Sự cẩn trọng cần thiết

09:05, 16/05/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Mặc dù đã được Bộ TN&MT phê duyệt, máy móc thiết bị cho Nhà máy Bột giấy VNT19 cũng đã thông quan tại cảng Dung Quất, phương án chặt phá 50ha rừng dừa nước tại xã Bình Phước (Bình Sơn) để làm hồ chứa nước cung cấp cho nhà máy này cũng đã được thông qua, song Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng vẫn phải làm công văn gửi Bộ TN&MT “xem xét cho ý kiến” về một số hạng mục mà người dân lẫn các nhà quản lý ở Quảng Ngãi cảm thấy bất an.

Đó là sự cẩn trọng cần thiết trong thời điểm vô cùng nhạy cảm đối với các dự án mà nguy cơ ô nhiễm môi trường có thể trút xuống đầu người dân bất cứ lúc nào. Bài học về Formosa Hà Tĩnh vẫn còn “nóng” trên tất cả các diễn đàn khi nhắc đến hai chữ “môi trường”.

Dự án thép Cà Ná, tỉnh Ninh Thuận dù đã được Bộ Công thương bật đèn xanh bằng những cam kết chắc như đinh đóng cột, nhưng cuối cùng rồi cùng phải tạm dừng. Rồi Nhà máy điện hạt nhân tỉnh Ninh Thuận, mặc dù gần như “gạo sắp thành cơm” rồi, nhưng cũng phải dừng.

Môi trường sống đang bị đe dọa từng giờ từ chính con người gây ra, buộc các nhà quản lý phải đặt lên bàn cân để cân nhắc về lợi-hại từng tí một, làm sao đó để sự sai số về mức độ an toàn luôn ở mức thấp nhất. Công văn của UBND tỉnh Quảng Ngãi gửi Bộ TN&MT mới đây cũng không nằm ngoài mục đích đó.

Trở lại với việc triển khai dự án Nhà máy Bột giấy VNT19 tại Bình Phước. Cũng cần nhắc lại rằng, dự án chiếm diện tích 117ha này đã được cấp phép từ 6 năm trước (2011), nhưng đến năm 2016 mới triển khai. Tỉnh Quảng Ngãi phải cẩn trọng tuyệt đối với dự án mà rất nhiều tỉnh phải “lắc đầu” này là vì một khi môi trường bị ô nhiễm từ các chất tẩy rửa để làm ra bột giấy, thì không có cách chi để có thể “khắc phục nhanh chóng” được.

Tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Bộ TN&MT vào tận nơi để xem xét thẩm định đường ống xả nước thải thiết kế chìm dưới lòng biển đổ thẳng 73 nghìn mét khối/ngày đêm ra vịnh Việt Thanh liệu có lặp lại thảm họa Formosa nữa không? Vì sao trong thiết kế, chủ dự án không xây hồ chỉ thị sinh học (hồ nuôi cá) để dùng con cá nuôi trong hồ nước thải ấy mà “nghiệm thu” mức độ sạch của nước thải trước khi xả ra vịnh Việt Thanh? Vì sao trong cam kết, chủ đầu tư lắp hoàn toàn máy móc thiết bị mới 100%, nhưng nay thì không phải vậy. 

Tất cả những câu hỏi trên đây được lãnh đạo UBND tỉnh đặt ra cho Bộ TN&MT và Bộ KH&CN-cơ quan thẩm định về máy móc thiết bị của VNT19 và đang chờ những câu trả lời xác đáng từ hai Bộ nói trên.

Người dân vùng Dung Quất cũng như các nhà quản lý ở Quảng Ngãi rất cần một lời khẳng định trung thực và có trách nhiệm từ cơ quan quản lý cao hơn, tránh tình trạng không ai chịu trách nhiệm khi sự cố môi trường xảy ra.

Tỉnh Quảng Ngãi có thể có thêm hàng trăm việc làm và hàng chục tỷ đồng tiền thuế từ nhà máy bột giấy VNT19, nhưng nếu không có sự cẩn trọng thì những hệ lụy mà nó gây ra sẽ không thể nào đo đếm hết.

TRẦN ĐĂNG
 


.