Trồng sen trên đất sình lầy

08:08, 09/08/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, nông dân huyện Nghĩa Hành chủ động cải tạo hàng chục hecta đất sình lầy đưa vào trồng sen lấy hạt, góp phần cân bằng môi trường sinh thái và đem lại nguồn thu nhập cao cho nhiều gia đình.

Từ nhiều năm trước, ông Nguyễn Văn Mệnh, ở thôn Ba Bình, xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành), mạnh dạn đưa cây sen vào trồng trên vùng đất sình lầy ở xứ đầm La Băng. Từ năm bảy trăm mét vuông trồng thử, đến nay diện tích trồng sen của gia đình ông đã mở rộng lên  12.000m2, lợi nhuận thu được cũng tăng theo.

Ông Nguyễn Văn Mệnh, cho biết: "Trước kia đồng này bỏ hoang, cỏ rác nhiều, sau đó khai hoang vỡ hóa trồng lúa, nhưng không đạt. Sau này tôi mua sen về trồng được mười mấy năm nay, hiệu quả kinh tế thì  lúa theo không kịp, nếu sen nằm giá 40-45 ngàn đồng/kg, một mẫu thu được 50-60 triệu đồng".

Người dân xã Hành Thịnh thu hoạch sen.
Người dân xã Hành Thịnh thu hoạch sen.


 Với diện tích gần 30ha, chủ yếu là đất hoang hóa, sình lầy, đất trồng lúa một vụ kém hiệu quả, sau khi được cải tạo  để trồng sen lấy hạt, đầm La Băng, xã Hành Thịnh được xem là khu vực có diện tích trồng sen lớn nhất huyện Nghĩa Hành. Tại đây có hơn 20 hộ nông dân canh tác hằng năm. Hộ ít trồng vài ba sào, hộ nhiều trồng từ 20- 30 sào.

Là loại cây trồng ngắn ngày, dễ chăm sóc, chi phí đầu tư thấp, lợi nhuận thu được từ mỗi sào đất trồng sen thường cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Ông Nguyễn Mậu Biên, xã Hành Thịnh, tâm sự: "Cây sen thì dễ trồng, nhưng vào mùa đông sen chết, phải trồng lại, trời nắng nóng cây sen phát triển nhanh, chăm sóc không bao nhiêu, chỉ vãi ít phân (một sào khoảng 2kg), khoảng tuần lễ vãi lại, trồng một sào 2 chục dây, chi phí khoảng 400 ngàn đồng, nhưng hiệu quả thì đạt cao, so với cây lúa gấp năm bảy lần".

Phó Chủ tịch UBND xã Hành Thịnh Huỳnh Thanh Long, cho biết: "Đầm La Băng có diện tích khoảng 29ha, đã cấp cho dân làm ao nuôi cá 9,7ha, còn lại 19ha cấp cho người dân trồng sen. Qua kiểm tra, đánh giá cây sen có hiệu quả hơn hẳn so với cây lúa. Thời gian tới, địa phương định hướng cho bà con phát triển cây sen để cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phù hợp với chân đất, khuyến khích bà con chọn giống sen kháng bệnh cao để đem lại hiệu quả cao hơn".

Hiện trên địa bàn huyện Nghĩa Hành có hơn 30ha đất ở những vùng trũng thấp thường xuyên bị ngập nước, đất hoang hóa sình lầy được người dân đầu tư cải tạo để trồng sen lấy hạt. Cách lựa chọn loại cây trồng này đưa vào thâm canh, không chỉ giúp khai thác tối đa lợi thế quỹ đất, nâng cao nguồn thu nhập cho hộ gia đình, mà còn giúp cân bằng môi trường sinh thái vì một nền sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững.

Bài, ảnh: P.THÁI-N.DIỆU

 


.