Dự báo thị trường: Quan trọng nhưng chưa chú trọng

02:10, 05/10/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hoạt động dự báo thị trường, giúp chính quyền tổ chức các giải pháp quản lý nhà nước về thị trường kịp thời, hiệu quả, tạo sự ổn định, nhất là về giá cả. Tuy nhiên, hoạt động này của Quảng Ngãi trong thời gian qua chưa được chú trọng đúng mức, dẫn đến chất lượng dự báo chưa cao, ảnh hưởng đến sự điều tiết chung về thị trường trong tỉnh.

Bỏ ngỏ dự báo thị trường

Trong tất cả các báo cáo của các sở, ngành tham mưu cho tỉnh về công tác giá cả, thị trường, hầu hết chỉ tập trung đánh giá “tình hình đã diễn ra”, chưa đề cập đến dự báo. Đơn cử như các báo cáo tháng, quý của lực lượng quản lý thị trường tỉnh, tình hình thị trường đánh giá theo giá cả một số mặt hàng tăng hay giảm so với cùng kỳ. Thậm chí có một số mặt hàng, việc đánh giá tình hình giá cả còn chưa sát thực tế trong tỉnh.
 

 

Nhiều năm liền, thị trường dưa hấu thiếu sự dự báo kịp thời, dẫn đến cung vượt quá cầu, nông dân thua thiệt.
Nhiều năm liền, thị trường dưa hấu thiếu sự dự báo kịp thời, dẫn đến cung vượt quá cầu, nông dân thua thiệt.
Đơn cử như mặt hàng heo hơi, thịt nạc, trong khi thị trường đã tăng từ 4.000 - 6.000 đồng/kg so với quý trước, nhưng trong đánh giá của quản lý thị trường thì mặt hàng này lại giảm giá. Trong phần “phương hướng nhiệm vụ thời gian tới”, mặc dù có đề cập đến “bám sát diễn biến, tăng cường công tác dự báo thị trường”, nhưng hầu như chưa khi nào trong báo cáo ngành chức năng có xây dựng nội dung đầy đủ, đạt chất lượng của “dự báo”.

Đối với thị trường nông sản, gần như dự báo tình hình thị trường trong suốt thời gian qua bị bỏ ngỏ. Thị trường này thực tế do các tư thương quyết định. Khi tìm được đầu ra tiêu thụ sản phẩm, tư thương đưa ra giá cao; lúc thị trường bị bóp lại thì giá sẽ tự sụt giảm. Thậm chí, cả một thời gian dài, nông sản của Quảng Ngãi rơi vào tình trạng “được mùa mất giá” và khi được giá thì phải là lúc... mất mùa.

Dự báo tốt sẽ quản lý tốt

Tại Quảng Ngãi, các yếu tố liên kết làm nên một thị trường tốt, dường như rất rời rạc. Ngành nông nghiệp thì cho là mình chỉ có chức năng nghiên cứu giống tốt, cung ứng giải pháp kỹ thuật tối ưu, để “được mùa”. Còn chuyện giúp nhà nông tìm thị trường tiêu thụ là của... ngành công thương!. Trong khi ngành công thương lại khẳng định, việc tiêu thụ nông sản phụ thuộc vào chất lượng và thương hiệu. Sản phẩm không đạt các tiêu chuẩn của nhà phân phối, sẽ không vào được thị trường ổn định. Và cho dù nông dân có được mùa thì đôi khi vẫn rơi vào tình trạng... thua lỗ.

Đối với thị trường bất động sản, vật liệu xây dựng... gần như hoạt động dự báo vẫn do các doanh nghiệp (DN), cơ sở kinh doanh theo dõi. Vì thế, đã có những thời điểm cung vượt quá cầu, gây ra tình trạng “đóng băng” bất động sản.

Với thị trường tiêu dùng, nếu hoạt động dự báo chất lượng cũng sẽ giúp tỉnh đưa ra các quyết sách đúng đắn trong điều tiết thị trường, giữ nhịp bình ổn, tạo thuận lợi trong mua sắm, tiêu dùng cho nhân dân, nhất là người có thu nhập thấp.

Những năm gần đây, Quảng Ngãi liên tiếp tổ chức chương trình “bình ổn giá Tết”, nhưng thực chất các mặt hàng được chọn để bình ổn giá lại không có nhiều khả năng sẽ bị tăng giá trong dịp này. Hơn nữa, các DN được chọn để cho mượn tiền ngân sách bình ổn giá lại thực hiện nghĩa vụ bán hàng bình ổn qua loa, rốt cuộc, giá một số mặt hàng bình ổn cứ đến Tết lại... không bình ổn giá.
 
Nhiều DN và người dân cho rằng, với thị trường gần như đang vào giai đoạn bão hoà như hiện nay, nhưng hoạt động dự báo vẫn là “sức mua sắm tăng cao” để thực hiện chương trình bình ổn giá đã không thực sự chính xác và cần thiết nữa. Vì thế, cần dừng lại chương trình này, tránh lãng phí thời gian và tiền ngân sách, ngăn chặn DN lợi dụng được ngân sách “rót” tiền bình ổn thị trường Tết rồi chiếm dụng, không trả đúng thời hạn.
   

Bài, ảnh: THANH NHỊ
 


.