"Ngư trường"... trên non

05:08, 30/08/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Từ khi lòng hồ thủy điện Đakrinh (Sơn Tây) và hồ chứa nước Nước Trong (Sơn Hà, Tây Trà) tích nước, tạo môi trường cho nhiều loài cá sinh trưởng và phát triển thì cũng là lúc người dân sống gần khu vực lòng hồ có thêm nghề sinh nhai mới- nghề đánh bắt cá và nuôi cá lồng. Cái nghề tưởng chừng như chỉ có ở những vùng sông nước đã giúp cho nhiều hộ dân ở vùng cao có thêm nguồn thu nhập, cuộc sống ấm no hơn.

TIN LIÊN QUAN

Công trình Hồ chứa nước Nước Trong từ khi tích nước đưa hoạt động đã tạo ra vùng lòng hồ rộng lớn trải dài trên địa bàn 2 huyện Sơn Hà và Tây Trà. Những diện tích nương rẫy “nhượng” cho thủy điện giờ trở nên mênh mông nước, tạo môi trường sinh thái cho nhiều loài cá sinh sống.
 
Người dân sông quanh vùng lòng hồ trước đây chủ yếu làm nương rẫy, trồng lúa nước... giờ không ít người đã dần dần chuyển đổi sang  nghề “tay trái”- nghề đánh bắt cá  và có thêm nguồn thu nhập từ nghề này. Từ những người chỉ biết gắn bó với nương rẫy, giờ họ đã trở thành những ngư phủ thực thụ. “Cá vùng lòng hồ nhiều lắm, với đủ các loại cá như cá trắm cỏ, cá mè, cá chép, cá lóc, cá rô phi... trong đó nhiều có con trọng lượng lên đến 7-8kg”- ông Đinh Văn Trên ở xã  Trà Xinh (Tây Trà) hồ hởi nói với chúng tôi. 
 
Với nguồn lợi thủy sản phong phú nên trong những năm trở lại đây, nhiều gia đình đồng bào dân tộc Cor, Hrê sống dọc vùng lòng hồ sắm ngư lưới cụ để đánh bắt cá. Người không có điều kiện thì sắm vài tấm lưới để đánh cá cải thiện bữa ăn gia đình. Người có điều kiện thì mua ghe lớn và sắm hàng chục tấm lưới loại lớn, đánh bắt quanh năm để kiếm kế mưu sinh.
 
Thông thường, công việc thả lưới thường được bắt đầu vào buổi chiều, sau khi họ đi làm rẫy về.  “Cứ chiều chiều đi làm về, mình lại chèo ghe ra giữa hồ thả lưới, đến 5-6 giờ sáng hôm sau thì mình đi kéo lưới về, hôm ít cũng đủ cho cả nhà ăn trong ngày, hôm nào trúng được nhiều cá hoặc cá to mình bán cho thương lái dưới xuôi lên kiếm thêm được đồng ra đồng vào để mua mắm muối và các loại thức ăn khác.” – ông Hồ Văn Tính xã Trà Xinh (Tây Trà) cho biết. 
 
Nghề đánh bắt cá không chỉ giúp người dân vùng cao cải thiện bữa ăn gia đình mà còn giúp họ có nguồn thu nhập hằng ngày
Nghề đánh bắt cá không chỉ giúp người dân vùng cao cải thiện bữa ăn gia đình mà còn giúp họ có nguồn thu nhập hằng ngày
 
Cùng với những ngư phủ “nghiệp dư” thì có không ít các ngư phủ “chuyên nghiệp” gắn bó với lòng hồ hằng ngày để mưu sinh. Họ đánh bắt theo nhóm, mỗi nhóm thường có 2 người. Mỗi nhóm có một ghe máy và chừng 20-30 tay lưới. Một chuyến “ra khơi” bắt đầu từ xế chiều ngày hôm trước và trở về vào sáng sớm hôm sau. Lượng cá thu về được sẽ bán cho thương lái từ dưới xuôi lên thu mua, hoặc chở ra trung tâm huyện để bán. 
 
