự án gây ô nhiễm môi trường, khiến dư luận bức xúc.

Nhức nhối với dự án “treo”

Bãi biển Mỹ Khê (xã Tịnh Khê, TP.Quảng Ngãi) là một điểm du lịch nổi tiếng, hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài tỉnh, được nhiều nhà đầu tư để mắt đến. Tuy nhiên, nhiều dự án sau khi được tỉnh cấp giấy phép đầu tư, đã không triển khai dự án như cam kết. Đầu tiên phải kể đến là dự án Khu du lịch biển Mỹ Khê, do Công ty CP Du lịch Mỹ Khê làm chủ đầu tư, trên diện tích 25ha, quy mô ban đầu là khu resort 4 sao, số lượng 500 - 700 người lưu trú/ngày. Sau đó, chủ đầu tư xin điều chỉnh lên 5 sao, với tổng vốn đầu tư 824 tỷ đồng, thời gian hoàn thành dự án đến hết năm 2015. Tháng 3.2010, dự án khởi công hứa hẹn sẽ biến bãi biển Mỹ Khê hoang sơ trở thành điểm đến của khách du lịch. Thế nhưng, niềm vui cứ nằm... trên giấy, biển Mỹ Khê vẫn hoang sơ và nham nhở từ đó đến giờ.

 Nhiều dự án du lịch dịch vụ được cấp phép đầu tư vào Khu du lịch Mỹ Khê không triển khai như cam kết, để
Nhiều dự án du lịch dịch vụ được cấp phép đầu tư vào Khu du lịch Mỹ Khê không triển khai như cam kết, để "treo" nhiều năm, gây lãng phí đất đai và bức xúc trong nhân dân.


Cũng không kém về quy mô và vốn đầu tư là Dự án du lịch sinh thái biển Hàng Dương do Công ty TNHH Hà Thành làm chủ đầu tư, với diện tích trên 138.000m2 và được tỉnh cấp phép đầu tư năm 2004. Tuy nhiên, quá trình triển khai, chủ đầu tư đã có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ thiết kế, rừng dương phòng hộ ven biển nằm trong quần thể khu du lịch Mỹ Khê đã bị chặt hạ trái phép.

Trước sai phạm của doanh nghiệp cũng như quá trình đầu tư ì ạch, năm 2007 tỉnh ra quyết định thu hồi 10.000m2 đất của dự án giao cho Dự án nghỉ dưỡng và du lịch Ánh Sao - Mỹ Khê, do Công ty TNHH Ánh Sao làm chủ đầu tư. Dự án được cấp phép vào năm 2008, với quy mô gồm các khu: Khách sạn 5 tầng, căn hộ cao cấp 7 tầng, biệt thự, nhà hàng... tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Nhưng rồi cũng như hai dự án trên, “siêu” dự án nghỉ dưỡng vẫn án binh bất động, nên đến năm 2011, UBND tỉnh đã ra quyết định thu hồi.

Trong khi đó, đối với Khu đô thị mới Phú Mỹ trên địa bàn phường Nghĩa Chánh và xã Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi) chính thức khởi công năm 2009. Đây là dự án Khu đô thị mới đầu tiên của Công ty Phát triển nhà và đô thị (HUD) triển khai tại Quảng Ngãi và miền Trung, quy mô 170ha, vốn đầu tư 1.250 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2013. Tuy nhiên, 8 năm từ ngày khởi công, dự án cũng chỉ thực hiện hoàn thành giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng được 37ha.

Riêng ở phía bắc TP.Quảng Ngãi, nhiều dự án chiếm đất tồn tại hàng chục năm qua, đến nay vẫn chỉ là những bãi đất trống, gây bức xúc trong dư luận như dự án Siêu thị VT Mart của Công ty Việt Trung, sau này chuyển giao cho Thiên Thanh, Dự án khu Thương mại Dịch vụ Vina Universal Paradise do Công ty CP Đầu tư Khu du lịch - Phim trường Vina làm chủ đầu tư, Dự án Khu dân cư Sơn Tịnh do Công ty CP 577 làm chủ đầu tư...
 

Theo thống kê của Sở KH&ĐT, từ năm 2010 đến nay, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định thu hồi 52 dự án đã được Sở cấp giấy chứng nhận đầu tư. Nguyên nhân là do các dự án chậm tiến độ, hoặc chủ đầu tư đề nghị thu hồi vì không thể thực hiện được...

Những "bài học" đắt giá...

Những năm trước đây, công tác thu hút đầu tư vào Quảng Ngãi được triển khai ồ ạt theo kiểu “trải thảm” mời gọi đầu tư, nhằm sớm “lấp đầy” dự án vào KKT Dung Quất, các KCN, khu du lịch... mà không đánh giá hết được năng lực của doanh nghiệp và sự tác động của dự án đối với cộng đồng xung quanh, dẫn đến hậu quả để lại khá nặng nề.

