Xây dựng nông thôn mới ở các xã miền núi: Còn nhiều khó khăn, vướng mắc

10:05, 22/05/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Xây dựng nông thôn mới (NTM) tại các huyện miền núi của tỉnh đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Các tiêu chí như nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, môi trường, chợ nông thôn… trở thành những “thách thức” đối với các xã miền núi đặc biệt khó khăn.

TIN LIÊN QUAN


Loay hoay tăng thu nhập

Theo quy định của Bộ tiêu chí quốc gia về NTM, thu nhập của người dân nông thôn giai đoạn 2013-2015 phải đạt bình quân từ 18 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên, do tập quán sản xuất của người dân khu vực miền núi còn lạc hậu, diện tích đất canh tác của bà con nhân dân ít, chủ yếu là đất đồi rừng, khó sản xuất nên để thu nhập cho người dân đạt chuẩn trên là một vấn đề nan giải.  

Tiêu chí giao thông đang là thách thức đối với các huyện miền núi. Trong ảnh: Dù là xã thuộc an toàn khu nhưng đường giao thông liên xã của xã Ba Thành (Ba Tơ) vẫn chưa được bê tông
Tiêu chí giao thông đang là thách thức đối với các huyện miền núi. Trong ảnh: Dù là xã thuộc an toàn khu nhưng đường giao thông liên xã của xã Ba Thành (Ba Tơ) vẫn chưa được bê tông


Năm 2012 và 2013, xã Long Sơn (Minh Long) được hỗ trợ 400 triệu đồng từ nguồn vốn chương trình xây dựng NTM. Toàn bộ nguồn vốn này được xã lồng ghép thêm với nguồn vốn Chương trình 30a để hỗ trợ sản xuất cho người dân. Tuy nhiên, do xuất phát điểm kinh tế - xã hội còn quá thấp nên mặc dù ưu tiên cho công tác hỗ trợ sản xuất, giảm nghèo… nhưng đến nay, Long Sơn dù đã đạt 9/19 tiêu chí, nhưng vẫn chưa thể hoàn thành tiêu chí thu nhập, vì thu nhập bình quân đầu người của người dân vẫn chưa đến 10 triệu đồng/người/năm.

Ở huyện Ba Tơ, từ nhiều nguồn vốn lồng ghép, năm 2014 huyện đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ sản xuất cho người dân. Các mô hình nuôi bò sinh sản và trồng cỏ VA06 ở xã Ba Chùa, mô hình cải tạo vườn tạp tại Ba Chùa và Ba Động, hỗ trợ 9 hộ dân ở Ba Vì, Ba Tiêu chăn nuôi dê bách thảo… đều phát triển tốt, góp phần hỗ trợ sinh kế cho người dân. Ngoài ra, chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, công tác giảm nghèo… cũng được triển khai đồng bộ tại các địa phương. Vì vậy, trong năm 2014, Ba Tơ đã có 638 hộ thoát nghèo, giảm 4% so với năm 2013 và đưa tỷ lệ hộ nghèo còn 28,17%. Thế nhưng, dù đã có nhiều nỗ lực trong phát triển sản xuất, giảm nghèo và an sinh xã hội, nhưng đến nay, Ba Tơ vẫn chưa có xã nào đạt được tiêu chí về thu nhập và tiêu chí hộ nghèo.
 

Có đến 55 xã miền núi đạt không quá 4 tiêu chí
Theo số liệu tổng hợp từ báo cáo của các huyện, thành phố, kết quả thực hiện Bộ tiêu chí NTM trên địa bàn tỉnh năm 2014, có đến 55 xã ở các huyện miền núi mới đạt từ 0-4 tiêu chí. Các huyện miền núi trong tỉnh được hỗ trợ từ các Chương trình 30a, 135… nhưng số tiêu chí tăng lên rất ít. Đặc biệt, huyện Tây Trà sau 4 năm thực hiện không tăng được tiêu chí nào.

“Lúng túng” về hạ tầng

Thu nhập người dân vẫn còn ở mức thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, đã khiến việc thực hiện các tiêu chí về hạ tầng của các huyện miền núi gặp vướng mắc, dù được lồng ghép từ nhiều nguồn vốn khác nhau.

Lý giải nguyên nhân huyện Minh Long mới chỉ có 2/5 xã có chợ nông thôn, ông Nguyễn Văn Thuần-Chủ tịch UBND huyện Minh Long cho biết: Không phải Minh Long không lồng ghép được các nguồn vốn để xây dựng, mà huyện lo ngại rằng khi đầu tư chợ xong, sẽ không có người vào buôn bán.  Bởi thương mại của huyện vẫn chưa thực sự khởi sắc, thu nhập bình quân đầu người vẫn còn thấp, nên người dân chưa mặn mà với chợ. Vì thế, tiêu chí chợ nông thôn vẫn chưa thực hiện được.  “Khi nào đường giao thông qua Ba Động (Ba Tơ), Sơn Kỳ (Sơn Hà) xây dựng xong, sự thông thương buôn bán bắt đầu thuận lợi, thì khi đó, huyện mới tính đến việc xây dựng chợ cho các xã còn lại”, ông Thuần nói.

Không riêng gì Minh Long, mà Tây Trà cũng chưa đầu tư, xây dựng chợ nông thôn tại các xã vì nhu cầu mua bán của người dân vẫn còn ở mức thấp. Ba Tơ, một trong những huyện có thu nhập bình quân đầu người cao nhất trong 6 huyện miền núi nhưng các xã ở vùng sâu, vùng xa như Ba Bích, Ba Xa, Ba Trang, Ba Vinh… cũng chưa hoàn thiện được tiêu chí chợ nông thôn.

Ngoài ra, địa hình vùng đồi núi, dân cư sinh sống phân tán, không tập trung, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn cũng là một trong những lực cản khiến các xã miền núi khó hoàn thành được tiêu chí giao thông. Theo quy định, để được công nhận đạt tiêu chí giao thông, địa phương phải đạt 80% số kilômét  đường giao thông được bê tông, cứng hóa. Trong khi đó, vì đời sống người dân còn quá nghèo nên khả năng huy động nguồn lực thực hiện chương trình rất thấp.
 

Bài, ảnh: Ý Thu
.
 


.