Hiệu quả từ mô hình nuôi trồng, đánh bắt cá tự nhiên trên hồ Liệt Sơn

08:10, 10/10/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Gần 20 năm qua, người dân ở xã Phổ Hòa và Phổ Cường (huyện Đức Phổ) đã biết tận dụng diện tích mặt nước của hồ chứa nước Liệt Sơn để nuôi cá nước ngọt, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở hồ đập.
Nuôi trồng, đánh bắt theo đội
 
Hồ chứa nước Liệt Sơn nằm ở thôn Hiển Văn, xã Phổ Hòa (huyện Đức Phổ). Đây là hồ chứa nước lớn nhất ở huyện Đức Phổ, có dung tích 28 triệu m3, đảm nhận tưới tiêu hai vụ đông xuân và hè thu cho gần 1.350 ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện.
 
Sau khi hồ chứa nước Liệt Sơn được bàn giao cho Trạm quản lý thủy nông số 6 vào năm 1997, 14 hộ dân của xã Phổ Hòa và Phổ Cường đã làm hợp đồng thuê toàn bộ diện tích mặt nước hồ Liệt Sơn để nuôi cá nước ngọt. 
 
Cùng với đó, các hộ dân thành lập ngay đội nuôi trồng cá nước ngọt trên hồ, với số lượng 14 thành viên, được duy trì ổn định cho đến nay. Họ là những người có nhiều kinh nghiệm trong việc nuôi cá nước ngọt, tận dụng thời gian nông nhàn để phát triển kinh tế hộ gia đình.
 
Người dân phấn khởi khi bắt được cá mè nặng hơn 2kg trên hồ Liệt Sơn.
Người dân phấn khởi khi bắt được cá mè nặng hơn 2kg trên hồ Liệt Sơn.
 
“Nuôi cá theo hình thức thành lập đội có rất nhiều cái lợi: huy động vốn nhanh, có người thường xuyên tuần tra để đảm bảo an toàn cho cá, ít bị mất trộm nên hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với cách nuôi cá nhân ở một số hồ đập khác trên địa bàn huyện”, ông Võ Hữu Sinh, thôn Hiển Văn, xã Phổ Hòa- Đội trưởng Đội nuôi trồng cá nước ngọt hồ Liệt Sơn chia sẻ.
 
Sau khi thành lập, cuối tháng 7, đầu tháng 8 dương lịch hằng năm, Đội lại bắt đầu thả lứa cá giống mới với số lượng khoảng 120 nghìn con cá các loại như cá trắm cỏ, cá chép, cá mè, cá trôi… 
 
Ngoài các loại cá người dân thả nuôi, ở hồ Liệt Sơn còn có cá tự nhiên khác như cá thác lác, cá rô phi, cá bống tai tượng… để tận dụng nguồn thức ăn có sẵn trong lòng hồ.
 
Nói về lợi ích của nuôi cá tại hồ chứa nước, ông Sinh cho biết thêm: “Chỉ cần thả cá vào, cá sẽ ăn thức ăn có sẵn trong lòng hồ, không phải tốn chi phí thức ăn, không tốn công thay nước như nuôi cá ở nhà. Diện tích mặt nước lớn, nguồn ôxy khá dồi dào nên cá cũng không phải bị ngạt khí”.
 
Vì diện tích hồ Liệt Sơn khá lớn, nên để tránh thất thu do đánh bắt trộm, mỗi ngày đội phân cho 4 thành viên, thường xuyên đi tuần canh, vừa để đảm bảo cho lượng cá không bị mất trộm, vừa góp phần vào công tác quản lý, bảo vệ an toàn hồ đập. 
 
Sản lượng trên 30tấn/năm
 
Cá nuôi gần một năm thì tiến hành thu hoạch bằng cách kéo lưới với hình thức đánh tỉa, thả bù. Đội thường sử dụng loại lưới có mắt lưới rộng từ 7- 12cm để đánh bắt cá lớn, giữ lại cá nhỏ. 
 
Thời gian thu hoạch là 8 tháng, bắt đầu từ khoảng tháng 7 đến tháng 2 năm sau. Trung bình mỗi ngày, đội thu hoạch trên 3 tạ cá. Sau khi thu hoạch, thương lái sẽ đến tận nơi để thu mua. 
 
Với giá bán 25.000 đồng/kg, sau khi trừ tiền thuê mặt nước, chi phí đánh bắt, cá giống… mỗi năm, đội thu lãi gần 1 tỷ đồng, mỗi người được chia trên 70 triệu đồng. 
 
Ngoài các loại cá nuôi, trong hồ còn có rất nhiều các loại cá tự nhiên khác.
Ngoài các loại cá nuôi, trong hồ còn có rất nhiều các loại cá tự nhiên khác.
 
Anh Trần Ngọc Tuấn- Thành viên của đội nuôi trồng cá nước ngọt hồ Liệt Sơn, chia sẻ: “Việc nuôi cá ở hồ Liệt Sơn không chỉ cải thiện bữa ăn gia đình mà còn giúp cho người dân nâng cao thu nhập. Nuôi cá bằng hình thức này không tốn công chăm sóc, thời gian thu hoạch thì từ 3 giờ chiều hôm trước đến rạng sáng ngày hôm sau nên thời gian còn lại, mình có thể làm việc khác cho gia đình. Chỉ có điều phải biết làm quen với việc thức khuya”.
 
Đánh giá về mô hình, ông Phạm Ngọc Thạch- Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Hòa cho biết: “Đây là một mô hình hay, không chỉ tạo sinh kế cho người dân, góp phần nâng cao thu nhập mà còn giúp bảo vệ, duy trì nguồn lợi thủy sản ở hồ, đập, với sản lượng trung bình trong năm trên 30tấn”.
 
“Trong thời gian đến, xã sẽ hướng tới tận dụng tối đa diện tích mặt nước trong lòng hồ Liệt Sơn để phát triển nghề nuôi cá nước ngọt. Đồng thời xem xét, khảo sát, phát triển mô hình nuôi cá lồng trên hồ này nhằm giúp người dân nâng cao sản lượng và năng suất của việc nuôi trồng”, ông Thạch nói.
 
Bài, ảnh: Thiên Hậu - Nguyễn Yến
 

.