Nơi ngư dân muốn ra khơi phải đón... xe khách

03:09, 13/09/2013
.

(Baoquangngai.vn)- Ngư dân ra khơi sao không đi bằng tàu thuyền mà lại bằng... xe khách? Thoạt nghe có vẻ vô lý, thế nhưng đó vấn đề đang diễn ra nhiều năm nay của hàng trăm ngư dân xã Phổ Thạnh (Đức Phổ).

TIN LIÊN QUAN

Cửa biển Sa Huỳnh thường xuyên bị bồi lấp khiến những tàu có công suất lớn không thể ra vào cảng neo đậu được, đành phải neo đậu nhờ ở những cảng neo đậu nơi khác. Vì thế, trước và sau khi ra khơi, ngư dân  phải đón xe khách hoặc thuê xe ô tô để đi và đến nơi neo đậu tàu khi trở về nhà nghỉ ngơi sau chuyến đánh bắt dài ngày trên biển.


Tàu cá cũng... ly hương

Là một trong những địa phương có số lượng tàu thuyền đánh bắt xa bờ thuộc dạng hùng hậu nhất tỉnh Quảng Ngãi. Để đáp ứng nhu cầu vươn khơi bám biển dài ngày, thời gian qua các đội tàu đánh bắt hải sản ở xã Phổ Thạnh đang được đầu tư phát triển mạnh theo hướng hiện đại hóa.

Theo thống kê của UBND xã Phổ Thạnh, hiện Phổ Thạnh có số lượng tàu cá lên đến 940 chiếc, với tổng công suất khoảng 168.000 CV. Trong đó loại phương tiện phục vụ cho đánh bắt xa bờ có công suất từ 90-500 CV trên 640 chiếc. Tuy nhiên, với số lượng tàu có công suất lớn được đầu tư hiện đại này lại phải loay hoay tìm chỗ neo đậu ở những nơi khác, vì cửa biển ở quê thường xuyên bị bồi lắng không vào được.

Trở về sau chuyến ra khơi dài ngày trên biển, ngư dân Phạm Minh Hiếu ở thôn Thạch Bi 2, xã Phổ Thạnh cùng với nhiều ngư dân khác tranh thủ nghỉ ngơi vài ngày để tiếp tục đón xe khách ra Đà Nẵng chuẩn bị cho chuyến ra khơi tiếp theo. Dù nhà ở ngay sát cảng Sa Huỳnh, thế nhưng bao lâu nay anh đành phải neo đậu con tàu tiền tỷ của mình ở nơi cách xa nhà hàng trăm cây số.

"Cửa biển bồi lấp không ra vào được, nên ngư dân chúng đành chấp nhận neo đậu nhờ ở nơi khác dù chi phí xăng dầu, bến bãi rất tốn kém. Sau mỗi chuyến ra khơi, chúng tôi đưa tàu vào cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng) để bán hải sản và neo đậu ở âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng) rồi đón xe khách trở về nhà nghỉ ngơi, sau đó tiếp tục đón xe ra Đà Nẵng để ra khơi"- ngư dân Phạm Minh Hiếu kể hành trình ra khơi của mình với chúng tôi.

 

Ngư dân Đức Phổ neo trú tàu tại Cảng Tịnh Hòa đưa lưới lên tàu chuẩn bị ra khơi
Ngư dân Đức Phổ neo trú tàu tại cảng Tịnh Hòa đưa lưới lên tàu chuẩn bị ra khơi

 

Anh Hiếu nói như than, việc neo tàu xa nhà rất tốn kém, không chỉ việc sinh hoạt, ăn ở, chi phí đi lại mà còn khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa và ngư lưới cụ... trong khi đó giá cả hải sản bấp bênh, tiền xăng dầu tăng cao, phí tổn lớn, nhiều chuyến ra khơi chúng tôi ra lỗ cả tổn.

Cũng chung cảnh ngộ với anh Hiếu, sở hữu đôi tàu cá công suất trên 300CV chuyên hành nghề đánh bắt cá ngừ đại dương, thế nhưng hầu như ngư dân Nguyễn Văn Hải ở thôn Thạch Bi 1, xã Phổ Thạnh không thể đưa tàu về neo đậu ở cảng Sa Huỳnh mà phải vào neo tàu nhờ ở cảng Tịnh Hòa (Sơn Tịnh).

"Mỗi lần ra khơi hay về nhà là hơn 10 anh em trên tàu thuê chiếc xe ô tô 12 chỗ để chở và vận chuyển đồ đạc. Mỗi chuyến đi như vậy tốn hơn cả triệu đồng, đấy là chưa kể tiền thuê người trông coi tàu hộ. Dù tốn kém, nhưng chúng tôi phải đành chấp nhận, chứ chẳng biết neo đậu ở đâu. " - anh Hải cho hay.

