Dòng vốn tín dụng vẫn ách tắc

06:09, 09/09/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Do vướng về thủ tục, nên hiện nay nhiều dòng vốn vẫn bị ách tắc, trong khi nhu cầu vốn cao. Ngay cả tín dụng dành cho nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), đang được đặc biệt ưu tiên, cũng khó giải ngân.

TIN LIÊN QUAN

Rào cản thủ tục

Từ đầu năm 2017, Chính phủ công bố gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng, nhằm giúp bà con nông dân đổi mới công nghệ sản xuất. Sau đó, Ngân hàng Nhà nước  cũng vào cuộc chỉ đạo nhiều ngân hàng thương mại đăng ký đưa dòng vốn vào chương trình này. Theo đó, từng khu vực, từng quy mô, từng vùng theo quy định sẽ được hưởng lãi suất chênh lệch với lãi suất cho vay thương mại bình thường trong nông nghiệp từ 0,5- 1,5%.

 

 Lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao đang rất cần vốn để đầu tư phát triển.
Lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao đang rất cần vốn để đầu tư phát triển.

Tuy nhiên, việc giải ngân gói 100 nghìn tỷ đồng này có một số vướng mắc. Điều kiện để ngân hàng giải ngân cho các dự án NNCNC cũng còn vướng một số thủ tục pháp lý. Theo đó, các chuyên gia, doanh nghiệp (DN) cho rằng, các tiêu chuẩn để tiếp cận gói tín dụng vẫn chưa rõ ràng về đối tượng, tiêu chí vay vốn, thế chấp tài sản ra sao, lãi suất, hạn mức vay...

Quảng Ngãi hiện có khoảng 5.400 DN sản xuất kinh doanh, nhưng chỉ có hơn 4.000 DN đang hoạt động. Trong đó, phần lớn là các DN nhỏ và siêu nhỏ. Dù chiếm đa số, nhưng DN nhỏ, siêu nhỏ lại chưa thực sự được nhiều ngân hàng chú ý. Những hứa hẹn, cam kết cho vay, nhưng khó khăn khi tiếp cận, khiến nhiều DN nhỏ thiếu tự tin khi gõ cửa ngân hàng vay vốn. Riêng đối với các DN khởi nghiệp, DN đầu tư vào lĩnh vực NNCNC, vấn đề vay vốn ngân hàng theo chính sách ưu đãi của Nhà nước lại càng trở nên khó khăn hơn.

Nhiều năm qua, Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Qnasafe đã mạnh dạn bỏ ra hàng tỷ đồng để thuê đất, đầu tư nhà kính và hệ thống nước tưới phục vụ sản xuất NNCNC. Dù số tiền đầu tư, giá trị tài sản lớn như vậy, nhưng DN này vẫn chưa vay được gói NNCNC. Thậm chí vay thế chấp thông thường cũng chỉ được chấp thuận khoảng vay vài trăm triệu đồng, vì hiện tại, nhà kính chưa được công nhận là tài sản gắn liền trên đất để thế chấp vay vốn ngân hàng.

Còn đối với Công ty TNHH MTV Hải đảo Lý Sơn, mới đây cũng đã đầu tư nhà tầng trị giá gần 5 tỷ đồng trên đảo Lý Sơn để đầu tư trồng tỏi theo NNCNC, nhưng khi đụng đến nguồn vốn dành cho lĩnh vực ưu tiên này vẫn là bài toán khó.

Giám đốc Công ty TNHH MTV Hải đảo Lý Sơn Nguyễn Văn Định, cho biết: “Tôi đã gõ cửa nhiều ngân hàng. Họ đòi đủ thứ thủ tục, nhưng rồi vẫn không vay được vốn theo chính sách của Nhà nước”.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, các ngân hàng thương mại trên địa bàn Quảng Ngãi cam kết cho vay đối với lĩnh vực NNCNC khoảng 100 tỷ đồng. Song đến nay, việc giải ngân đối với lĩnh vực này vẫn chưa có sự khởi sắc. Hiện mới chỉ có Agribank Quảng Ngãi giải ngân hơn 10 tỷ đồng cho một DN Quảng Ngãi đầu tư trồng nấm tại tỉnh Đắk Lắk.

Cần sớm tháo gỡ nút thắt

Tài sản thế chấp là một trong những khó khăn để tín dụng "chảy" vào NNCNC. Trong đó, việc các công trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như nhà kính, nhà lưới... chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất, gây khó khăn cho DN trong việc làm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm, thế chấp cho khoản vay tại ngân hàng.

Cùng với đó, hầu hết các sản phẩm đầu tư NNCNC, nông nghiệp sạch đang thiếu thị trường tiêu thụ ổn định và chưa có đủ công cụ cần thiết để phân biệt và bảo vệ sản phẩm trên thị trường, nên hiệu quả đầu tư còn hạn chế.

Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ TN&MT cần nhanh chóng sửa đổi quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất, tạo điều kiện thuận lợi cho DN thực hiện thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm vay vốn ngân hàng.

Bên cạnh đó, các bộ ngành liên quan cần tăng cường đưa ra các đánh giá, dự báo và cảnh báo về thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp. Về lâu dài, đầu ra cho nông sản được ổn định thì chương trình tín dụng dành cho lĩnh vực NNCNC mới đạt hiệu quả.

Tuy nhiên, để tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận vốn, trước hết các DN phải tự nâng cao năng lực, minh bạch báo cáo tài chính; xây dựng phương án kinh doanh phù hợp. Về phía ngân hàng, chính sách đã có, vấn đề là phải thực hiện cho vay sao hợp lý, tạo điều kiện cho các DN có vốn đầu tư, phát triển và mở rộng sản xuất kinh doanh.
 

Bài, ảnh: HỒNG HOA

 


.