Thu hút đầu tư, động lực phát triển kinh tế - xã hội (kỳ 1)

04:10, 18/10/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi có vị trí chiến lược trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, có cảng nước sâu Dung Quất và hạ tầng giao thông thuận lợi. Phát huy lợi thế ấy, những năm qua, Quảng Ngãi đã “rộng cửa” thu hút rất nhiều nhà đầu tư trong, ngoài nước đến đầu tư để tạo ra sản phẩm cho xã hội, đóng góp quan trọng vào nguồn thu ngân sách và giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động địa phương. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều dự án sau khi được tỉnh cấp giấy phép đầu tư chỉ nằm trên giấy, quy hoạch “treo” nhiều năm trời, gây lãng phí đất đai và bức xúc trong nhân dân.

 

Kỳ 1: Nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế


Với mục tiêu đưa Quảng Ngãi sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, thời gian qua, tỉnh ta đã ban hành nhiều cơ chế chính sách thuận lợi, đồng thời tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ để thu hút nhiều dự án đầu tư vào Quảng Ngãi, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh.

 


Động lực từ các dự án lớn

Nhìn tổng quan bức tranh kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ngãi hôm nay, ai cũng nhận thấy Quảng Ngãi đã có sự đổi thay vượt bậc so với hơn chục năm về trước. Đóng góp quan trọng vào thành tựu nổi bật ấy, chính là những dự án lớn đầu tư vào Quảng Ngãi, mà đầu tiên phải kể đến là dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, công trình trọng điểm quốc gia, biểu tượng của ngành công nghiệp Việt Nam và là đầu tàu của kinh tế miền Trung.

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã đóng góp đặc biệt quan trọng vào phát triển kinh tế của tỉnh và có sức lan tỏa, thu hút nhiều dự án đầu tư vào Quảng Ngãi.                                                      Ảnh: PV
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã đóng góp đặc biệt quan trọng vào phát triển kinh tế của tỉnh và có sức lan tỏa, thu hút nhiều dự án đầu tư vào Quảng Ngãi. Ảnh: PV


Trao đổi với phóng viên, Tổng Giám đốc Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) Trần Ngọc Nguyên cho biết, sau hơn 10 năm đi vào hoạt động, NMLD Dung Quất đã sản xuất hơn 47 triệu tấn xăng dầu, tổng doanh thu hơn 40 tỷ USD, nộp ngân sách nhà nước gần 7 tỷ USD, lợi nhuận sau thuế 13,5 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, nhiều năm liền, nhà máy vận hành ổn định, an toàn với 100% công suất. Hiện nhà máy cung cấp gần 40% nhu cầu xăng dầu cho cả nước và không chỉ là đầu tàu thúc đẩy các ngành kinh tế phụ trợ phát triển, mà còn là lực hút các nhà đầu tư đến với KKT Dung Quất. Hằng năm, NMLD Dung Quất đã đóng góp vào ngân sách tỉnh từ 80% trở lên. Hiện Quảng Ngãi nằm trong tốp 10 tỉnh, thành trong cả nước có số thu nội địa cao nhất.
 

Trong 9 tháng năm 2017, toàn tỉnh đã thu hút được 72 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký gần 74 nghìn tỷ đồng, trong đó có 5 dự án FDI (269 triệu USD) và 67 dự án đầu tư trong nước (trên 66,2 nghìn tỷ đồng). So với cùng kỳ năm 2016, dự án thu hút đầu tư trong nước 9 tháng qua tăng 37 dự án, vốn đăng ký tăng 17 lần. Lũy kế đến nay, Quảng Ngãi có 45 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 1,4 tỷ USD và 392 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký hơn 218 nghìn tỷ đồng.

Cũng nằm trong KKT Dung Quất, Công ty TNHH Công nghiệp nặng Doosan Việt Nam (Doosan Vina) được biết đến là doanh nghiệp FDI lớn và thành công nhất tại Quảng Ngãi đến thời điểm hiện tại. Tổng Giám đốc Doosan Vina Yeon In Jung cho biết, Doosan thâm nhập vào Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1995 tại TP.Hải Phòng và sự thành công ở đây đã dẫn đến việc đầu tư 300 triệu USD xây dựng Doosan Vina tại Quảng Ngãi, tạo ra việc làm cho hơn 4.000 lao động trong tỉnh. Từ khi đi vào vận hành đến nay, Doosan Vina đã tham gia sản xuất sản phẩm cho gần 200 dự án, với tổng trọng lượng xuất khẩu trên 350.000 tấn, góp phần tăng trưởng kinh tế của Quảng Ngãi và khu vực miền Trung.

Đặc biệt, trong hơn 10 năm qua, công ty đã đào tạo và chuyển giao kỹ thuật, thiết kế và kinh nghiệm sản xuất cho hàng nghìn người Việt Nam, góp phần giúp hiện đại hóa ngành cơ khí trong nước. Ngoài ra, Doosan Vina luôn chú trọng thực hiện trách nhiệm xã hội trên ba lĩnh vực chính gồm sức khỏe, giáo dục và nhà ở. Đến nay, Doosan Vina đã đầu tư hơn 5,5 triệu USD cho hoạt động xã hội.

