Hàng nghìn tỷ đồng đầu tư giảm nghèo về đâu (kỳ 1)

04:07, 12/07/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chính sách hỗ trợ trực tiếp từ các chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững mà Trung ương đưa ra để giúp các địa phương miền núi phát triển trong những năm qua là hoàn toàn đúng đắn. Thế nhưng, việc triển khai thực hiện các hợp phần sinh kế chưa thiết thực, hiệu quả chưa cao.
 

Kỳ 1: Lãng phí

Những con bò, con dê... được mua từ nguồn vốn chương trình giảm nghèo cấp cho người dân, nhưng về nuôi thì... không biết ăn cỏ, ăn lá cây. Những con gà, con vịt, con heo thì chết vì không hợp thời tiết. Tiền của đầu tư bị lãng phí là vậy, nhưng trách nhiệm của chính quyền sở tại trực tiếp quản lý, sử dụng vốn lại... chẳng thấy đâu.

Hiệu quả không tương xứng với sự đầu tư

Sau gần 20 năm, kể từ năm 1998 khi Chính phủ có chủ trương thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo dành cho các xã nghèo miền núi, vùng sâu, vùng xa với tên gọi Chương trình 135. Liên tiếp sau đó, nhiều chương trình dự án được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh như 134, 30a, giảm nghèo khu vực Tây Nguyên... Đây được xem là trợ lực rất lớn để các xã nghèo thoát nghèo và giúp người dân có của ăn, của để. Đồng thời rút ngắn khoảng cách giàu - nghèo giữa các địa phương miền núi với đồng bằng.

Bò Zêbu thuộc dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên cấp cho người dân xã Sơn Liên, huyện Sơn Tây sau hai năm thả nuôi, ốm trơ xương như một con nghé.
Bò Zêbu thuộc dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên cấp cho người dân xã Sơn Liên, huyện Sơn Tây sau hai năm thả nuôi, ốm trơ xương như một con nghé.


Theo thống kê, trong giai đoạn 2006 - 2015, nguồn vốn Trung ương dành cho công tác giảm nghèo “rót” về Quảng Ngãi lên đến khoảng 8 nghìn tỷ đồng. Đó là chưa kể các nguồn vốn đầu tư khác được phân bổ không đi theo “đường giảm nghèo”.

Riêng giai đoạn 2011-2015, tổng nguồn vốn giảm nghèo dành cho Quảng Ngãi lên đến hơn 6.700 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, hàng trăm công trình, dự án, chương trình hỗ trợ sản xuất... được triển khai thực hiện. Và kết quả thống kê tỷ lệ hộ nghèo của 6 huyện miền núi hiện nay là gần 28 nghìn hộ, chiếm 46,7%, và cận nghèo gần 14% so với tổng số hộ. Như vậy có thể thấy sau hơn 20 năm, số tiền để giảm nghèo lên đến hơn chục nghìn tỷ đồng được triển khai giải ngân cho các địa phương thực hiện, nhưng hiệu quả mang lại chưa tương xứng, khi tỷ lệ hộ nghèo vẫn rất cao, thậm chí cao hơn so với trung bình cả nước khi áp dụng mức chuẩn nghèo mới.
 

Nguồn vốn Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên đã giao cho tỉnh Quảng Ngãi trong 3 năm (2015-2017) trên 300 tỷ đồng để triển khai hàng trăm mô hình phát triển sinh kế ở 3 huyện miền núi gồm: Sơn Hà, Sơn Tây và Ba Tơ. Trong số hàng trăm mô hình ấy có rất nhiều mô hình đã "chết yểu".

Bắt người nghèo nuôi “con vật nhà giàu”

Huyện miền núi Sơn Tây thuộc diện huyện nghèo nhất, nhì trong cả nước. Thế nên, những đồng tiền từ chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo được “rót” về thực sự là đòn bẩy để cho xứ ngàn cau phát triển. Tuy nhiên, qua thực tế đang bộc lộ nhiều bất cập, tiền của đầu tư chưa đúng hướng.

Từ năm 2011 đến nay, xã Sơn Liên (Sơn Tây) được cấp hơn 10 tỷ đồng để đầu tư giảm nghèo. Trong đó, có việc cấp cây, con giống cho người dân, mà cụ thể là bò, dê, vịt xiêm, heo. Hầu hết người dân ở đây là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế, nhưng chính quyền xã và Ban quản lý dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên đã cấp cho bà con ở đây 22 con bò giống Zêbu, với tổng chi phí lên đến 786 triệu đồng.

