Nhiều dự án không sử dụng hết vốn

08:07, 13/07/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hàng loạt dự án đầu tư xây dựng cơ bản được bố trí vốn để thực hiện trong giai đoạn 2013-2016, với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư “tiêu không hết tiền” buộc tỉnh phải ra quyết định thu hồi.


Trong khi đó, nhiều dự án (DA) đang “khát” vốn đầu tư, hoặc bố trí vốn "nhỏ giọt" phải thi công cầm chừng...

Hàng loạt dự án không giải ngân hết vốn

Trong tổng số hàng trăm DA được triển khai sử dụng ngân sách trong giai đoạn 2013-2016, có đến 118 DA buộc phải thu hồi hơn 42,6 tỷ đồng, do không giải ngân hết vốn. Trong đó, nguồn vốn được bố trí từ năm 2016 trở về trước chưa sử dụng hết là 22,4 tỷ đồng và nguồn vốn từ năm 2014 chưa phân bổ từ nguồn vượt thu dự toán HĐND tỉnh năm 2013 là hơn 20,2 tỷ đồng.

 Đầu tư - Công trình cầu Nước Kỉa và đường dẫn hai bên đầu cầu thuộc dự án đường Sơn Tinh - Sơn Thượng bị thu hồi hơn 182 triệu đồng do không giải ngân hết kế hoạch vốn.
Đầu tư - Công trình cầu Nước Kỉa và đường dẫn hai bên đầu cầu thuộc dự án đường Sơn Tinh - Sơn Thượng bị thu hồi hơn 182 triệu đồng do không giải ngân hết kế hoạch vốn.


Trong số các DA không giải ngân hết bị thu hồi lại vốn phải kể đến như: DA Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tỉnh Quảng Ngãi thu hồi hơn 100 triệu đồng; DA xây dựng điểm định canh, định cư Nước Ruộng (xã Sơn Kỳ) thu hồi 173 triệu đồng; DA đường nội bộ trung tâm thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng) có tổng vốn đầu tư 432 triệu đồng, nhưng không giải ngân hết, nên phải thu hồi hơn 200 triệu đồng; công trình khắc phục sạt lở đê chắn cát, ngăn lũ tại cảng neo đậu tàu thuyền Mỹ Á (Đức Phổ) phải thu hồi gần 300 triệu đồng.

Không chỉ những DA có vốn đầu tư nhỏ, mà nhiều DA có vốn đầu tư hàng tỷ đồng và có tính cấp bách, nhưng vẫn không tiêu hết tiền. Như DA kênh mương dẫn nước từ hồ Hố Cả phục vụ tưới cho xã Hành Thiện phải thu hồi gần 1,9 tỷ đồng, dù tổng vốn đầu tư của DA chỉ 7 tỷ đồng. Cá biệt, DA đường nối KKT Dung Quất 1 và Dung Quất 2 có tổng vốn đầu tư hơn 6,1 tỷ đồng, thực hiện giải ngân quá chậm, nên tỉnh buộc phải ra quyết định thu hồi hơn 5 tỷ đồng.

Nghịch lý

Trong khi nhiều công trình, DA đang thiếu vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, thì nhiều DA được bố trí vốn lại không triển khai thực hiện và giải ngân là điều bất hợp lý. Các chủ đầu tư luôn tìm mọi cách để thuyết phục tỉnh bố trí vốn đầu tư các công trình, DA. Tuy nhiên, quá trình thực hiện lại rề rà, dẫn đến tiến độ DA chậm, không thể giải ngân hết vốn.

Để giảm thiểu nguy cơ chủ đầu tư không giải ngân hết vốn và công tác quản lý đầu tư công đi vào nền nếp, năm 2016 UBND tỉnh đã tiến hành phân bổ và quản lý vốn theo Luật Đầu tư công. Các DA không giải ngân hết vốn kế hoạch được giao sẽ bị điều chuyển, hoặc rút vốn và chủ đầu tư sẽ phải chịu trách nhiệm. Thậm chí, nếu không thanh toán khối lượng để giải ngân sẽ bị tính lãi. Mục đích nhằm cải thiện việc nợ đọng kéo dài và thúc đẩy tiến độ giải ngân. Tuy nhiên, biện pháp này dường như vẫn "chưa đủ liều", để khắc phục tình trạng xin vốn rồi... để "ngâm" đó.


Bài, ảnh: LÊ ĐỨC

 


.