"Tín dụng đen" hoạt động ngầm ở vùng biển

08:05, 01/05/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- “Tín dụng đen” là hiện tượng diễn ra khá phổ biến ở các xã vùng biển của tỉnh trong nhiều năm nay. Đầu nậu chi phối rất nhiều hoạt động và lợi ích của ngư dân qua mỗi chuyến đi biển, nếu như HTX dịch vụ hậu cần nghề cá ở các địa phương không vươn lên làm tốt vai trò “bà đỡ” cho ngư dân.

TIN LIÊN QUAN

Thiếu vốn, ngư dân phải dựa đầu nậu

Bình Châu là một trong những xã ở vùng biển Bình Sơn có nhiều tàu thuyền đánh bắt xa bờ và chủ yếu là hoạt động tại quần đảo Hoàng Sa. Ông Nguyễn Thanh Hùng - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá Bình Châu cho biết: "Xã Bình Châu hiện có hơn 400 tàu cá với 1.120 đoàn viên nghiệp đoàn. Trong số này có 158 tàu công suất từ 90 CV trở lên. Từ nghiệp đoàn đã thành lập 34 tổ Đoàn kết đánh bắt xa bờ. Khi triển khai Nghị định 67, ngay từ đầu ở Bình Châu đã có hơn 100 chủ tàu đăng ký vay vốn đóng mới và nâng cấp tàu thuyền. Nhưng rồi sau đó, do nhận thấy không có đủ vốn đối ứng nên 90 chủ tàu đã rút đơn. Còn lại 10 chủ tàu được tỉnh phê duyệt cho vay vốn, nhưng  hiện chỉ có 1 tàu cá vỏ thép được vay vốn đóng mới hoàn thành đi vào hoạt động từ đầu năm đến  nay.

Tàu vào cửa biển Mỹ Á (Phổ Quang, Đức Phổ) chờ nhận đủ nhiên liệu để ra khơi.                                                                      Ảnh: NK
Tàu vào cửa biển Mỹ Á (Phổ Quang, Đức Phổ) chờ nhận đủ nhiên liệu để ra khơi. Ảnh: NK


Trong lúc cần vốn mà chưa được các ngân hàng tiếp sức nên rất nhiều chủ tàu ở Bình Châu phải tìm đến đầu nậu vay nóng để tiếp tục hành nghề trên biển. Trong tổng số 158 chủ tàu có công suất lớn, thường đi đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa hiện có khoảng hơn 50% số tàu phải dựa vào nguồn vốn của các đầu nậu mới có thể duy trì được những chuyến đi biển.

Hoạt động của các đầu nậu ở vùng biển, thực chất là hoạt động dưới dạng “tín dụng đen”. Họ cho ngư dân “mượn vốn” không cần thủ tục rườm rà, để nâng cấp tàu thuyền, mua sắm ngư lưới cụ và sắm hàng cho từng chuyến đi biển. Có khi trước mỗi chuyến biển chủ tàu phải “ứng trước” của đầu nậu tới vài ba trăm triệu đồng, với điều kiện là khi vào bờ phải bán lại hải sản cho họ với giá hai bên cùng thỏa thuận để trừ nợ dần (nhưng thường là thấp hơn giá thị trường-PV). Vì vậy, người vay là ngư dân phải chịu thiệt thòi về kinh tế.

Hiện nay, số lượng đầu nậu ở Bình Châu vì thế không giảm mà đang có chiều hướng tăng lên. Toàn xã hiện có 7- 8 đầu nậu, ngoài ra còn có khoảng 5 đầu nậu ở TP.Quảng Ngãi xuống địa phương này hoạt động.

Ngư dân cần “bà đỡ”  

Ở phía nam của tỉnh, có một HTX dịch vụ hậu cần nghề cá ra đời từ năm 2012 trong điều kiện khó khăn thiếu thốn, nhưng lại chủ động vươn lên đáp ứng được vai trò “bà đỡ” cho ngư dân, đó là HTX Dịch vụ Hậu cần nghề cá xã Phổ Quang (Đức Phổ). HTX này có 42 tàu cá, với 51 thành viên. Kể từ khi thành lập đến nay HTX chỉ mới nhận được một khoản tiền hỗ trợ 30 triệu đồng để thành lập mới HTX. Còn lại các thành viên tự góp vốn đến nay đã lên tới 4 tỷ đồng. HTX thuê mặt bằng ở gần cửa biển Mỹ Á với diện tích hơn 5.000m2 để hoạt động. Trong lúc HTX chưa đủ điều kiện vay vốn ngân hàng vì không có tài sản thế chấp, các thành viên trong Ban giám đốc HTX đã tự nguyện lấy tài sản của mình ra thế chấp để vay tiền về làm dịch vụ hậu cần nghề cá phục vụ ngư dân.

Ông Thái Văn Thi - Giám đốc HTX Dịch vụ Hậu cần nghề cá Phổ Quang cho biết: Kể từ khi HTX thực hiện được các dịch vụ thì ngư dân xã Phổ Quang hưởng được nhiều khoản lợi. Cụ thể như, mỗi chuyến đi biển các chủ tàu khỏi phải vay tiền của đầu nậu để mua xăng dầu và mua đá cây... Chẳng những thế, HTX còn giảm phụ thu giá dầu (bình quân 200 đồng/lít) và giảm giá đá cây từ 20 nghìn đồng/cây xuống chỉ còn 16 ngàn đồng/cây... Riêng các khoản này HTX đã làm lợi cho ngư dân khoảng 2,5 triệu đồng trong mỗi chuyến  đi biển. Điều càng có ý nghĩa hơn nữa là, khi HTX vươn lên làm được nhiều loại dịch vụ hậu cần nghề cá như thế này thì các đầu nậu khó mà lấn sân được với HTX.

Tuy nhiên, số HTX như HTX Dịch vụ Hậu cần nghề cá xã Phổ Quang chưa nhiều. Bởi, hầu hết các HTX trên địa bàn tỉnh vẫn còn dừng lại ở mức hình thức, chưa đáp ứng được dịch vụ hậu cần nghề cá cho ngư dân. Chính điều này làm cho tình trạng “tín dụng đen” có "điều kiện" vươn ra hoạt động. Đây là hiện tượng khá phổ biến ở các xã ven biển của tỉnh, nhưng hầu hết chính quyền địa phương vẫn chưa can thiệp đươc.

NGUYỄN KHÂM

 


.