Vì đây là giống bò “nhà giàu”, nên khi cấp cho người dân nuôi sau gần 2 năm, thì có 2 con chết, số còn lại ốm trơ xương. Khảo sát những gia đình được nhận bò, phóng viên thấy hầu hết chuồng trại rất sơ sài, cỏ không đủ để bò ăn. Có con bò sau 2 năm thả nuôi trọng lượng... nhẹ hơn lúc được cấp.

Để giải quyết hệ lụy, chính quyền xã Sơn Liên và Ban quản lý giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tính đến phương án... thanh lý đàn bò và mua lại bò khác cho người dân, với hy vọng thu lại vốn đầu tư. Lý giải nguyên nhân đàn bò sau hai năm thả nuôi không chịu lớn, Chủ tịch UBND xã Sơn Liên Trần Đông Phong thừa nhận, cách chăm sóc và khí hậu thổ nhưỡng ở đây không phù hợp với giống bò Zêbu, nên mới xảy ra tình trạng trên.

Tương tự, là việc "bắt" người nghèo không am hiểu khoa học kỹ thuật nuôi dê Bách Thảo ở xã Sơn Mùa (Sơn Tây), Ba Giang (Ba Tơ)... Nhằm tạo sinh kế cho người dân, năm 2016, Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên cấp 40 con dê Bách Thảo cho 20 hộ dân ở thôn Huy Ra Lung 1 và Huy Ra Lung 2 (Sơn Mùa), với số tiền 190 triệu đồng. Mỗi người dân nhận 2 con dê, dắt về nhà ai nấy đều vui mừng và hy vọng mai này sẽ lai tạo đàn dê của gia đình to lớn. Thế nhưng, chưa đầy một tháng sau, đàn đê trị giá gần 200 triệu đồng ấy lần lượt đổ bệnh rồi chết. Đến nay, đàn dê chỉ còn... 3 con.

Còn tại xã Ba Giang, tháng 10.2016, thực hiện Chương trình 135, xã đã trích kinh phí 351 triệu đồng mua 72 con dê giống (gần 4,5 triệu đồng/con) cấp cho người dân. Nhưng đến nay đàn dê chỉ còn 9 con. Hay Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên hỗ trợ 56 con dê giống cho 2 nhóm hộ nằm trong hợp phần phát triển sinh kế, nhưng đến nay số dê này chỉ còn 10 con.

Có vỏ không có ruột

Trong các chương trình giảm nghèo, ngoài việc tiến hành hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thì hơn một nửa các địa phương sử dụng vào việc đầu tư cơ sở hạ tầng. Nhờ đó giúp các địa phương từng bước đổi thay, trong đó nổi bật là hạ tầng giao thông được đầu tư giúp người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận tiện hơn trước. Tuy nhiên, có hơn một nửa số công trình cơ sở hạ tầng được đầu tư tiền tỷ đến nay chỉ còn cái vỏ, bên trong “rỗng ruột”.

Nhiều công trình nước sạch ở miền núi đưa vào sử dụng vài năm nay lại phải đào lên sửa lại và số tiền tu sửa cũng từ nguồn vốn giảm nghèo. Thậm chí, nhiều công trình đầu tư bằng nguồn vốn giảm nghèo hơn 10 năm trước, đến nay tìm lại... không thấy đâu. Đơn cử như công trình nước sinh hoạt Nước Trên (xã Sơn Dung, Sơn Tây), sau nhiều năm đưa vào sử dụng “hư lên hỏng xuống” đến nay chỉ là một đống bê tông hoang hóa, với hệ thống đường ống dẫn nước đã gỉ sắt nằm vắt vẻo theo con đường bê tông.

Theo thống kê, trong tổng số 496 công trình cung cấp nước sạch sinh hoạt được đầu tư với tổng vốn đầu tư lên đến 353 tỷ đồng trong toàn tỉnh, thì có đến 148 công trình “chết yểu”, 135 công trình hoạt động kém hiệu quả. Trong số 283 công trình nước sạch "chết yểu", kém hiệu quả ấy thì có đến phân nửa được đầu tư từ các nguồn vốn giảm nghèo.

Ngoài ra, nguồn vốn giảm nghèo dành cho việc duy tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng miền núi cũng khá lớn. Như tại xã Long Sơn (Minh Long), nguồn vốn đầu tư tuyến đường Yên Ngựa - Gò Nay hơn 4 tỷ đồng, nhưng đến nay đã phải trải qua 2 lần duy tu, sửa chữa, với số tiền lên đến gần 1 tỷ đồng, nhưng tuyến đường vẫn gập ghềnh khó đi.


Bài, ảnh: LÊ ĐỨC


-------------------------------------------------
*Kỳ 2: Bất cập trong việc cấp cây, con giống.



 


.