Theo anh Hải, cùng chọn cảng Tịnh Hòa làm "nhà" cho con tàu tiền tỷ của mình có gần 100 tàu thuyền của ngư dân Sa Huỳnh. Những ngày bình thường thì neo đậu còn dễ, chứ những ngày biển động, lượng tàu thuyền vào trú lớn, việc chọn được nơi neo đậu an toàn rất khó khăn, nhiều lúc cảng neo đậu quá tải.

 

Cửa biển Sa Huỳnh thường xuyên bị bồi lấp, khiến tàu gặp khó khăn khi ra vào cảng cá Sa Huỳnh
Cửa biển Sa Huỳnh thường xuyên bị bồi lấp, khiến tàu gặp khó khăn khi ra vào cảng cá Sa Huỳnh.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Hiển- Chủ nhiệm HTX dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ Phổ Thạnh bức xúc: Bà con ngư dân chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, tiếng là xây dựng cảng cá hàng chục tỷ đồng thế nhưng hầu hết tàu thuyền có công suất lớn của bà con ngư dân ở đây phải neo đậu ở các nơi khác trong tỉnh, thậm chí nhiều tàu phải neo đậu nhờ ở tỉnh bạn như: Quảng Bình, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu, vì không vào được cửa biển.  

"Khát" bến trong mùa mưa bão

Dẫn chúng tôi đi dọc nơi cửa biển, chỉ mảnh gỗ vỡ còn sót lại của những con tàu gặp nạn nơi cửa biển, ông Hiển xót xa, với tình trạng bị bồi lấp ngày càng nhiều, việc ra vào cửa biển của tàu thuyền rất khó khăn. Đã có hơn 60 con tàu trở thành nạn nhân của cửa biển này, gây thiệt hại rất lớn tài sản của ngư dân.

"Với ngư dân, ngoài ngôi nhà thì tàu cá là một khối tài sản lớn, trị giá vài trăm triệu đến cả tỷ đồng và là phương tiện giúp họ mưu sinh nuôi sống gia đình, thế nhưng những tai nạn đáng tiếc này làm tàu thuyền hư hại khiến không ít ngư dân trắng tay"- ông Hiển tâm sự.
 
Cùng đi với chúng tôi ra cửa biển, ngư dân Lê Thanh Viễn ở thôn Thạch Bi 1 chia sẻ, toàn xã có hàng trăm tàu thuyền thế nhưng số lượng vào neo đậu tại cảng chỉ khoảng vài chục chiếc dưới 90CV. Những tàu từ 90CV trở lên muốn ra vào cửa biển để bán cá, tiếp nhiên liệu, lương thực thực phẩm phải canh lúc thủy triều lên mới dám vào. "Số tàu cập cảng Sa Huỳnh ngày một ít dần, các dịch vụ hậu cần cho nghề khai thác hải sản tại đây cũng đìu hiu trông thấy"- giọng anh Viễn chùng xuống.
 
 
Những mảnh gỗ của các con tàu gặp nạn khi vào cửa biển
Những mảnh gỗ của các con tàu gặp nạn khi vào cửa biển.
 
 
"Điều khiến chúng tôi lo ngại nhất là cửa biển bị bồi lấp, vào tránh trú bão chẳng may bị mắc cạn, sóng đánh vỡ tàu thì chúng tôi sẽ thành người tay trắng nên mỗi mùa mưa bão là ngư dân chúng tôi đứng ngồi không yên, vì phải lo tìm chỗ neo đậu. Chẳng có cách nào khác, để bảo vệ tài sản của mình, chúng tôi phải "tùy nghi di tản". Rất ít tàu thuyền vào cập cảng quê, mà hầu hết ngư dân phải đưa tàu đến những cảng nơi khác neo đậu với bao nhiêu việc phức tạp và tốn kém"- ngư dân Lê Thanh Viễn cho hay.
 
"Lâu nay, ngư dân chúng tôi rất bức xúc trước tình trạng cửa biển bị bồi lấp, rất mong ngành chức năng và chính quyền ngoài việc đầu tư nguồn kinh phí lớn, phải có biện pháp hiệu quả đối với việc khơi thông, nạo vét luồng lạch ra vào cảng, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân khi hành nghề trên biển và phát triển kinh tế địa phương, không còn phải phải neo đậu bến "người" "- ông Phan Hiển- Chủ nhiệm HTX dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ Phổ Thạnh mong muốn.



Bài, ảnh: Bảo Ngọc


.