Trồng lúa trên cát: Nông dân đánh cược với trời

06:10, 25/10/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Vùng cát ven biển chỉ thích hợp trồng các loại hoa màu. Nhưng vài năm trở lại đây, cây lúa đã bén rễ ở vùng cát trắng xã Đức Minh (Mộ Đức). Nhưng mỗi lần xuống giống là mỗi lần thấp thỏm bởi nếu "thiếu nước trời”, lúa sẽ cháy khô trên nền cát bỏng rát.

Phụ thuộc vào mưa

Về Đức Minh vào một ngày cuối tháng 10, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy những ruộng lúa xanh um phủ kín nền cát trắng. Ở vùng đất cát pha tưởng chừng như chỉ dành cho cây mì, cây dưa…giờ đây cũng đã trồng được cây lúa. Quỹ đất eo hẹp nên người dân ở Đức Minh trồng lúa ngay trong vườn. Ở đây, mọi khoảnh đất đều được tận dụng để gieo sạ. “Làm ruộng kiểu này khỏe lắm. Không phải xắn quần lội bùn, cũng chẳng sợ đỉa, sợ rắn. Cứ chân trần mà leo lên cát thôi”- chị Nguyễn Thị Soi ở thôn Minh Tân Nam, nói.

 

Người dân xã Đức Minh đang chăm sóc lúa trên đất cát.
Người dân xã Đức Minh đang chăm sóc lúa trên đất cát.


Từ lúc gieo sạ đến khi thu hoạch, trung bình mỗi sào ruộng, người nông dân bỏ ra từ 300 - 500 nghìn đồng. Ruộng ngay trong vườn nhà, đỡ nhọc công chăm sóc nên mặc dù phải phụ thuộc vào nguồn nước mưa, nhưng nhiều người vẫn chấp nhận bỏ vốn để xuống giống. Việc trồng lúa trên cát vào mùa mưa tưởng chừng như chỉ để khỏi bỏ phí đất.  Nhưng gặp những năm thời tiết thuận lợi, bà con nông dân có thể thu về đến 50 tạ/ha. Là một trong những hộ có diện tích lúa trên cát lớn nhất nhì thôn Minh Tân Bắc, mỗi năm gia đình anh Phạm Lập thuê thêm diện tích và đầu tư gieo sạ hơn 6 sào. Theo anh Lập, do đất cát nghèo dinh dưỡng, nên để lúa phát triển tốt, phải rất chú trọng khâu bón phân.

Lắm rủi ro

Năm 2012, hơn 150 ha lúa trên cát của hàng trăm nông dân xã Đức Minh bị “cháy khô” vì thiếu nước. Việc trồng trọt phụ thuộc vào nước mưa, nên bà con nông dân nơi đây chỉ còn biết “trông trời, trông đất, trông mây”… Mới vừa thất thu thế  mà năm nay bà con vẫn tiếp tục gieo sạ với tổng diện tích gần 100ha.

Bà Nguyễn Thị Nở gieo sạ lúa vụ đông trên cát đã qua 6 năm thì 4 năm có thu hoạch, 2 năm mất trắng. Có năm trời hạn, lúa quắt lại nên cũng chẳng thể cắt về cho bò, nhưng bà Nở vẫn tiếp tục gắn bó với cây lúa vụ đông. Bởi theo bà, chi phí sản xuất bỏ ra thấp, chủ yếu lấy công làm lời nên thà chấp nhận rủi ro còn hơn bỏ hoang đất. “Năm nào trời cho thì gặt, trời lấy lại thì đành chịu thôi”- bà Nở chân chất nói.

“Việc trồng lúa vào vụ đông giúp ích rất nhiều cho bà con trong việc cải tạo đất cho vụ sau. Nhưng vì trồng trên cát, lại không chủ động được nước tưới nên bà con phải phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời”, ông Võ Minh Quang- Phó Chủ tịch UBND xã Đức Minh cho hay.

Lắm chông chênh khi trông chờ vào thời tiết, nhưng người dân vẫn trồng lúa trên cát của mình. Bởi đối với họ, quãng thời gian chưa trồng được lúa trên cát, phải dùng mì để đổi lấy lúa ăn cứ khắc khoải mãi trong tiềm thức…


Bài, ảnh: Ý THU
 


.