Bàn giao lưới điện nông thôn: Xin nhận không giao, khi giao chậm nhận

09:09, 13/09/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- “Bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn” ở Quảng Ngãi, là câu chuyện dài nhiều năm nay vẫn chưa đi đến hồi kết. Người dùng điện nông thôn đang chịu cảnh chất lượng, an toàn điện không đảm bảo và giá bán điện chưa hợp lý. Xa hơn nữa, nhiều hệ lụy sẽ đến nếu việc bàn giao lưới điện nông thôn tiếp tục kéo dài.

TIN LIÊN QUAN


Trước 2015: Mong mỏi tiếp nhận

Ngành điện lực đã phối hợp với UBND tỉnh và chính quyền địa phương triển khai thực hiện Đề án tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn tỉnh Quảng Ngãi từ nhiều năm trước. UBND tỉnh đã chỉ đạo, làm việc với chính quyền địa phương yêu cầu bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn cho Công ty Điện lực Quảng Ngãi đầu tư nâng cấp, vận hành, bán điện đến hộ dân, nhưng sự việc không đạt kết quả như mong muốn. Sau 5 năm, từ 2008 đến 2015 khi đề án hết hiệu lực, toàn tỉnh chỉ có huyện Đức Phổ và một phần của xã Long Sơn, Thanh An (Minh Long) bàn giao.

Nâng cấp lưới điện hạ áp nông thôn Đức Phổ sau khi nhận bàn giao.
Nâng cấp lưới điện hạ áp nông thôn Đức Phổ sau khi nhận bàn giao.


Nguyên nhân chính là các công ty cổ phần điện trong tỉnh và các HTX dịch vụ điện không chịu bàn giao, do mất đi nguồn thu nhập. Hơn nữa, theo Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Ngãi Nguyễn Thanh, vướng mắc lớn nhất chính là bên giao yêu cầu bên nhận giải quyết việc làm cho hơn 300 lao động của 6 công ty cổ phần điện và 2 HTX dịch vụ mua bán điện. Trong khi chủ trương của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là mỗi xã chỉ giải quyết việc làm cho 1 lao động, tương đương khoảng 66 người.
 

Trong lần làm việc với Công ty Điện lực Quảng Ngãi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Văn Minh khẳng định: Việc bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn cho Điện lực Quảng Ngãi quản lý là cần thiết. Thứ nhất, đảm bảo lưới điện hạ áp nông thôn phát triển bền vững, vận hành an toàn, nâng cao chất lượng điện cung cấp cho các hộ dân nông thôn. Thứ hai, đảm bảo năng lực tài chính để đầu tư phát triển lưới điện, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng ngày càng cao trong thời gian đến. Thứ ba, việc thanh toán khoản nợ công 284 tỷ đồng vay WB đầu tư lưới điện REII được thực thi đúng cam kết. Tuy nhiên, đến nay việc bàn giao lưới điện này vẫn chưa đi đến hồi kết.

Sau 2017: Phải chờ quyết định của EVN

Việc bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn của Quảng Ngãi đáng lẽ đã chấm dứt từ năm 2015, khi đề án hết hiệu lực. Thế nhưng, sự việc đến nay mới tiếp tục được tỉnh và ngành chức năng đề cập đến, trong khi Công ty Điện lực Quảng Ngãi đã hết quyền quyết định nhận bàn giao. “Do đề án bàn giao lưới điện đã hết hiệu lực, vì thế việc Quảng Ngãi bàn giao lưới điện này thuộc thẩm quyền quyết định của EVN”, ông Nguyễn Thanh, cho biết.

Hiện lưới điện hạ áp nông thôn của Quảng Ngãi có hai hệ thống gồm lưới điện Dự án Năng lượng nông thôn II (REII) và lưới không thuộc REII. Trong đó, lưới REII đầu tư xây dựng và bàn giao cho 6 công ty cổ phần điện các huyện quản lý, vận hành, khai thác cách đây 5 năm.

Theo đánh giá của Sở Công thương, sau hơn 5 năm hoạt động, một số công ty cổ phần điện hoạt động có hiệu quả, hoàn trả nợ vay theo quy định. Tuy nhiên, một số công ty vẫn còn nhiều khó khăn, thu nhập dựa vào chênh lệch giữa giá bán buôn và bán lẻ điện; không có khả năng đầu tư phát triển lưới điện với quy mô lớn để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng. Do nội lực tài chính, nguồn nhân lực, thiết bị còn hạn chế, nên khi có sự cố bất khả kháng xảy ra như bão, lũ... các công ty cổ phần điện rất khó có khả năng phục hồi, tái tạo lưới điện kịp thời.

Giám đốc Sở Công thương Trần Phước Hiền, cho biết: “Việc bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn còn lại đã được UBND tỉnh chỉ đạo tiếp tục lập phương án giao nhận. Trong đó, Sơn Tịnh, Minh Long đã thống nhất bàn giao. Thế nhưng, tỉnh đã làm việc với EVN nhiều lần và nhiều lần tỉnh có văn bản đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo EVN tiếp nhận, nhưng chưa được phía EVN thống nhất. Lý do EVN đưa ra là kế hoạch tiếp nhận lưới điện của EVN đến hết năm 2015 là kết thúc, chưa có kế hoạch tiếp nhận mới”.


 Bài, ảnh: THANH NHỊ




 


.