Tiếp nối truyền thống đi biển

08:08, 28/08/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tuổi đời còn khá trẻ, nhưng nhiều ngư dân vẫn can trường bám biển. Với họ, đi biển không chỉ để mưu sinh mà còn nối tiếp truyền thống của cha ông trong việc góp sức khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

TIN LIÊN QUAN


Người dân thôn Thạnh Đức 2, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) thường gọi hai anh em Nguyễn Tấn Dũng (38 tuổi) và Nguyễn Tấn Hoàng (26 tuổi) là “cặp bài trùng”. Bởi, hai anh em này hiện sở hữu đội tàu lên đến 6 chiếc, với công suất từ 500CV trở lên. Không chỉ vậy, anh Hoàng còn là người đích thân “cầm trịch” những con tàu có công suất lớn trong những chuyến đánh bắt ở các ngư trường truyền thống. “Hồi mới vào nghề, anh em tôi đều đi bạn cho các chủ tàu khác, rồi sau đó nghĩ rằng nhà có đông anh em nên phải sắm ghe riêng. Từ chiếc ghe có công suất vài chục mã lực, giờ chúng tôi đã tự làm và sắm những chiếc lớn hơn, để vươn khơi đánh bắt xa bờ”, anh Dũng chia sẻ.

Hai anh em Nguyễn Tấn Dũng - Nguyễn Tấn Hoàng đang hoàn tất những công đoạn để chuẩn bị hạ thủy hai con tàu mới.
Hai anh em Nguyễn Tấn Dũng - Nguyễn Tấn Hoàng đang hoàn tất những công đoạn để chuẩn bị hạ thủy hai con tàu mới.


Ngày mới đi biển, anh Nguyễn Tấn Hoàng chỉ là một thuyền viên phụ trách việc “hậu cần” cho mọi người. Sau những chuyến biển xa bờ như thế, anh học hỏi được thêm nhiều kinh nghiệm và bây giờ, anh đã là thuyền trưởng của những con tàu công suất lớn, đánh bắt hàng trăm tấn cá. Với anh, được đi biển, được lái những con tàu lướt những ngọn sóng lớn luôn là niềm vui. Hiện nay, hai anh em Dũng và Hoàng đang hoàn thiện những công đoạn cuối cùng của hai con tàu công suất gần 700CV, để chờ ngày hạ thủy. Đó là những con tàu được tích góp từ mồ hôi, công sức bao nhiêu năm từ những chuyến biển thuận buồm, xuôi gió của hai anh em.

Về xóm Gành Cả, thôn Châu Thuận Biển, Bình Châu (Bình Sơn), chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Minh (hay gọi là Vinh) đang hối hả chuẩn bị những công đoạn cuối cùng để hạ thủy con tàu mới. Tuy chỉ mới 34 tuổi, nhưng anh Minh đã có hơn 13 năm đi biển. Bươn chải ở khắp các ngư trường, nên với anh biển cả bây giờ đã trở nên thân thuộc. “Có những chuyến đi gặp bão to, rồi bị tàu nước ngoài bắt giữ, thu cá, thu ngư lưới cụ mình đành phải về tay không. Thế nên, bây giờ đi biển gặp tàu lạ, mình cũng không tỏ ra sợ hãi, lo lắng nữa.

Hồi trước cha ông mình đi biển còn cam go hơn, nhưng họ vẫn có ý chí, bây giờ mình cũng vậy thôi. Chủ quyền của đất nước mình, mình cứ yên tâm đánh bắt”, anh Minh cho biết. Chính vì ý chí can trường, nên sau một thời gian đi bạn, anh Minh quyết định đầu tư hơn 4 tỷ đồng, để đóng tàu mới có công suất 800CV và đích thân làm thuyền trưởng.

Giống với anh Minh, chàng thanh niên 24 tuổi Phạm Thế Nam (cùng ở xóm Gành Cả) cũng đã có kinh nghiệm đi biển được gần 7 năm. Được tôi luyện nghề biển từ lúc chỉ mười tám tuổi, đến nay những chuyến biển với Nam đều là những kỷ niệm đáng nhớ. Đặc biệt là chuyến biển vừa mới kết thúc, khi đang đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa thì tàu của Nam bị tàu nước ngoài tấn công, nên phải vào bờ sớm. "Tất cả ngư cụ, cá tôm đều bị lấy hết, nên anh em đều trắng tay. Nhưng tôi quyết không bỏ nghề, nếu không có ý chí quyết tâm thì tôi đã không bám biển đến ngày hôm nay”, Nam tâm sự.

Bài, ảnh: ĐÌNH DIỆU
 


.