Làm giàu từ dịch vụ hậu cần nghề cá

07:05, 27/05/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Từ một cơ sở sản xuất đá lạnh thủ công, năm 2015, vợ chồng anh Nguyễn Tấn Lộc và chị Lê Thị Tới, thôn Thạch Bi 1, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) đầu tư hơn 3 tỷ đồng, để xây dựng thêm cơ sở đá lạnh theo công nghệ mới.

TIN LIÊN QUAN

“Một ngày, mỗi cơ sở phải sản xuất ít nhất 500 cây đá, nên phải thuê ít nhất 5 nhân công mới phục vụ kịp thời cho hoạt động đánh bắt của ngư dân. Cũng nhờ các cơ sở đá lạnh này mà kinh tế gia đình trở nên khấm khá. Dự định trong năm nay, vợ chồng tôi sẽ đầu tư thêm 2 tỷ đồng nữa, để mở thêm cơ sở mới”, anh Lộc chia sẻ. Được biết, mỗi năm hai cơ sở đá lạnh của vợ chồng anh Lộc cho doanh thu hơn 350 triệu đồng.

 Hoạt động sản xuất, chế biến các loại hải sản khô ở xã Phổ Thạnh (Đức Phổ).
Hoạt động sản xuất, chế biến các loại hải sản khô ở xã Phổ Thạnh (Đức Phổ).

Còn với ông Thái Văn Thi, thôn Hải Tân, xã Phổ Quang (Đức Phổ) thì việc thuê đất và đầu tư hàng loạt các dịch vụ hậu cần trên biển như cửa hàng thực phẩm, xăng dầu, kho ướp lạnh, cơ sở sản xuất nước đá... đã giúp gia đình ông có một cơ ngơi nhất, nhì ở cửa biển Mỹ Á.
 
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay tại 4 xã có cảng cá hoạt động gồm: Phổ Quang, Phổ Thạnh (Đức Phổ), Bình Châu (Bình Sơn) và Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) có hơn 200 cơ sở lớn nhỏ hoạt động theo mô hình dịch vụ hậu cần trên bờ. Thu nhập của các cơ sở này từ 5 - 30 triệu đồng/tháng và giải quyết việc làm cho gần 200 lao động phổ thông.
Bên cạnh đó, ông còn đứng ra thành lập HTX đóng sửa tàu thuyền để sửa chữa và phục vụ nhu cầu của ngư dân. “Nhu cầu của ngư dân hiện nay là đóng tàu công suất lớn, nên các dịch vụ hậu cần rất quan trọng. Sau vài tháng đánh bắt trên biển, khi trở về các nguyên liệu như xăng dầu, nhu yếu phẩm, ngư lưới cụ được cung cấp kịp thời, nên các chuyến đi biển được xuyên suốt và mang lại hiệu quả”, ông Thi chia sẻ.

Không chỉ Phổ Thạnh, Phổ Quang (Đức Phổ) mà các xã Bình Châu (Bình Sơn), Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) cũng chú trọng và phát triển mạnh các dịch vụ hậu cần nghề cá. Việc chế biến các sản phẩm tươi sống thành đặc sản khô được các địa phương này chú trọng, nên hình thành nhiều cơ sở sản xuất và phân phối sản phẩm đi khắp các tỉnh thành.

Chị Đinh Thị Mến, chủ một cơ sở sấy cá khô thôn Định Tân, xã Bình Châu, cho hay: “Các loại cá lớn như cá hồng, cá nục, cá sòng... thì phải xuất bán tươi sống cho các cơ sở hoặc các chợ. Còn những loại cá nhỏ, mực thì mình thu mua rồi sấy khô, để bán hoặc xuất khẩu. Giá bán ra cũng tùy theo mùa, thời điểm, nên mình cũng mua vào theo đúng giá cho ngư dân. Hồi mới mở, cơ sở còn gặp nhiều khó khăn, nhưng giờ đã mang lại hiệu quả đáng mừng”.


Bài, ảnh: MẠNH KHOA


 


.