Phát triển công nghiệp gắn với thương mại, dịch vụ, đô thị

07:09, 21/09/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, Mộ Đức đã tích cực khai thác tiềm năng, thế mạnh, tập trung đầu tư để phát triển công nghiệp gắn với thương mại, dịch vụ và chỉnh trang đô thị... tạo bước phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

TIN LIÊN QUAN

Hoàn thiện hạ tầng

Trong 9 tháng năm 2017, Mộ Đức đã xét và chấp thuận cho một nhà đầu tư mới là Công ty TNHH cấu kiện bê tông và hạ tầng Kiến Trường vào Cụm công nghiệp (CCN) Quán Lát, nâng tổng số dự án vào các CCN lên 12 dự án. Trong đó, 10 dự án đã đi vào hoạt động, 2 dự án đang thực hiện các thủ tục thuê đất. Các doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ thuế 9 tháng ước 319 triệu đồng, giá trị sản xuất công nghiệp đạt gần 57 tỷ đồng.

 

Một góc thị trấn Mộ Đức.
Một góc thị trấn Mộ Đức.


Để thu hút đầu tư, Mộ Đức đang đẩy nhanh tiến độ mở rộng CCN Quát Lát và thành lập CCN thị trấn. Đồng thời, thu hút đầu tư các dự án về chế biến nông sản, may mặc, da giày vào các CCN để huy động lao động đi làm ăn xa về làm việc tại địa phương.

Cùng với ngân sách tỉnh, trong những năm qua, Mộ Đức đã ưu tiên nguồn vốn để đầu tư hoàn thiện các hạng mục tại các CCN trên địa bàn huyện. Đối với CCN Thạch Trụ, tuyến đường CCN- Quốc lộ 24 và san nền khu B (2,2 ha) với tổng mức đầu tư 14 tỷ đồng, đang khẩn trương triển khai công tác bồi thường và lập các thủ tục đầu tư để thực hiện theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Riêng hạng mục hoàn chỉnh hạ tầng CCN với tổng mức đầu tư 10,3 tỷ đồng đang triển khai công tác bồi thường và lập các thủ tục đầu tư để thực hiện theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu, đã được UBND huyện phê duyệt.

Đối với CCN Quán Lát, huyện đã triển khai mở rộng hạng mục nền, mặt đường và thoát nước ngang từ CCN đến tuyến đường Bồ Đề - Chợ Vom. Hiện công trình đã được  nghiệm thu hoàn thành và đưa vào sử dụng, tạo thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa trong CCN ra các tuyến đường, góp phần tăng hiệu quả sản xuất.

Không chỉ đầu tư phát triển hạ tầng tại các CCN mà mục tiêu của Mộ Đức là chỉnh trang lại các khu dân cư nằm trong đô thị kết hợp vừa khai thác quỹ đất, đầu tư khu vui chơi, giải trí, trung tâm thương mại, phục vụ cho người dân trong vùng và lực lượng lao động về làm việc trong các nhà máy.

Theo Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Trần Văn Mẫn, điểm nhấn của thị trấn Mộ Đức là hầu hết các dự án đều nằm ở thị trấn. Do đó, việc chỉnh trang, xây dựng đô thị có nhiều thuận lợi. Cùng với đó, huyện sẽ quy hoạch vùng nông nghiệp công nghệ cao ở phía tây thị trấn để thuận lợi cho việc sản xuất, cũng như xây dựng các mô hình để các nơi đến tham quan, học tập... Ngoài ra, kết hợp với phía đông, hàng loạt các dự án như đầu tư trồng nha đam, măng tây, rau củ quả sẽ mở ra cơ hội mới cho ngành nông nghiệp công nghệ cao của Mộ Đức, hướng đến mục tiêu công nghiệp hóa nông nghiệp.

Nhanh chóng triển khai các dự án

Việc triển khai các dự án của các nhà đầu tư trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, phát triển đô thị trên địa bàn huyện Mộ Đức đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hiện đã có 16 dự án được nhà đầu tư đề xuất, với tổng mức đầu tư trên 949 tỷ đồng.

 Dự án Khu dân cư bắc Huyện ủy đã được san ủi mặt bằng.
Dự án Khu dân cư bắc Huyện ủy đã được san ủi mặt bằng.


Tính đến tháng 9.2017, Mộ Đức đã có 4 dự án được UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư gồm chợ Thạch Trụ; kè và khu dân cư Nam Sông Vệ; khu dân cư thôn Phước Thịnh; khu dân cư Quảng trường. Ngoài dự án khu dân cư thôn Phước Thịnh chưa thống nhất được phương án quy hoạch chi tiết, thì 3 dự án còn lại đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết và đang giải phóng mặt bằng, lập dự án đầu tư trình thẩm định, phê duyệt.

Bên cạnh đó, có 6 dự án đang được các sở, ngành chuyên môn xem xét trình UBND quyết định chủ trương đầu tư như Khu du lịch suối nước nóng Quê Hương, Trung tâm đào tạo lái xe Đại Hùng Phong; khu dân cư dọc tuyến đường Trường THPT Phạm Văn Đồng - Đường tránh 624C; khu dân cư - thương mại- dịch vụ Nam Thạch Trụ; khu dịch vụ và dân cư An Phú; Nhà máy bao bì Intersack.

Hiện các ngành sản xuất dăm gỗ, ngói không nung, gạch tuynel, sản xuất ván ghép thanh từ gỗ... có thế mạnh trong các CCN của Mộ Đức. Trên cơ sở đó, việc đầu tư các nhà máy thu hút nhiều lao động như Nhà máy bao bì Intersack, Công ty TNHH cấu kiện bê tông và hạ tầng Kiến Trường sẽ góp phần khai thác vật liệu tại chỗ.

Xây dựng thương hiệu sản phẩm

Cùng với phát triển công nghiệp, trong thời gian tới, Mộ Đức sẽ tập trung phát triển tiểu thủ công nghiệp, như xây dựng lại thương hiệu nước mắm Đức Lợi. Đây là một trong những làng nghề truyền thống của huyện, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm hộ dân sống trên địa bàn xã Đức Lợi. Tuy nhiên, nhiều năm qua, người dân làng nghề rất chật vật trong việc tiếp cận thị trường và giữ được nghề truyền thống.

 

 Hạ tầng Cụm công nghiệp Quán Lát ngày càng được hoàn thiện.
Hạ tầng Cụm công nghiệp Quán Lát ngày càng được hoàn thiện.

Không chỉ nước mắm mà Mộ Đức hiện còn rất nhiều sản phẩm làng nghề khác như bánh tráng, mạch nha, đường phèn, đúc đồng... Song cùng với thời gian, những sản phẩm này cũng lu mờ dần. Vì vậy, để lấy lại thương hiệu cho sản phẩm làng nghề thì trước hết cần phải thiết kế lại mẫu mã cho phù hợp. Đồng thời, công tác quảng bá sản phẩm trên các kênh thông tin, thành lập trang web bán hàng... cũng đang là định hướng của Mộ Đức trong hành trình xây dựng thương hiệu cho sản phẩm làng nghề.

Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Trần Văn Mẫn cho rằng, một khi công nghiệp, thương mại phát triển sẽ kéo theo các dịch vụ gắn với du lịch cùng phát triển. Song song với đó, việc chỉnh trang lại đô thị sẽ tạo ra một diện mạo mới, thu hút nhiều nhà đầu tư ở tất cả các lĩnh vực.


Bài, ảnh: An Nhiên



 


.