Hướng đến xây dựng sản phẩm đặc trưng

08:07, 31/07/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Để đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, nhiều địa phương hướng đến xây dựng sản phẩm đặc trưng cho từng xã, vùng. Tuy nhiên, cần tính đến phương án liên kết cho đầu ra về mặt pháp lý giữa Nhà nước và doanh nghiệp, tránh xảy ra trường hợp có sản phẩm rồi, nhưng không thu mua.

TIN LIÊN QUAN

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trong xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp do Bộ NN&PTNT triển khai có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Bởi, thông qua chương trình này sẽ góp phần cơ cấu lại kinh tế nông thôn, nâng cao giá trị gia tăng và hướng đến xây dựng nông thôn mới bền vững.

Khai thác tiềm năng, lợi thế

Thực hiện chủ trương của Bộ NN&PTNT, huyện Sơn Tịnh chỉ đạo các địa phương lựa chọn mô hình tùy theo đặc điểm của từng vùng và huyện sẽ đầu tư hỗ trợ cho các mô hình khi từng xã đã có kế hoạch cụ thể. Theo đó, Sơn Tịnh định hướng phát triển "mỗi xã một sản phẩm", như Tịnh Thọ trồng khoai lang Nhật Bản, Tịnh Hiệp trồng đậu phụng, Tịnh Đông trồng cây gỗ lớn, Tịnh Hà trồng chuối lùn và mía...

 Mô hình trồng dưa lưới Tú Thanh tại xã Bình Tân (Bình Sơn).
Mô hình trồng dưa lưới Tú Thanh tại xã Bình Tân (Bình Sơn).


Với thế mạnh về nông nghiệp, huyện Mộ Đức tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng xây dựng các vùng kinh tế trọng điểm, cũng như xây dựng các sản phẩm đặc trưng cho từng vùng, xã. Trong đó, dựa vào ưu thế của mỗi vùng, Mộ Đức sẽ thu hút đầu tư vào từng đối tượng cây trồng cụ thể, từng nhóm ngành nghề để tạo ra những sản phẩm hàng hóa an toàn, cho hiệu quả kinh tế cao.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Vũ Nhân, cho biết: “Huyện đang kêu gọi đầu tư vào các vùng kinh tế với từng thế mạnh khác nhau. Đối với vùng kinh tế trọng điểm phía tây, có nhiều thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Sau một thời gian khảo sát, nhà đầu tư nhận thấy với ưu điểm về đất đai, nơi đây có thể phát triển mô hình trồng khoai lang Nhật Bản xuất khẩu, nên đã trồng thử nghiệm”.

Còn đối với vùng kinh tế phía đông Mộ Đức, gồm các xã dọc theo ven biển sẽ xây dựng vùng chuyên canh các loại rau, củ, quả. Theo đó, Mộ Đức đã thu hút và ưu tiên cho dự án trồng hành, tỏi ven biển. Đây là một dự án, mở ra nhiều cơ hội về giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; đồng thời khai thác lợi thế tạo ra hướng đi bền vững trong sản xuất nông nghiệp ở vùng đất cát ven biển...

Tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm

Việc xây dựng sản phẩm đặc trưng không chỉ tạo ra sự đa dạng mà còn tránh được sự trùng lắp, giúp các địa phương khai thác thế mạnh, giảm áp lực về đầu ra. Do đó, Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” đáp ứng yêu cầu tiêu dùng; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo hướng gia tăng lợi ích cho cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế nông thôn.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hiện nay là, đầu ra bền vững cho sản phẩm. Bởi thời gian qua, có quá nhiều cuộc “giải cứu” nông sản. Trong đó, Quảng Ngãi cũng đã có nhiều bài học trong việc liên kết trồng một số loại cây trồng mới giữa doanh nghiệp với nông dân, hợp tác xã, nhưng cuối cùng đầu ra của sản phẩm vẫn “bí”. Đơn cử như các mô hình trồng dưa lưới Tú Thanh ở xã Bình Tân, bí đỏ Nhật Bản ở xã Bình Mỹ (Bình Sơn), mô hình trồng cây cà gai leo tại xã Tịnh Trà (Sơn Tịnh)... đã là bài học kinh nghiệm trong việc liên kết với các doanh nghiệp ngoài tỉnh.

Để "bảo hộ" các sản phẩm làm ra thì, sự liên kết phải đảm bảo về mặt pháp lý giữa doanh nghiệp, Nhà nước và nông dân. Tránh trường hợp doanh nghiệp bán giống lấy tiền rồi bỏ rơi nông dân. Song về phía nông dân, doanh nghiệp cũng cần phải nâng cao nhận thức, ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất, từ đó có điều kiện nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Bài, ảnh: A.NHIÊN
 


.