Dự án Nhà máy xi măng Đại Việt là một trong những dự án đầu tư sớm nhất, thực hiện tại KKT Dung Quất. Ngay sau khi nhà đầu tư xin chủ trương thực hiện, tỉnh đã tập trung GPMB bàn giao đất sạch cho dự án. Tuy nhiên, Nhà máy xi măng Đại Việt lại hiện diện giữa khu dân cư, trong quá trình hoạt động đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân xung quanh. Người dân bức xúc gửi đơn. Rất nhiều phương án được các đơn vị chức năng đưa ra để giải quyết ổn thỏa giữa người dân và chủ đầu tư, nhưng rồi suốt nhiều năm qua vụ việc vẫn chưa đi đến hồi kết.

Trao đổi với phóng viên, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Đăng Lộc, cho rằng: "Cả nhà đầu tư và người dân đều thiệt hại trong trường hợp này. Tất nhiên ở đây có nhiều nguyên nhân, trước hết là lỗi thuộc về nhà đầu tư khi đầu tư sản xuất, nhưng không đảm bảo theo đúng báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tỉnh cũng tính đến hai phương án di dời nhà máy hoặc di dời người dân, nhưng tổng số tiền để thực hiện quá lớn. Đây là vấn đề rất khó đối với tỉnh, với nhà đầu tư và với người dân”.

Cũng theo ông Nguyễn Đăng Lộc, hiện nay thực trạng các dự án “treo” đã gây bức xúc trong nhân dân. Có dự án xây dựng dở dang rồi để đó, có dự án xin cấp giấy chứng nhận chủ trương đầu tư rồi liên tục điều chỉnh thời gian thực hiện, xin gia hạn với nhiều lý do. Đơn cử như đối với dự án Bệnh viện Nhân Tâm (phường Nghĩa Chánh), đến nay Sở KH&ĐT đã ba lần đề nghị UBND tỉnh thu hồi, nhưng nhà đầu tư xin gia hạn nhiều lần, vì họ đã bỏ tiền tỷ ra đầu tư, nhưng không thực hiện. Ông Lộc cho biết thêm, dự án này không phải nhà đầu tư không thực hiện, mà vì họ có sự cố ngoài ý muốn về người đứng đầu và đối tác không cung cấp đủ máy móc thiết bị phục vụ dự án, cũng như nguồn lao động khi dự án hoàn thành.

 “Tỉnh mời gọi được nhà đầu tư về đầu tư kinh doanh tại tỉnh đã khó, nhưng nay phải thu hồi càng khó khăn hơn. Nhà đầu tư bị thu hồi dự án, thì không chỉ nhà đầu tư thiệt hại mà tỉnh, người dân địa phương đều bị thiệt. Đây là điều không bên nào mong muốn, nhưng thực tế để lại cho tỉnh những bài học sâu sắc trong thu hút đầu tư”, ông Lộc chia sẻ.

Không đón nhận nhà đầu tư yếu kém

Thu hút đầu tư là yêu cầu tất yếu cho phát triển, bởi càng có nhiều nhà đầu tư đến đầu tư dự án tại tỉnh, sẽ đóng góp vào nguồn thu ngân sách và giải quyết việc làm cho người dân. Tuy nhiên, việc chúng ta "trải thảm" để thu hút nhà đầu tư, rồi gặp phải những nhà đầu tư "thất hứa" đã để lại những hệ lụy rất lớn. Quỹ đất bị lãng phí, trong khi người dân nhường đất phục vụ dự án lại xót xa và tiếc nuối, vì không canh tác được, dù đất đang bỏ hoang.

Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Đăng Lộc cho biết, hiện nay tỉnh luôn ưu ái đón chào nhà đầu tư, nhưng không thu hút đầu tư bằng mọi giá. Để công tác thu hút đầu tư đạt hiệu quả, không xảy ra tình trạng cấp phép đầu tư rồi phải thu hồi dự án, Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo thu hút đầu tư theo phương cách chọn lọc, chú trọng chất lượng dự án. Trong đó, tập trung kêu gọi đầu tư vào du lịch, dịch vụ, thương mại và những ngành nghề, lĩnh vực ít gây ô nhiễm môi trường.

Mới đây, tại buổi làm việc với chủ đầu tư một số dự án bất động sản đang đầu tư trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Văn Minh cho rằng, Quảng Ngãi luôn mở lòng chào đón các nhà đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho tất cả các thành phần kinh tế đầu tư vào tỉnh. Tuy nhiên, cứ tình trạng xin dự án, nhưng thực hiện quá chậm, hoặc để “treo” gây dư luận không tốt, thì tỉnh không thể đón nhận.



P. DANH - T. NHỊ

---------------------------------
*Kỳ 3: Giảm tồn tại, tăng hiệu quả của thu hút đầu tư


 


.