Ngoài hai dự án “khủng” kể trên, những năm gần đây, Quảng Ngãi còn thu hút được một số dự án lớn vào tỉnh, nhất là dự án FDI, mà điển hình là Khu Công nghiệp - Đô thị và Dịch vụ VSIP Quảng Ngãi. Đây cũng là dự án đánh dấu sự đột phá mạnh mẽ trong thu hút vốn đầu tư FDI vào Quảng Ngãi. Sau 4 năm đầu tư, đến nay VSIP Quảng Ngãi đã xây dựng xong hạ tầng giai đoạn 1A với 180ha đất công nghiệp; đang tiếp tục phát triển 435ha đất công nghiệp giai đoạn 1B. Qua đó thu hút được 17 nhà đầu tư, với tổng vốn đăng ký 338 triệu USD, trong đó có 7 dự án đã đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho khoảng 3.800 lao động. Bên cạnh đó, Khu Đô thị - Dịch vụ VSIP giai đoạn 1 với 99ha triển khai năm 2016, hiện đã hoàn thành các tiện ích, phục vụ nhu cầu nhà ở và vui chơi, giải trí cho người dân trong khu vực...

Phát huy lợi thế, lan tỏa thu hút đầu tư

Tỉnh Quảng Ngãi có diện tích hơn 5.000km2, dân số gần 1,3 triệu người, trong đó hơn 63,6% dân số trong độ tuổi lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trên 45%. Bên cạnh đó, Quảng Ngãi kết nối hạ tầng giao thông đồng bộ, thông suốt với Quốc lộ 1, đường sắt Bắc - Nam, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Quốc lộ 24A nối liền với các tỉnh Tây Nguyên và Nam Lào. Quảng Ngãi cách cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng 130km, sân bay Chu Lai khoảng 40km về phía bắc. Có cảng biển nước sâu Dung Quất, có thể tiếp nhận tàu đến 100.000 tấn và nhiều cảng chuyên dụng phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa. Tất cả những thông số ấy, chính là điều kiện thuận lợi để Quảng Ngãi trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Doosan Vina là nhà đầu tư FDI thành công nhất tại Quảng Ngãi đến thời điểm hiện tại.                           Ảnh:  PV
Doosan Vina là nhà đầu tư FDI thành công nhất tại Quảng Ngãi đến thời điểm hiện tại. Ảnh: PV


Phát huy lợi thế của mình và tận dụng sức lan tỏa mạnh mẽ từ các dự án lớn trên địa bàn, những năm qua, Quảng Ngãi đã nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và đẩy mạnh xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư trong, ngoài nước đầu tư vào tỉnh. Trong đó, tập trung thu hút đầu tư vào KKT Dung Quất (hơn 45.300ha) - một trong 5 KKT ven biển được Chính phủ ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng và có chính sách ưu đãi cao nhất Việt Nam hiện nay.

Điển hình trong việc thu hút đầu tư vào Quảng Ngãi trong năm 2017 là dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất, với tổng vốn đầu tư 60 nghìn tỷ đồng, diện tích trên 372ha (khu vực từng được cấp cho dự án thép Guang Lian Dung Quất). Dự án có công suất 4 triệu tấn/năm, với các sản phẩm chủ yếu là thép xây dựng, thép cuộn. Dự kiến sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động, sẽ đem lại doanh thu khoảng 2 tỷ USD/năm và tạo công ăn việc làm cho 8.000 lao động. Dự án sẽ góp phần tăng đáng kể sản lượng công nghiệp, dịch vụ, đóng góp cho ngân sách 4.000 tỷ đồng mỗi năm sau khi hoạt động hết công suất.

Việc cấp phép đầu tư cho dự án thép Hòa Phát Dung Quất cũng được xem là một đột phá trong hoạt động thu hút đầu tư vào Quảng Ngãi trong giai đoạn hiện nay. Đến nay, tại KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi có 248 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư gần 11 tỷ USD, trong đó có 41 dự án FDI (hơn 1,3 tỷ USD) và 207 dự án trong nước (gần 185.620 tỷ đồng).

Ngoài các dự án lớn, công tác thu hút đầu tư vào Quảng Ngãi thời gian qua cũng đã lan tỏa đến nhiều dự án khác trong các lĩnh vực thương mại - dịch vụ, bất động sản, hạ tầng đô thị. Điển hình như các Khu đô thị Ngọc Bảo Viên, Phú Mỹ, VSIP...

Để đạt được kết quả trên, thời gian qua lãnh đạo tỉnh luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư. Quảng Ngãi đã ban hành nhiều cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhà đầu tư, cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi, hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư. Đặc biệt, giá cho thuê đất để thực hiện các dự án đầu tư với mức thấp nhất theo khung giá quy định của Chính phủ. Hỗ trợ chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với những dự án đặc biệt khuyến khích đầu tư. Hỗ trợ đến 70% chi phí đầu tư hạ tầng trong và ngoài hàng rào dự án, đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và miễn tiền thuê đất suốt đời dự án, đối với lĩnh vực xã hội hóa như giáo dục, y tế, văn hóa thể thao, môi trường. Ngoài ra, tỉnh Quảng Ngãi còn hỗ trợ chi phí đào tạo lao động cho các doanh nghiệp; rút ngắn thủ tục hành chính, với cơ chế nhanh gọn, một đầu mối, hiệu quả cho nhà đầu tư.
 

P.DANH - T.NHỊ


-----------------------
Kỳ 2: Còn nhiều tồn tại, bất cập


 


.