Cần đẩy mạnh triển khai thực hiện các chính sách phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn

08:03, 03/03/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Sáng ngày 3.3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ đã chủ trì buổi làm việc với các sở, ngành, địa phương và các ngân hàng về tình hình triển khai thực hiện các chính sách phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. 

TIN LIÊN QUAN

Tại cuộc họp, lãnh đạo các sở, ngành liên quan đã thông qua báo cáo tình hình triển khai thực hiện các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông thôn, nông nghiệp (theo Nghị định số 41/2010/NĐ-CP); chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp (Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg); chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (Nghị định số 210/2013/NĐ-CP); chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng mẫu lớn (Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg) và chính sách dồn điền đổi thửa (Quyết định số 34/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh).
 
Qua đó, các đại biểu tham dự cuộc họp đã cùng thảo luận để tìm các giải pháp triển khai thực hiện tốt các chính sách liên quan đến tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.
 
Đẩy mạnh đẩy mạnh triển khai thực hiện các chính sách phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn sẽ góp phần nâng  cao thu nhập của người dân
Đẩy mạnh triển khai thực hiện các chính sách phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn sẽ góp phần nâng cao thu nhập của người dân.
 
Riêng đối với chương trình tín dụng nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhánh tỉnh Quảng Ngãi, hiện nay, chương trình tín dụng nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh có 8/19 Chi nhánh Ngân hàng thương mại và 13/13 Quỹ tín dụng nhân dân triển khai thực hiện. Trong đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn giữ vai trò chủ lực, với số dư nợ cho vay chiếm trên 65%. 
 
Tính đến cuối tháng 1.2015, dư nợ cho vay theo Nghị định số 41/2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn là 6.112 tỷ đồng. Tổng số khách hàng còn dư nợ là 174.338 tổ chức, hộ gia đình và cá nhân. 
 
Đối với cho vay theo Quyết định số 68/2013 của Thủ tướng về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, chi nhánh Quảng Ngãi (Vietcombank) đã cho 6 hộ vay, với tổng số dự nợ 666 triệu đồng. 
 
Theo đánh giá, việc cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 41 có ý nghĩa thiết thực. Đây là kênh chuyển tải vốn đầu tư rất hiệu quả, tháo gỡ ách tắc trong tiếp cận nguồn vốn, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Tuy nhiên, việc cho vay ở các địa phương có lúc, có nơi chưa đồng bộ. Thủ tục vay còn rườm rà, sản xuất nông nghiệp của tỉnh còn nhỏ lẻ, manh mún. Số lượng khách hàng cho vay khá lớn, địa bàn đi lại khó khăn. Việc theo dõi, kiểm tra sử dụng vốn vay còn nhiều hạn chế nên dễ phát sinh nợ xấu. 
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ phát biểu tại buổi lảm việc
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ phát biểu tại buổi lảm việc
 
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ cho rằng, đây là những chính sách quan trọng liên quan đến việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh theo hướng hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, làm tiền đề xây dựng nông thôn mới của tỉnh trong thời gian tới.
 
Mặc dù thời gian qua việc triển khai thực hiện các chính sách trên đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên việc phối hợp triển khai thực hiện các chính sách phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn vẫn chưa đồng bộ, còn nhiều tồn tại, hạn chế. 
 
Trong thời gian đến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở ngành, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách trên, đặc biệt là các chính sách liên quan đến đầu tư phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân; đồng thời phối hợp với các ngân hàng, tổ chức tín dụng đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các hộ dân, tổ chức, doanh nghiệp biết và tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
 
Bên cạnh đó, các tổ chức Hội, đoàn thể cần phát huy vai trò của mình trong việc thực hiện tín chấp đảm bảo cho một số đối tượng khách hàng tại địa bàn nông thôn được vay vốn; hướng dẫn các hộ dân, tổ chức, doanh nghiệp lập các dự án phát triển sản xuất theo quy định của các ngân hàng thương mại để được vay vốn.
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh phối hợp với UBND các huyện, thành phố, các Hội đoàn thể các cấp tăng cường thực hiện việc hướng dẫn cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo hướng rõ ràng, minh bạch và thủ tục đơn giản, tạo điều kiện cho khách hàng dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay; mở rộng mạng lưới tín dụng tại vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn; tư vấn hướng dẫn các hộ dân, tổ chức, doanh nghiệp lập phương án, dự án sản xuất kinh doanh để được vay vốn kịp thời phục vụ đầu tư sản xuất.
 
Tin, ảnh: N.Đức

.