Nghịch lý giá cả sau Tết

09:03, 03/03/2015
.


(Baoquangngai.vn)- Giá xăng liên tục giảm, người tiêu dùng vẫn tưởng giá cả hàng hóa cũng sẽ giảm theo. Nhưng đến hiện tại, trong khi người trồng rau đang đứng ngồi không yên vì giá rau tuột dốc sau Tết, thì giá rau ngoài chợ được bán với giá gấp 3-4 lần. Đặc biệt, nhiều cửa hàng kinh doanh ăn uống vẫn đồng loạt tăng giá sau Tết.
Có dịp về làng rau Sung Tích (xã Tịnh Long, TP. Quảng Ngãi), chúng tôi mới thấu hiểu hết nỗi cơ cực của người trồng rau. Giá rau tăng vài ngày trước Tết, họ vui mừng phấn khởi. Nhưng niềm vui ấy lại nhanh chóng bị dập tắt khi chỉ vừa qua Tết Nguyên đán, giá rau bán tại ruộng đã rẻ như cho không.
 
“Nhà tôi giờ đang thu hoạch đậu tây, rau cải và rau xà lách để bán, gỡ gạc lại hơn 5 triệu đồng tiền vốn. Nhưng chuyến này chắc lỗ nặng rồi”- Bà Nguyễn Thị Thúy có hơn 3 sào rau ở cánh đồng thôn Tăng Long, xã Tịnh Long chia sẻ. Hiện giá bán tại ruộng của đậu tây chỉ còn 2-3 nghìn đồng/kg, xà lách 1 nghìn đồng/kg, rau cải cũng chỉ có giá 800 đồng/kg, khổ qua giá 3 nghìn đồng/kg…. “Trước tết thì giá tăng lên gấp 20-30 lần. Vậy mà chỉ qua mấy ngày Tết, giá rau đã sút thảm hại. Lúc đó, gia đình tôi lại chẳng có rau để bán”- Nỗi buồn hằn rõ lên mặt bà Thúy sau câu nói ẩn đầy sự tiếc nuối.

 

Vựa rau điêu đứng vì giá rau tuột dốc sau Tết
Vựa rau điêu đứng vì giá rau tuột dốc sau Tết
 
Cảnh điêu đứng vì rau đang bao trùm lên cả làng rau với diện tích hơn 100ha rau. Năm nào cũng vậy, quy luật người trồng rau vẫn thường thấy là giá rau lao dốc không phanh sau Tết. Còn nhớ năm trước, vì không bán được rau, nhiều hộ nông dân ở khắp các huyện Sơn Tịnh, TP. Quảng Ngãi, Mộ Đức đành nhổ rau bỏ đi hoặc đem về cho gia súc ăn. Tuy năm nay không tiếp diễn tình trạng này, nhưng những người nông dân quanh năm ăn, ngủ cùng rau vẫn không thể không tuyệt vọng.
 
Theo nhiều người trồng rau, nguyên nhân giá rau rẻ như bèo sau tết là bởi cung vượt cầu khi vùng nào cũng ồ ạt trồng rau để bán sau tết. Thị trường tiêu thụ rau sau tết ở Quảng Ngãi không cao, rau của nông dân chủ yếu tiêu thụ nội tỉnh nên không thể giải phóng được hàng trăm tấn rau ngoài đồng. Mặt khác, người trồng rau thường tự trồng rồi tự tìm nguồn tiêu thụ nên thường bị động ở đầu ra, dẫn tới cảnh “được mùa mất giá” và ít có hệ thống siêu thị để tiêu thụ rau.
 
Đó là cách lý giải của những người đang chịu thiệt nặng nề nhất khi giá rau lao dốc. Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi tại các chợ, siêu thị, giá rau khi tới tay người tiêu dùng tuy có giảm so với trước Tết, nhưng vẫn không hề là mặt hàng có giá rẻ.
 
Hiện giá đậu tây được bán tại chợ có giá 8-10 nghìn đồng/kg, xà lách giá 6-12 nghìn đồng/kg, rau cải giá 6-8 nghìn đồng/kg. Như vậy, so với giá bán tại ruộng, rau tại các chợ, hệ thống siêu thị vẫn cao hơn gấp 4-5 lần, thậm chí còn nhiều hơn. Chị Trần Linh Kha ngụ phường Chánh Lộ, TP. Quảng Ngãi chia sẻ: “Giá rau bây giờ đã mềm hơn rất nhiều so với trước Tết. Nhưng không đến mức bán như cho không. Chúng tôi vẫn phải mua về với giá cao đó thôi”.

 

Nghịch lý giá cả đang gây ra không ít thiệt thòi cho người nông dân lẫn người tiêu dùng
Nghịch lý giá cả đang gây ra không ít thiệt thòi cho người nông dân lẫn người tiêu dùng
 
Rõ ràng thị trường rau xanh đang xảy ra một nghịch lý. Người nông dân bỏ bao nhiêu công sức, vốn liếng ra để trồng rau, củ cả tháng trời để trồng rau nhưng phải chịu thua lỗ. Còn người tiêu dùng khi giá rau hạ thấp nhưng vẫn phải mua rau ngoài chợ của tiểu thương về ăn với giá khá cao.
 
Không chỉ rau xanh bị đội giá tại chợ sau Tết, dịch vụ kinh doanh ăn uống cũng được các chủ hàng đồng loạt tăng lên. Không rầm rộ như những năm trước, vì năm nay giá xăng đã giảm nhiều, nhưng các cửa hàng vẫn lấy cớ sau Tết thực phẩm khan hiếm mà tăng giá từ 5-10%.
 
Vừa bước ra từ quán bún trên đường Nguyễn Tự Tân, TP. Quảng Ngãi, anh Lê Hồng Phúc ngụ ở phường Trần Phú không khỏi ngỡ ngàng: Rõ ràng giá xăng thì liên tục giảm, mà đồ ăn, thức uống sao vẫn cứ tăng giá. Mới trước Tết giá một tô bún vẫn còn 20 nghìn đồng. Những ngày Tết, cửa hàng tăng thêm 5 nghìn đồng thì khách vẫn chấp nhận được vì coi đó là phí phụ thu. Nhưng giờ hết Tết mà giá vẫn chẳng hề giảm.
 
Đó cũng là nỗi niềm của người tiêu dùng khi bị “chém, chặt” từ chợ đến hàng quán. Nhưng họ vẫn phải chấp nhận bỏ tiền ra để mua lại những thực phẩm, dịch vụ cần thiết trong đời sống hằng ngày. Song nghịch lý giá cả hàng hóa, dịch vụ nếu vẫn cứ còn tiếp diễn thì sẽ gây ra không ít thiệt thòi cho cả người nông dân lẫn người tiêu dùng.
 
Bài, ảnh: Thanh Phương
 
 
 

 


.