Đồng bào vùng cao Ba Điền: Thay đổi tập quán sản xuất nhờ khuyến nông

07:03, 02/03/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Được Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư Quảng Ngãi tập trung triển khai một số mô hình khuyến nông, nhiều hộ dân ở xã Ba Điền (Ba Tơ) đã tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật,  thay đổi  tập quán sản xuất và cách bảo quản lương thực lạc hậu. Nói như cán bộ Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh thì đối với đồng bào miền núi, việc “cho họ cần câu còn quan trọng hơn là cho con cá”.

Đồng bào dân tộc vùng cao ở Quảng Ngãi nói chung, cũng như xã Ba Điền nói riêng, thường sản xuất ở xa khu dân cư, tập quán canh tác còn lạc hậu, chủ yếu đều làm bằng thủ công, nhất là khâu làm đất kéo dài thời gian. Riêng khâu thu hoạch lúa họ thường không phơi mà cất giữ trong các nhà chòi đựng lúa, sau một thời gian mới mang ra chế biến. Do vậy phẩm chất và chất lượng lương thực không bảo đảm, nấm mốc phát triển và độc tố vi nấm nhiễm vào lương thực gây bệnh tật, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Bộ đội giúp dân Ba Điền (Ba Tơ) sạ lúa nước. Ảnh: T.Hân
Bộ đội giúp dân Ba Điền (Ba Tơ) sạ lúa nước. Ảnh: T.Hân


 Để giúp đồng bào khắc phục tình trạng này, từ năm 2013 Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư Quảng Ngãi đã triển khai thực hiện Dự án khuyến nông Trung ương đặc thù ưu tiên cho đồng bào miền núi về đề tài: “Áp dụng tiến bộ kỹ thuật đồng bộ nâng cao năng suất, chất lượng sản xuất lúa, gạo cho đồng bào dân tộc xã Ba Điền, huyện Ba Tơ”. Dự án thực hiện trong 3 năm (2013-2015), với tổng kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng. Người dân đã được tiếp cận các mô hình cơ giới hóa khâu làm đất và khâu thu hoạch lúa...

Mặc dù trình độ nhận thức của đồng bào dân tộc còn nhiều hạn chế đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thực hiện Dự án. Nhưng nhờ có sự nhiệt tình của cán bộ khuyến nông đi sâu, đi sát hướng dẫn cụ thể cho đồng bào nên đã tạo được nhiều chuyển biến đáng kể. Đến nay, mô hình cơ giới hóa khâu làm đất đã được triển khai thực hiện bằng cách trang bị cho 4/4 thôn của xã 5 máy làm đất đa năng, cùng với các công cụ hỗ trợ như bánh lồng ruộng nước, bánh lồng ruộng cạn, lưỡi phay ruộng nước, lưỡi cày phay, lưỡi đánh lồng… 200 hộ đồng bào dân tộc tham gia mô hình đã nắm được các thao tác kỹ thuật cơ bản về vận hành, bảo dưỡng và quản lý máy. Qua đó, giảm cường độ lao động, giảm chi phí trong khâu làm đất, góp phần đẩy nhanh tiến độ làm đất, tránh được thời tiết bất lợi…
Trong khi đó, mô hình cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa, đã trang bị 10 máy tuốt sàng thóc liên hoàn, năng suất 320 kg/giờ cho 10/10 tổ sản xuất của 4 thôn trong xã với 200 hộ tham gia. Những hộ tham gia mô hình đã nắm được các thao tác kỹ thuật cơ bản về tháo ráp, vận hành, bảo dưỡng và bảo quản máy. Việc thực hiện cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa đã giảm được cường độ lao động, giảm được chi phí trong khâu thu hoạch lúa, đẩy nhanh tiến độ thu hoạch, tránh được thời tiết bất lợi…

 Ngoài ra, các hộ còn được hỗ trợ tấm bạt phơi lúa bằng nhựa, nắm được các thao tác cơ bản để sử dụng tấm bạt phơi lúa, bảo quản vật tư, bảo quản lúa gạo bằng thùng. Qua đó, giúp cho người dân biết cách hong, phơi lúa gạo và các sản phẩm nông nghiệp, không để các sản phẩm còn tươi đem bảo quản, hạn chế được sự phát sinh, phát triển của nấm mốc so với phương thức bảo quản lạc hậu trước đây…

Ông Ngô Hữu Hạ-Giám đốc Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư Quảng Ngãi cho biết: Các mô hình của dự án này là công cụ thực tiễn đã giúp người dân xã Ba Điền tiếp cận, ứng dụng được tiến bộ kỹ thuật mới, từng bước đưa cơ giới hóa vào sản xuất, đem lại kết quả rất khả quan. Người dân tham gia mô hình cũng như chính quyền địa phương rất phấn khởi, quan tâm, hưởng ứng tích cực. Nhờ vậy, đến nay người dân tham gia mô hình đã thay đổi được tập quán sản xuất cũ lạc hậu và biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong khâu làm đất, thu hoạch, bảo quản, cất giữ thóc gạo, phòng tránh nhiễm nấm mốc, góp phần hạn chế bệnh tật.

“Trong năm 2015, Trung tâm sẽ tiếp tục triển khai thực hiện mô hình cơ giới hóa khâu làm đất; cơ giới hóa khâu thu hoạch; trang bị máy phun thuốc trừ sâu và hỗ trợ thùng tôn cho đồng bào bảo quản lúa gạo nhằm giúp đồng bào xã Ba Điền sớm thay đổi được tập quán theo hướng tiến bộ, đem lại hiệu quả kinh tế-xã hội ngày càng cao. Qua đó đồng bào các xã lân cận sẽ tiếp thu nhân rộng mô hình này ra diện rộng-ông Ngô Hữu Hạ cho biết thêm.
                        

  Bài, ảnh: N.K  
 


.