Mì đầu mùa đã “ế”

07:10, 03/10/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- “Lượng mì thu hoạch quá nhiều, trong khi năng lực thu mua của nhà máy có hạn. Tình trạng này năm nào cũng diễn ra, nhưng năm nay ngay đầu vụ đã gặp rồi”, ông Đồng Văn Lập- Giám đốc Nhà máy mì Sơn Hải nói.

TIN LIÊN QUAN

Mỗi ngày “thừa” hàng trăm tấn mì

Sáng 24.9, hàng trăm hộ dân xã Sơn Kỳ (Sơn Hà) có dịp được tỏ bày bức xúc với ông Đồng Văn Lập – Giám đốc Nhà máy mì Sơn Hải về việc mì nhổ rồi chờ mãi chẳng được nhà máy thu mua, khiến chất lượng củ tụt giảm, thiệt hại không nhỏ cho nông dân. Ông Đồng Văn Lập thẳng thắn thừa nhận rằng: “Năng lực thu mua của nhà máy chỉ 400 tấn/ngày, trong khi mỗi ngày người dân chở tới bán hàng ngàn tấn nên ứ đọng là điều không thể tránh khỏi”. Ông Lập cũng cho biết thêm: Thông thường thì thời điểm từ tháng 10 năm trước đến tháng 2 năm sau mới xảy ra chuyện mì sau khi thu hoạch bị ứ đọng nhưng năm nay ngay đầu vụ đã diễn ra rồi.

 

Mì ứ đọng khá nhiều nhưng nông dân vẫn ồ ạt thu hoạch.
Mì ứ đọng khá nhiều nhưng nông dân vẫn ồ ạt thu hoạch.


Chúng tôi có mặt tại cổng Nhà máy mì Sơn Hải khi cơn mưa chiều vừa tạnh. Những chiếc xe trọng tải hơn chục tấn từ từ tiến về nhà máy. Từng tốp người buồn bã kéo nhau rời khỏi quầy phát phiếu vì không được nhà máy cấp phiếu cân mì. Người phụ nữ trung niên quê Sơn Thủy – là bạn hàng lâu năm của nhà máy cho biết: “Chở mì đến đây đã 3 hôm, nay mới được cấp phiếu, nhưng 3 ngày nữa mới đến lượt cân. Trời mưa nhổ vội, nay lại phải nằm chờ thêm cả tuần, chắc là mì sẽ hư nhiều”. Kém may mắn hơn, nhiều thương lái có 3 – 5 xe mì nhưng chờ cả tuần nhà máy mới phát phiếu, nhưng lại phát theo kiểu cứ vài ngày mới phát phiếu cân 1 xe. Người bán đôi khi phải ăn nằm ngoài cổng nhà máy 10 đến 15 ngày mới bán được hết số mì đã chở tới.

Cần cái bắt tay của “hai nhà”

Tại buổi đối thoại về vấn đề thu mua mì của nông dân Sơn Kỳ, ông Đồng Văn Lập – Giám đốc nhà máy thẳng thẳn tuyên bố: “Nhà máy không ủng hộ việc nông dân tự ý tăng diện tích, dẫn đến sản lượng vượt quá xa nhu cầu thu mua của nhà máy”.

Theo thống kê của UBND huyện Sơn Hà, hiện nay trên địa bàn huyện có hơn 5.300 ha mì và diện tích này tăng lên hằng năm. Không thể phủ nhận cây mì đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế địa phương, thu nhập giúp nhiều hộ dân thoát nghèo. Thế nhưng việc phát triển ồ ạt diện tích mì đã làm mất cân đối cung – cầu. Đã vậy, với tư duy “họ trồng mình cũng trồng” dẫn đến mì “chín” cùng một lúc. Và rồi “họ nhổ mình nhổ” ùn ùn chở về nhà máy. Trong khi nhà máy thì chưa sẵn sàng nâng công suất hoạt động, tăng sản lượng thu mua. Hậu quả là mì lắm lúc xuống giá đột ngột nhưng nông dân vẫn buộc phải bán. Mì đã nhổ lên khỏi mặt đất giá nào cũng bán, bán càng nhanh càng đỡ… lỗ. Vậy nên chuyện mì thu hoạch rồi “khó” bán một phần lỗi thuộc về những người trồng mì.

Xe chở mì nối đuôi nhau trước cổng Nhà máy mì Sơn Hải.
Xe chở mì nối đuôi nhau trước cổng Nhà máy mì Sơn Hải.


Thực hiện quy hoạch vùng nguyên liệu, Nhà máy mì Sơn Hải đã tổ chức ký kết bao tiêu sản phẩm mì sau khi thu hoạch với hàng ngàn hộ dân Sơn Hà. Mặc dù nhà máy đã nỗ lực để thực hiện phương án “có hợp đồng hay không hợp đồng bao tiêu với nhà máy” thì đều được đối xử bình đẳng trong phát phiếu cân mì. Nhà máy còn thiết lập “đường dây nóng” để tiếp nhận thông tin có tiêu cực hay không trong phát phiếu cân mì. Nhưng những người bán mì, đặc biệt là thương lái lại bảo “chẳng ai dại làm chuyện ấy”.

Vì thế chuyện mì ứ đọng, cấp phiếu cân mì chưa kịp thời, xác định độ tinh bột của củ mì làm căn cứ tính giá bán chưa chính xác, công bằng mãi cứ lùng bùng, xôn xao trong dân. Còn cán bộ nào tiêu cực, cố tình gây khó khăn, vòi vĩnh, yêu sách chung chi thì không thông tin chính thức, không có cơ sở, chứng cứ cụ thể xử lý. “Mong nhân dân phối hợp cùng giám sát để không xảy ra trường hợp cán bộ cố tình làm thiệt hại quyền lợi người trồng mì” – ông Đồng Văn Lập đề nghị.

Năng suất, diện tích cây mì ở Sơn Hà không ngừng gia tăng, với năng suất hơn 1 tấn/sào, độ tinh bột từ 25% đến 28%; đặc biệt là mì từ “mô hình trồng mì phủ bạt” do nhà máy đầu tư. Đó là một tin vui. Thế nhưng niềm vui ấy của cả “hai nhà”: Nhà máy và nhà nông lại không trọn vẹn. Nhà nông thì trách nhà máy “hững hờ”, còn nhà máy thì cho rằng mì “ế” là do dân tự phát tăng diện tích, sản lượng. Trong khi đó sự sống còn của cây mì, của nhà máy trên đất Sơn Hà không ai khác chính là nhà máy và người trồng mì quyết định. Sự hợp tác của “hai nhà” trong thời điểm này là rất cần thiết, để niềm vui từ cây mì mãi trụ vững với vùng cao gian khó Sơn Hà.
        

Bài, ảnh: THANH NHỊ
 


.