Khu Bảo tồn biển Lý Sơn: Thiết bị thiếu, nguồn lực yếu

01:08, 02/08/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Lý Sơn là một trong 16 khu bảo tồn biển Việt Nam, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch đến năm 2020. Tuy nhiên, vì chưa được đầu tư tương xứng, nên công tác này gặp rất nhiều khó khăn.

TIN LIÊN QUAN


Mặc dù đã được thành lập, nhưng hiện nay Ban Quản lý (BQL) Khu bảo tồn biển Lý Sơn hiện vừa thiếu nhân lực lẫn trang thiết bị, để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Giám sát... từ xa

“Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn có 5 người, nhưng không có bất kỳ máy móc, trang thiết bị chuyên dụng nào để phục vụ công tác tuần tra, giám sát trong khu vực bảo tồn”, Giám đốc BQL Khu bảo tồn biển Lý Sơn Phùng Đình Toàn cho biết.

Vì không có phương tiện, thiết bị, nên việc tuần tra, giám sát của Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn đối với hoạt động khai thác hải sản trong khu vực bảo tồn gặp nhiều khó khăn.                                                                                                                                                           Ảnh: Thanh Như
Vì không có phương tiện, thiết bị, nên việc tuần tra, giám sát của Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn đối với hoạt động khai thác hải sản trong khu vực bảo tồn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Thanh Như

Theo ông Toàn, để theo dõi và kịp thời phát hiện, xử lý những vấn đề xảy ra trong khu vực bảo tồn, thiết bị tối thiểu phải có là ca nô, thiết bị lặn, camera dưới nước, máy định vị cầm tay... Nhưng vì các thiết bị này không có, nên đến thời điểm này công tác bảo tồn cũng chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền; còn các hoạt động nghiên cứu, tuần tra và giám sát thì thực hiện... từ xa!

Khu bảo tồn biển Lý Sơn có diện tích 7.925ha, trong đó diện tích mặt nước biển là 7.113ha. Khu bảo tồn chia thành 3 vùng chức năng gồm: Vùng bảo vệ nghiêm ngặt, bảo vệ hệ sinh thái vùng triều và rạn san hô có độ sâu từ 3-20m; vùng phục hồi sinh thái thuộc khu vực đảo Lớn và đảo Bé có diện tích gần 2.000ha; vùng phát triển có diện tích 4.500ha. Vành đai bảo vệ khu bảo tồn được xác lập trên 2.500ha xung quanh, để đảm bảo an toàn trong quá trình bảo tồn biển.

Đơn cử như việc ngư dân thường xuyên sử dụng thuốc nổ, súng điện để khai thác hải sản trong khu vực bảo tồn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái trong Khu bảo tồn biển Lý Sơn, nhưng không thể xử lý vì không có phương tiện, thiết bị theo dõi, bắt quả tang.

Không chỉ không có thiết bị để quản lý khu vực có diện tích hơn 7.000ha, vai trò của BQL Khu bảo tồn biển Lý Sơn cũng bị “xem nhẹ”, dù đã được UBND tỉnh quy định nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn cụ thể. Như mới đây, khi phát hiện xà lan của doanh nghiệp tự ý đổ thải ra khu vực phía bắc đảo lớn, thuộc phạm vi khu bảo tồn, BQL đã đề nghị tạm dừng, nhưng đơn vị này vẫn phớt lờ. “Chúng tôi phải báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo, các ngành chức năng can thiệp thì doanh nghiệp mới chịu dừng việc đổ thải. Dù vậy, việc dọn dẹp bãi thải đến giờ vẫn chưa được xử lý”, ông Phùng Đình Toàn cho biết.        
       
 Cần đầu tư đa dạng hóa nguồn lợi

Theo kế hoạch vốn trung hạn của tỉnh, giai đoạn 2018-2020, BQL Khu bảo tồn biển Lý Sơn được phân bổ 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, chủ đầu tư là BQL Dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi lại lập dự toán xây dựng trụ sở làm việc và nhà trưng bày Khu bảo tồn biển Lý Sơn. “Cái chúng tôi cần là máy móc, trang thiết bị chuyên dụng để phục vụ công tác nghiên cứu và bảo tồn. Còn trụ sở, nhà trưng bày thì chưa thật sự cần thiết. Vì nếu công tác nghiên cứu, bảo vệ, phục hồi và phát triển nguồn lợi hải sản không đảm bảo thì lấy gì để trưng bày”, ông Toàn đặt vấn đề.

Hệ sinh thái vùng triều và rạn san hô Khu vực bảo tồn biển Lý Sơn cần được bảo vệ nghiêm ngặt.
Hệ sinh thái vùng triều và rạn san hô Khu vực bảo tồn biển Lý Sơn cần được bảo vệ nghiêm ngặt.


Chính vì thế, BQL Khu bảo tồn biển Lý Sơn đã đề nghị chủ đầu tư nghiên cứu bố trí 3-3,5 tỷ đồng để mua sắm các loại máy móc, thiết bị chuyên dụng cũng như thả phao phân vùng, để ngư dân nhận biết được những khu vực thuộc khu bảo tồn. Một nhiệm vụ quan trọng nữa là công tác chuyển vị, phục hồi một số loại hải sản đặc trưng của vùng biển Lý Sơn.


Theo đánh giá, hệ sinh thái thủy sinh phân bố ở huyện đảo Lý Sơn phong phú, đa dạng nhất cả nước. Đặc biệt là các hệ sinh thái san hô, hệ sinh thái rong biển và nhiều loài rong mơ, rong câu chân vịt, rong lục... có sản lượng rất lớn. Tuy nhiên, vì khai thác không gắn với bảo vệ, phục hồi, nên các hệ sinh thái suy kiệt; những loại sinh vật đặc trưng như hải sâm, trai tai tượng... cũng dần dần biến mất.

Vì vậy, hiện nay BQL Khu bảo tồn biển Lý Sơn đang liên hệ với các đơn vị nghiên cứu, bảo tồn trong và ngoài nước để chuyển vị một số loài sinh vật về Khu vực bảo tồn biển Lý Sơn, nhằm phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản; vừa tạo điểm nhấn trong thu hút du lịch. “Nhưng vấn đề là phải có nguồn kinh phí để phục vụ công tác vận chuyển, hỗ trợ kỹ thuật trong thời gian đầu phục hồi. Vì vậy, chúng tôi rất mong tỉnh quan tâm nghiên cứu, xem xét bố trí nguồn vốn kịp thời", Giám đốc BQL Khu bảo tồn biển Lý Sơn Phùng Đình Toàn mong mỏi.    
 

Bài, ảnh: MỸ HOA



 


.