Tăng cường dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp

02:07, 03/07/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Để tạo điều kiện cho nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN) trong quá trình đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, tỉnh Quảng Ngãi đã tăng cường dịch vụ hỗ trợ DN thông qua các hình thức như: Đối thoại DN, tổ chức chương trình Cà phê doanh nhân, công bố số điện thoại đường dây nóng... để tiếp nhận và giải quyết kịp thời các kiến nghị, phản ánh của DN.

TIN LIÊN QUAN

Nỗ lực nhiều, nhưng... chưa đủ

Với chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, năm 2016, Sở Công thương đã nỗ lực thực hiện một số dịch vụ hỗ trợ DN như: Tổ chức 1 hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây Nguyên, với hơn 400 gian hàng và sự tham gia của 25 đơn vị trực thuộc 22 Sở Công thương các tỉnh, thành phố, 226 DN trong nước, trong đó Quảng Ngãi có 32 DN tham gia. Tổ chức 4 phiên chợ hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo với hơn 30 DN tham gia mỗi phiên chợ. Tạo điều kiện cho DN tham gia quảng bá thương hiệu, hình ảnh, sản phẩm... trên sàn thương mại điện tử của tỉnh...

Sau khi tiếp nhận phản ánh của DN, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng đã đi thị sát thực tế giải quyết khó khăn, vướng mắc trong đền bù, GPMB dự án Khu Đô thị - Công nghiệp Dung Quất.
Sau khi tiếp nhận phản ánh của DN, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng đã đi thị sát thực tế giải quyết khó khăn, vướng mắc trong đền bù, GPMB dự án Khu Đô thị - Công nghiệp Dung Quất.


Đối với phát triển cụm công nghiệp (CCN), năm 2016 Quảng Ngãi đã thành lập mới và đi vào hoạt động 2 CCN với diện tích 45ha, gồm CCN Tịnh Bắc (Sơn Tịnh) và CCN Hành Đức (Nghĩa Hành). Qua đó nâng tổng số CCN được thành lập trên địa bàn tỉnh lên 22 CCN, với tổng diện tích 249ha. Lũy kế đến cuối năm 2016 đã thu hút được 114 dự án vào đầu tư tại các CCN, với tổng vốn gần 2.000 tỷ đồng; trong đó có 78 DN hoạt động, giải quyết việc làm cho 3.290 lao động. Riêng đối với hoạt động khuyến công, đã xây dựng, triển khai 3 mô hình trình diễn kỹ thuật, áp dụng công nghệ máy móc thiết bị mới vào sản xuất bao bì PP, tinh dầu quế và gạch không nung cho DN, nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh doanh.

Mặc dù ngành công thương Quảng Ngãi đã có những nỗ lực nhất định, song kết quả chỉ số dịch vụ hỗ trợ DN năm 2016 của Quảng Ngãi vẫn đạt thấp. Theo Giám đốc Sở Công thương Trần Phước Hiền: “Nguyên nhân chủ yếu là các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển dịch vụ hỗ trợ DN, nhất là các dịch vụ về thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, khoa học công nghệ, tư vấn pháp lý chưa đầy đủ và thật sự hấp dẫn. Hệ thống hạ tầng KCN, CCN chưa được đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh. Việc triển khai thực hiện các dịch vụ hỗ trợ DN của các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh chưa tập trung, thiếu thống nhất, thiếu sự hợp tác và hiệu quả chưa cao...”.

Cải thiện dịch vụ hỗ trợ DN bằng cách nào?

Theo Giám đốc Sở Công thương Trần Phước Hiền, để nâng cao chỉ số dịch vụ hỗ trợ DN năm 2017, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, vấn đề đặt ra hiện nay là cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại; kết nối cung cầu, hỗ trợ DN tìm kiếm đối tác kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, thúc đẩy phát triển hệ thống hạ tầng KCN, CCN, tạo điều kiện cho đầu tư phát triển sản xuất trên địa bàn tỉnh.

Trong đó phải xây dựng chính sách hỗ trợ DN trong CCN đổi mới công nghệ, thiết bị để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Đồng thời, đổi mới hoạt động khuyến công, hướng các hoạt động này thiết thực cho kêu gọi đầu tư, duy trì và phát triển sản xuất, nhất là các ngành nghề mới, tiểu thủ công nghiệp có tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Ngoài ra, tiếp tục thực hiện tiết giảm thời gian tiếp cận điện cho DN, phấn đấu còn 21 ngày, giảm 4 ngày so với quy định tại Thông tư 24 của Bộ Công thương.

“Để đảm bảo nâng cao chỉ số dịch vụ hỗ trợ DN mang tính ổn định và bền vững, cùng với nỗ lực của ngành công thương, các Sở: Tư pháp, KH&CN, KH&ĐT cần tổ chức thực hiện hiệu quả các dịch vụ về hỗ trợ DN như: Cung cấp thông tin tư vấn pháp luật, các dịch vụ công nghệ, dịch vụ đào tạo bồi dưỡng về quản trị kinh doanh. Qua đó giúp DN nắm bắt pháp luật, giảm thiểu các rủi ro pháp lý, nhất là trong quan hệ với đối tác nước ngoài; nâng cao năng lực điều hành kinh doanh, ứng dụng tiến bộ KHCN để nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, hàng hóa và năng lực cạnh tranh”, ông Hiền cho biết.

Bài, ảnh: PHẠM DANH

 


.