Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Cơ hội để doanh nghiệp phát triển

09:07, 25/07/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cổ phần hóa doanh nghiệp (DN) nhà nước và thoái vốn Nhà nước sau cổ phần hóa (CPH) là chủ trương lớn của Chính phủ. Đây là cơ hội để các DN nhà nước thoát khỏi bao cấp, khẳng định năng lực trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

TIN LIÊN QUAN

Tính đến nay, Quảng Ngãi đã CPH 15 DN, trong đó có 10 DN đã chuyển giao quyền đại diện cho Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Thực hiện đúng lộ trình

Theo lộ trình, giai đoạn 2016- 2020, Quảng Ngãi sẽ thực hiện CPH đối với Công ty TNHH MTV Nông lâm nghiệp 24/3 và Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng và kinh doanh dịch vụ Quảng Ngãi (QISC).

Sau khi cổ phần hóa, Công ty CP Đường Quảng Ngãi đã hoạt động hiệu quả. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất tại Nhà máy bia Dung Quất.
Sau khi cổ phần hóa, Công ty CP Đường Quảng Ngãi đã hoạt động hiệu quả. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất tại Nhà máy bia Dung Quất.


Đến thời điểm này, Công ty TNHH MTV Nông lâm nghiệp 24/3 đã hoàn thành các phương án CPH đưa lên sàn chứng khoán, dự kiến tổ chức bán đấu giá cổ phần lần đầu vào ngày 18.8 và sẽ thực hiện CPH vào cuối năm 2017. Đối với QISC thì, công ty này chuẩn bị các bước triển khai, phấn đấu đến cuối năm 2020 sẽ chính thức CPH.

Về công tác thoái vốn Nhà nước tại DN, Quảng Ngãi chỉ có Công ty CP Môi trường đô thị và Công ty CP Cấp thoát nước và Xây dựng Quảng Ngãi thực hiện việc thoái vốn. Tuy nhiên, theo tiêu chí phân loại DN nhà nước, DN có vốn Nhà nước, thì lĩnh vực hoạt động của Công ty CP Cấp thoát nước và Xây dựng không thuộc đối tượng nhà nước quản lý trên 50% vốn điều lệ.


Đến thời điểm này, Công ty CP Cấp thoát nước và Xây dựng sau khi thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng hệ thống cấp nước TP.Quảng Ngãi, vốn Nhà nước tại công ty chỉ còn 23%, nên không thuộc đối tượng phải thoái vốn Nhà nước tại DN.
 

Cần tính tới quyền lợi của người lao động

Nói về chủ trương CPH và thoái vốn nhà nước, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Môi trường đô thị Trần Nhật Liên cho rằng, những loại hình DN nào không cần vốn của Nhà nước thì nên thoái vốn và để cho các thành phần kinh tế tư nhân làm. Tuy nhiên, khi tiến hành thoái vốn, bán cổ phần, cổ phiếu cần lưu ý đến những cổ đông hiện hữu và người lao động. Bởi những người này đã gắn bó và cống hiến cho đơn vị lâu dài. Không nên giao cho một cá nhân nào đó chi phối hoàn toàn, vì họ sẽ tối đa hóa lợi nhuận mà xem nhẹ quyền lợi của người lao động.

Riêng Công ty CP Môi trường đô thị có vốn điều lệ gần 16 tỷ đồng, trong đó vốn góp của Nhà nước trên 8 tỷ đồng (chiếm 51%), thuộc đối tượng phải thực hiện thoái vốn Nhà nước tại DN. “Sở Tài chính đang hoàn thành các thủ tục thoái vốn đối với Công ty CP Môi trường đô thị.

Trong đó, việc định giá tài sản của Nhà nước tại DN là quan trọng nhất, nên được làm rất kỹ, đảm bảo đúng quy định. Hiện đã có một nhà đầu tư chiến lược đăng ký mua lại số cổ phần nhà nước tại công ty này”, lãnh đạo Sở Tài chính cho biết.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, những DN nào mà Nhà nước không cần giữ vốn chi phối, thì tiến hành thoái vốn, bán phần vốn Nhà nước. Hiện, UBND tỉnh đã có chỉ đạo bán phát hành cổ phần, cổ phiếu, tăng vốn điều lệ cho Công ty CP Cấp thoát nước và Xây dựng, còn Công ty CP Môi trường đô thị, UBND tỉnh mới chỉ thống nhất về mặt nguyên tắc và giao các sở, ngành tham mưu quy trình thực hiện thoái vốn.

Tuy nhiên, theo đại diện Sở Tài chính, đến giờ này mới chỉ tham mưu bằng văn bản lộ trình thực hiện thoái vốn theo các bước đã quy định. Do đó, việc thoái vốn đối với Công ty CP Môi trường đô thị sẽ thực hiện vào cuối năm 2017 hoặc đến quý I/2018 mới xong.

Phát huy năng lực của doanh nghiệp

Thực tế sau CPH, nhiều DN đã phát huy được năng lực, làm ăn hiệu quả, giải quyết nhiều việc làm, đảm bảo các chế độ về tiền lương, bảo hiểm cho lao động, góp phần phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh... Điển hình như Công ty CP Đường, Công ty CP Nông sản thực phẩm... Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn một số DN chưa chủ động trong kinh doanh, vẫn còn tư tưởng “bám” Nhà nước. Chính vì vậy, những DN này đã không năng động trong kinh doanh, dẫn đến làm ăn kém hiệu quả.

Theo Giám đốc Sở Tài chính Huỳnh Chánh, việc CPH và thoái vốn Nhà nước sẽ đem lại nhiều lợi ích cho xã hội và đất nước. Đó là sẽ huy động được một nguồn lực xã hội cùng với Nhà nước thực hiện tốt những dịch vụ công. Đơn cử như lĩnh vực môi trường hiện nay có rất nhiều nhà đầu tư, nên không cần vốn của Nhà nước. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, “sức khỏe” của DN không phụ thuộc vào việc CPH, mà nằm ở bản thân DN có năng động trong làm ăn hay không.

Bài, ảnh: HỒNG HOA
 


.