Ngư dân chưa mặn mà với tàu vỏ composite

07:03, 06/03/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau lệnh đóng cửa rừng của Chính phủ, gỗ nguyên liệu đóng tàu khan hiếm, giá thành cũng tăng cao. Song, hầu hết ngư dân vẫn chọn đóng tàu gỗ, thay vì đầu tư tàu vỏ composite.

TIN LIÊN QUAN

Với số lượng tàu vỏ composite đóng mới còn quá ít, vậy điều gì khiến ngư dân chưa mặn mà đóng tàu với loại chất liệu này?

Băn khoăn với tàu mới

Tiên phong đóng tàu vỏ composite, ngư dân Dương Văn Rin, xã Bình Châu (Bình Sơn) khấp khởi chờ ngày hạ thủy. “Đây là chiếc tàu vỏ composite đầu tiên trong tỉnh, nên tôi cũng như nhiều ngư dân hồi hộp chờ đợi xem việc vận hành và sử dụng như thế nào, hiệu quả ra sao”, ông Rin bày tỏ.

Thi công tàu vỏ composite tại  Nhà máy Đóng tàu Nha Trang.
Thi công tàu vỏ composite tại Nhà máy Đóng tàu Nha Trang.


Chiếc tàu vỏ composite của ông Rin có công suất 850CV, trang bị máy thủy mới. Tổng kinh phí đầu tư 13,5 tỷ đồng (chưa kể chi phí ngư lưới cụ). Trong đó, Nhà nước hỗ trợ 35% tổng giá trị đầu tư theo Quyết định số 47 về thí điểm cơ chế hỗ trợ một lần sau đầu tư cho chủ tàu đóng mới tàu cá theo Nghị định 89. Nhưng để chiếc tàu vỏ composite nên hình, ông Rin đã cân nhắc rất nhiều trước khi quyết định đầu tư, nhất là khi trong tỉnh chưa có chiếc tàu vỏ composite nào. “Dù tàu vỏ composite bền, chi phí bảo dưỡng và sửa chữa thấp, tuổi thọ cao... nhưng tôi cũng đắn đo nhiều. Không biết sau khi hạ thủy, vươn khơi có hoạt động hiệu quả hay không”, ông Rin cho biết.
 

Ngoài chiếc tàu của ngư dân Dương Văn Rin, xã Bình Châu (Bình Sơn) sắp hạ thủy, 1 chiếc vừa hoàn thành các thủ tục đóng mới theo Quyết định 47, UBND tỉnh đã phê duyệt đóng mới 6 chiếc tàu vỏ composite theo Nghị định 67, nhưng ngư dân chưa triển khai đóng.

... vẫn còn rào cản

Chi cục phó Chi cục Thủy sản Ngô Văn Hưng cho rằng: “Rào cản khiến ngư dân ngại đầu tư tàu vỏ composite là vốn đầu tư quá cao”. So với tàu vỏ gỗ, tổng giá trị đầu tư tàu vỏ composite cao gấp 2 - 3 lần. Tuy nhiên, theo ông Ngô Văn Hưng, tàu vỏ composite ngoài nhược điểm khó xử lý môi trường sau khi tàu hết hạn sử dụng, thì tàu có độ bền, ổn định và có tuổi thọ cao hơn tàu vỏ gỗ, vỏ thép từ 35 - 40 năm. Đơn cử như tàu khách An Vĩnh 02, An Vĩnh 03. Dù được bọc vỏ composite, nhưng các tàu này vẫn hoạt động ổn định, hiệu quả và an toàn khi neo đậu trú bão.   

Ngư dân Trương Tài, xã Bình Châu (Bình Sơn) đồng quan điểm cho rằng, so với tàu vỏ gỗ, tàu vỏ composite bền hơn, chi phí duy tu bảo dưỡng thấp hơn; việc khắc phục những hư hỏng trên vỏ tàu cũng dễ dàng và ít tốn kém thời gian, chi phí. Vì vậy, dù đã sở hữu 6 chiếc tàu vỏ gỗ, nhưng ông Tài vẫn quyết định đầu tư thêm một chiếc tàu vỏ composite có công suất 850CV, dù kinh phí lên đến 13,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, “ngoài nguồn vốn đầu tư lớn thì sự lúng túng, chậm trễ của các ngành chức năng khi giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện cũng khiến ngư dân e ngại khi tiếp cận với tàu vỏ composite”, đại diện của Công ty TNHH MTV Minh Quang, đơn vị có 2 chiếc tàu vỏ composite được UBND tỉnh phê duyệt đóng mới theo Nghị định 67 cho biết. Theo công ty này, dù đã được UBND tỉnh phê duyệt đóng mới 2 chiếc tàu vỏ compesite, nhưng vì tổng mức đầu tư trên 40 tỷ đồng nên đến giờ, vẫn chưa có ngân hàng nào đồng ý ký hợp đồng tín dụng. Để đảm bảo kế hoạch thực hiện, Công ty TNHH MTV Minh Quang đã kiến nghị các ngành chức năng xem xét điều chỉnh 2 chiếc tàu trên cho thụ hưởng cơ chế hỗ trợ một lần sau đầu tư theo Quyết định 47. Song đến thời điểm này các ngành liên quan vẫn chưa trả lời, nên Công ty TNHH MTV Minh Quang vẫn phải đợi.

Thông qua Nghị định 67 (nay là Nghị định 89) Chính phủ khuyến khích sử dụng vật liệu composite để thay thế gỗ trong việc đóng tàu nhằm hiện đại hóa đội tàu, góp phần bảo vệ rừng. Song, để tạo điều kiện và giúp ngư dân đầu tư đóng mới tàu vỏ composite, ngành chức năng cần kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc xoay quanh việc đóng tàu vỏ composite .

Bài, ảnh: MỸ HOA

 


.