Để doanh nghiệp Quảng Ngãi lớn mạnh

07:01, 31/01/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi đang bứt phá vươn lên trên con đường phát triển. Quy mô nền kinh tế của tỉnh không ngừng lớn mạnh. Thế nhưng cộng đồng doanh nghiệp Quảng Ngãi lại tiến với bước đi rất chậm.

Quảng Ngãi hiện có khoảng 4.000 doanh nghiệp, nhưng số doanh nghiệp lớn chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Chỉ làm thầu phụ

Ngoài Công ty CP Đường Quảng Ngãi, Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Thiên Tân, PTSC Quảng Ngãi... có “sức vóc”, phần lớn các doanh nghiệp còn lại đều là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí là rất nhỏ. Trong khi đó, các doanh nghiệp rất lớn đứng chân trên địa bàn tỉnh như Công ty TNHH Lọc Hóa dầu Bình Sơn lại thuộc Tập đoàn Dầu khí hay Công ty TNHH Công nghiệp nặng Doosan Việt Nam thuộc Tập đoàn Doosan (Hàn Quốc).

Doanh nghiệp quy mô lớn ở Quảng Ngãi phần lớn là doanh nghiệp trung ương đứng trên địa bàn và doanh nghiệp FDI. Trong ảnh: Sản xuất thiết bị lọc nước biển xuất khẩu ở Doosan Vina.                    Ảnh: H.HÀ
Doanh nghiệp quy mô lớn ở Quảng Ngãi phần lớn là doanh nghiệp trung ương đứng trên địa bàn và doanh nghiệp FDI. Trong ảnh: Sản xuất thiết bị lọc nước biển xuất khẩu ở Doosan Vina. Ảnh: H.HÀ


Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp, để tránh sự phụ thuộc quá lớn vào những doanh nghiệp trung ương đứng chân trên địa bàn hay doanh nghiệp FDI, tỉnh cần có định hướng và sự hỗ trợ nhất định để cộng đồng doanh nghiệp Quảng Ngãi từng bước vươn lên. Bởi tỉnh muốn phát triển bền vững thì doanh nghiệp trong tỉnh phải phát triển.

Trong số các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, số doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng chiếm tỷ lệ lớn, nhưng tiềm lực tài chính và năng lực quản lý… còn rất yếu. Ông Đặng Văn Minh - Giám đốc Sở GTVT thẳng thắn, trong lĩnh vực xây dựng hiện nay tỉnh chưa có doanh nghiệp đầu đàn, phần lớn chỉ đi làm nhà thầu phụ. Do vậy, tỉnh cần có định hướng, sắp xếp để hình thành doanh nghiệp xây dựng đủ mạnh, có đủ nguồn lực để nâng sức cạnh tranh, để từ đó tham gia thực hiện những công trình quan trọng của tỉnh.

Là một trong số ít những doanh nghiệp lớn mạnh qua quá trình tham gia xây dựng NMLD Dung Quất, Công ty Cổ phần Dịch vụ Dầu khí (PTSC) Quảng Ngãi hiện đang tham gia xây dựng nhiều dự án lớn trong tỉnh và trong nước. Ông Phạm Văn Hùng Giám - đốc Công ty PTSC Quảng Ngãi chia sẻ, ngoài sự nỗ lực vươn lên của mỗi doanh nghiệp thì vấn đề quan trọng nữa là tỉnh cần làm cầu nối cho doanh nghiệp tỉnh nhà với các chủ đầu tư, các tổng thầu lớn để các doanh nghiệp Quảng Ngãi tham gia, trưởng thành và phát triển.

Hỗ trợ để phát triển-cần sự hành động

Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển là nhiệm vụ hàng đầu. Đó là thông điệp được Chủ tịch UBND tỉnh Lê Viết Chữ nhắc lại nhiều lần trong Hội nghị triển khai kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh năm 2015, cũng như trong các chuyến thăm, làm việc với các ngân hàng, các cơ quan quản lý tài chính trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, trong thời gian tới sẽ tổ chức những cuộc gặp gỡ, đối thoại theo từng chuyên ngành mới giải quyết rốt ráo những vấn đề mà doanh nghiệp cần. Trước mắt là tổ chức các hoạt động kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình có dự án tốt tiếp cận nguồn vốn tín dụng để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, đổi mới công nghệ tiên tiến, mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng.

Cùng với đó là tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, Kho bạc Nhà nước theo hướng tạo thuận lợi ở mức cao nhất cho doanh nghiệp, người nộp thuế; rút ngắn thấp nhất số giờ nộp thuế, làm thủ tục hải quan…
Quảng Ngãi đang đứng trước thời cơ mới để phát triển nhanh hơn khi làn sóng đầu tư thứ 2 vào Dung Quất. Với rất nhiều dự án quy mô lớn được triển khai, cơ hội làm ăn trên rất nhiều lĩnh vực sẽ được mở ra. Đây là cơ hội lớn để doanh nghiệp tỉnh nhà phát triển.

Bên cạnh việc tháo gỡ cơ chế, chính sách và tiếp tục cải cách tạo ra môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, doanh nghiệp còn mong muốn được tiếp cận thông tin, chính sách từ cơ quan quản lý nhà nước một cách nhanh hơn. Tỉnh cần có chương trình, định kỳ làm việc với các Hiệp hội hoặc “mở cửa” cho đại diện của các Hội tham gia những cuộc họp hằng tháng, hàng quý để doanh nghiệp tiếp cận thông tin kinh tế-xã hội, định hướng phát triển của địa phương một cách chính thống và nhanh nhất.
         

Bài, ảnh: Hoàng Hà


 


.