Phát triển kinh tế từ nghề may gia công

09:08, 03/08/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Từ nghề may gia công, nhiều hội viên phụ nữ ở huyện Bình Sơn đã phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.
 
Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Thạnh (Bình Sơn) Lương Thị Bé cho biết, năm 2013, Trung tâm Dạy nghề phụ nữ tỉnh đã về địa phương đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Toàn xã có 51 chị tham gia lớp học nghề may gia công. Sau khi hoàn thành khóa học, nhiều chị đi may tại một số cơ sở, người có điều kiện thì mở xưởng may tại nhà và thuê người làm. Nghề may gia công đã mang lại nguồn thu nhập ổn định, giúp nhiều phụ nữ ở địa phương phát triển kinh tế gia đình, từ đó ngày càng có nhiều phụ nữ học nghề may.  

Hội viên phụ nữ thôn Mỹ Tân (Bình Chánh) phát triển kinh tế gia đình từ nghề may gia công.
Hội viên phụ nữ thôn Mỹ Tân (Bình Chánh) phát triển kinh tế gia đình từ nghề may gia công.


Chị Huỳnh Thị Nhựt (36 tuổi), cho biết: "Khi thấy được hiệu quả kinh tế do nghề may mang lại, tôi tranh thủ buổi tối theo học những chị đã lành nghề. Sau khi lành nghề, tôi lại chỉ cho những chị em khác".  Lúc đầu, toàn xã Bình Thạnh chỉ có 1 chi hội phụ nữ mở xưởng may gia công tại nhà. Đến nay, đã có 4 chi hội mở xưởng may, tạo việc làm thường xuyên cho 100-200 lao động.
 

Hằng năm, Trung tâm Dạy nghề phụ nữ tỉnh tổ chức từ 1-6 lớp dạy nghề may gia công cho hội viên, phụ nữ trên địa bàn tỉnh. Sau khi hoàn thành khóa học, phần lớn các chị đi may ở các cơ sở may gia công. Đến khi quen tay nghề, nhiều chị đầu tư từ 1-2 máy và nhận quần, áo về nhà để may. Nhiều chị mở xưởng may tại nhà, tạo thu nhập ổn định cho gia đình, giúp đỡ được nhiều phụ nữ ở địa phương có việc làm và thu nhập cải thiện cuộc sống.

Từ nghề may thủ công đã giúp nhiều chị em vươn lên làm giàu. Điển hình như chị Nguyễn Thị Tiến (31 tuổi), hội viên phụ nữ thôn Trung An (Bình Thạnh). Chị Tiến làm nghề may gia công từ năm 2013. Ban đầu chỉ có 2 máy may công nghiệp, đến nay chị Tiến đã phát triển lên gần 10 máy. Bình quân mỗi tháng cơ sở của chị may được trên 6.000 sản phẩm quần, áo các loại.

Chị Tiến cho biết, nguồn hàng  được lấy từ các công ty ở TP.Hồ Chí Minh, sau khi may xong thành phẩm lại gửi vào trong đó để tiêu thụ. Từ nghề may gia công, chị Tiến đã có cuộc sống ổn định, kinh tế gia đình ngày một khấm khá, thu nhập hơn 120 triệu đồng/năm.

Ở thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh (Bình Sơn), vài năm trở lại đây, chị em phụ nữ cũng tự truyền cho nhau nghề may để giải quyết việc làm. Sau một thời gian làm việc cho các cơ sở may gia công, nhiều chị đầu tư 1-2 máy và nhận hàng về nhà làm. Chị Võ Thị Ánh Ly (22 tuổi) cho biết, trước đây chị làm công nhân may cho một công ty ở TP.Hồ Chí Minh, thu nhập chỉ đủ chi tiêu hằng ngày.  Từ ngày về quê, may gia công tại nhà, mặc dù nguồn thu nhập không cao, nhưng giảm được chi phí thuê nhà trọ... nên cũng tiết kiệm được một khoản tiền để lo cho gia đình.  

Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm Mỹ An, thôn Mỹ Tân (xã Bình Chánh) Phạm Thị Văn phấn khởi nói, vài năm trở lại đây, mô hình xưởng may gia đình đã giúp chị em phụ nữ có nguồn kinh tế ổn định, có điều kiện chăm lo cho gia đình và việc học hành của con cái. Qua đó cũng giúp chị em gần gũi và hỗ trợ lẫn nhau, tạo mối đoàn kết trong khu dân cư.

Tuy nhiên, theo chị em phụ nữ làm nghề may gia công ở huyện Bình Sơn, mặc dù nghề may gia công ngày càng phát triển, nhưng vẫn gặp khó khăn vì các chị hoạt động còn rời rạc, chưa có sự liên kết, dẫn đến tình trạng hoạt động không liên tục.  Vì vậy, việc thành lập các tổ liên kết nhằm tạo sự bền vững, để các chị yên tâm làm việc, ổn định kinh tế là việc làm cần thiết hiện nay.


Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG

 


.