Đang tranh thủ sắm xếp lại mấy tấm lưới trước sân nhà sau một đêm mưu sinh trên lòng lồ, ông Đinh Văn Lít ở xã Sơn Dung (Sơn Tây) nói về đời ngư phủ của mình với chúng tôi. “Từ xưa đến giờ, mấy thế hệ cha ông mình chỉ có biết gắn bó với cái nương, cái rẫy, thu nhập theo mùa, nhưng cũng bấp bênh. Khi lòng hồ thủy điện Đăk Đrinh dâng nước lên, mình chuyển sang làm nghề đánh cá. Làm rẫy mình còn phải đi xa, chứ đánh cá thì khỏe hơn vì lòng hồ chỉ ở sau lưng nhà, trong khi đó lại có thu nhập hằng ngày ổn định hơn khi làm rẫy”- ông Lít cho hay. 
 
Gắn bó với "ngư trường” hồ thủy điện Đăk Đrinh hơn 3 năm nay, ông Lít cho biết, bình quân mỗi ngày ghe của ông cũng kiếm được bình quân từ kiếm được 10- 15kg cá các loại, có hôm may mắn được tới hơn 20kg, với mức giá bán từ 40.000 – 60.000 đồng/kg (tuỳ loại) đã giúp gia đình ông có thêm nguồn thu tương đối ổn định.
 
 
Với diện tích lòng hồ rộng lớn, mô hình nuôi cá lồng mở ra triển vọng phát triễn kinh tế cho ngườ dân vùng cao
Với diện tích lòng hồ rộng lớn, mô hình nuôi cá lồng mở ra triển vọng phát triễn kinh tế cho người dân vùng cao.
 
Trong những năm trở lại đây, nhận thấy diện tích mặt nước ở hồ Nước Trong rất lớn, thuận lợi trong việc nuôi trồng thủy sản, huyện Tây Trà đã mạnh dạn hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật, con giống… cho các hộ dân ở xã Trà Xinh tiến hành nuôi thí điểm mô hình nuôi cá diêu hồng trên khu vực lòng hồ. Mô hình được bắt đầu triển khai từ tháng 10.2014,
 
“Sau một thời gian nuôi, mình thấy cá nuôi trong lòng hồ lớn nhanh, phát triển tốt, chất lượng thịt thơm ngon, dễ chăm sóc, thu hoạch và cho hiệu quả kinh tế cao”- ông Hồ Văn Sáu- một hộ nuôi cá lồng ở Trà Xinh cho biết. 
 
Hiện tại, từ một vài hộ nuôi ban đầu, đến nay, xã Trà Xinh đã có gần 20 hộ tham gia với 11 lồng nuôi cá, huyện Tây Trà cũng trích kinh phí hàng trăm triệu đồng để hỗ trợ phát triển mô hình. 
 
Với hiệu quả bước đầu mang lại, huyện Tây Trà kỳ vọng, mô hình nuôi cá trên hồ chứa nước Nước Trong ở xã Trà Xinh sẽ mở ra một hướng phát triển kinh tế mới, góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào vùng cao. Tuy nhiên, để mô hình phát triển bền vững, chính quyền địa phương cũng cần tính toán đến vấn đề nguồn con giống và đầu ra. Bởi hiện tại, người con giống phải mua tận huyện Đức Phổ, việc vận chuyển gặp rất nhiều bất lợi và đầu ra tiêu thụ cũng chỉ mới trên địa bàn huyện và các vùng lân cận.
 
“Đối với mô hình nuôi cá lồng tại khu vực lòng Hồ chứa nước Nước Trong, huyện Tây Trà phải nghiên cứu giá trị đầu tư, đánh giá hiệu quả kinh tế trước khi nhân rộng. Với điều kiện mặt nước hồ Nước Trong rộng trên 10km2 sẽ là tiềm năng rất lớn cho phát triển nuôi trồng thủy sản trong lòng hồ. Do đó, huyện cần xây dựng các mô hình tổ hợp tác, HTX, đầu từ ngân sách từ khuyến nông để hỗ trợ xây dựng lồng bè, tạo điều kiện cho người dân đầu tư phát triển mô hình nuôi cá lồng, đồng thời định hướng đầu ra cho sản phẩm”- Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng chỉ đạo tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện Tây Trà. 
 
Bảo Ngọc

.