Đừng để cạn kiệt rồi mới bảo tồn

01:06, 08/06/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thành lập khu bảo tồn biển Lý Sơn nhằm bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái biển và nguồn lợi thủy sản. Tuy nhiên, vì chưa giải quyết được bài toán chuyển đổi nghề cho ngư dân đánh bắt gần bờ, nên  nhiều loại hải sản quý ở vùng biển ven bờ huyện đảo vẫn đang bị khai thác, đánh bắt quá mức.
 
 
Dự án Khu bảo tồn biển Lý Sơn được triển khai thực hiện trong bối cảnh độ đa dạng sinh học ở vùng biển này đang bị suy giảm nghiêm trọng. Thế nên, việc thành lập Khu bảo tồn biển Lý Sơn là hết sức cần thiết và cấp bách, để bảo tồn, gìn giữ, bảo vệ hệ sinh thái biển. Khu bảo tồn biển này có phạm vi hơn 7.900ha, gồm 3 vùng chức năng: Vùng bảo vệ nghiêm ngặt, bảo vệ hệ sinh thái vùng triều, cỏ biển và rạn san hô độ sâu từ 3-20m; vùng phục hồi sinh thái thuộc khu vực đảo Lớn và đảo Bé trên diện tích gần 2.000ha, bảo vệ các loài sinh vật biển; vùng phát triển trên diện tích 4.500ha, gồm âu cảng và phần biển bao quanh. 
 
Vấn đề đáng lưu tâm hiện nay là, khi thực hiện việc bảo tồn, các hoạt động đánh bắt, khai thác hải sản trong phạm vi khu bảo tồn biển sẽ bị nghiêm cấm. Do vậy, ngư dân phải ngừng hoạt động đánh bắt thủy sản ven bờ. “Ban quản lý khu bảo tồn sẽ đề xuất cơ chế hỗ trợ cho ngư dân đánh bắt ven bờ vay vốn ưu đãi, đóng mới tàu thuyền đánh bắt xa bờ.
 
Còn đối với các nghề khai thác bằng dụng cụ thô sơ như lặn bắt hải sản, hái rong biển... chúng tôi sẽ có chính sách đào tạo nghề cho họ. Sau khi hoàn thành việc chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân đánh bắt ven bờ, Ban quản lý khu bảo tồn biển Lý Sơn sẽ thực hiện việc cắm mốc, đánh dấu khu vực cấm đánh bắt, để ngư dân biết và tuân thủ”, ông Phùng Đình Toàn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Giám đốc Dự án Khu bảo tồn biển Lý Sơn cho biết.
 
 
Các ngư dân hiện vẫn đang đánh bắt trong phạm vi khu bảo tồn biển Lý Sơn, vì không biết phải chuyển đổi sang nghề gì để sinh sống.
Các ngư dân hiện vẫn đang đánh bắt trong phạm vi khu bảo tồn biển Lý Sơn, vì không biết phải chuyển đổi sang nghề gì để sinh sống.
 
Tuy nhiên, theo ông Toàn, dù đã có định hướng, nhưng để chuyển đổi ngành nghề cho hàng trăm ngư dân gắn bó lâu đời với vùng biển ven bờ Lý Sơn, cần phải có lộ trình dài hơi. Trong năm 2017, dự án chủ yếu tập trung tuyên truyền đến ngư dân, nhằm nâng cao ý thức bảo vệ hệ sinh thái biển, còn kinh phí chuyển đổi nghề thì vẫn đang nằm ở chế độ... chờ.
 
Trong khi chờ đợi các  ngành chức năng “cắm mốc, đánh dấu khu vực cấm đánh bắt”, thì nguồn lợi thủy sản ven bờ ở Lý Sơn đang tiếp tục cạn kiệt do các hoạt động khai thác, đánh bắt quá mức. Nhất là khi lượng du khách đến với Lý Sơn ngày càng đông (năm 2016 Lý Sơn đã đón hơn 164.000 lượt khách và 6 tháng đầu năm 2017 đón 63.000 lượt khách -PV), nhu cầu về hải sản phục vụ du khách ngày càng tăng vọt.
 
Bà Nguyễn Thị Trung, người dân sống tại đảo Bé thở dài: “Cách đây hai năm, vào tháng 5 – tháng 7 âm lịch, chỉ cần ra cách bờ mấy mươi mét là đã bắt được nhím biển. Ốc cừ cũng sống sát bờ, chỉ cần dạo một lượt là bắt được 2- 3 kg. Còn giờ du khách đến ngày càng đông, người ta toàn lặn hơi chuyên nghiệp để bắt ốc cừ, nhím biển... bán lại cho nhà hàng, quán ăn với giá cao, nên các loại đặc sản đó giờ đã cạn kiệt rồi!”
 
Vấn đề đặt ra hiện nay đối với Ban quản lý Dự án bảo tồn biển Lý Sơn và các cấp, ngành, địa phương là cần thống nhất được giải pháp giải quyết bài toán sinh kế, chuyển đổi nghề cho ngư dân đánh bắt ven bờ ở huyện đảo.
 
Bởi có bảo tồn được hệ sinh thái biển mới tạo được điểm nhấn, để phát triển du lịch, tạo điều kiện cho người dân Lý Sơn hưởng lợi lâu dài từ các dịch vụ du lịch. Chứ nếu chỉ biết khai thác mà không bảo vệ, thì vùng biển Lý Sơn dù có được thiên nhiên ưu ái đến đâu, rồi cũng sẽ đến lúc cạn kiệt.
 
 
Bài, ảnh: Ý THU
 
 

.