Giã cào bay trong vùng cấm

06:06, 30/06/2013
.

(QNg)- Thời gian gần đây, nhiều tàu công suất lớn với nghề giã cào bất chấp quy định của Nhà nước đã lấn sát vào bờ để khai thác. Tình trạng này không chỉ gây thiệt hại tài sản của ngư dân ven bờ mà có nguy cơ tận diệt nguồn lợi thủy sản, đe dọa nguồn sống của một bộ phận dân cư ven biển.

TIN LIÊN QUAN


Một khi những chiếc giã cào từng cặp một quét qua thì những chiếc lưới mỏng manh của ngư dân ven bờ bị cuốn mất, hoặc là bị xé rách. Bức xúc trước kiểu làm ăn "tận diệt" đó, một số ngư dân ven bờ đã tìm cách “trả đũa” các tàu giã cào bằng những hành động liều lĩnh và nguy hiểm.

Ngư dân hành nghề ven bờ "bị cướp"

Bãi biển Đức Minh (Mộ Đức) những ngày này có hàng chục chiếc ghe nhỏ của ngư dân nằm ngổn ngang dọc bờ cát. Sau một đêm thả lưới cách bờ chừng một cây số, ông Nguyễn Đức Bút ở khu dân cư 13, thôn Minh Tân Nam) thu về là những đống lưới rách nát. Ngồi buồn rầu bên đống lưới mang từ biển về, ông Bút bức xúc: “Tôi đã để đèn chớp trên phao ra hiệu cho họ tránh mà họ không thèm tránh. Từ Tết đến giờ, tôi đã mất 6 bộ lưới và gần chục bộ lưới khác bị rách, tốn hơn chục triệu đồng rồi”. Cũng theo ông Bút, ở đây hầu như ai làm nghề này cũng đều bị mất lưới thường xuyên do giã cào gây ra. Mấy tháng nay, cả chục đôi giã cào vào vùng biển này đánh bắt liên tục.

 

 Ngư dân ven bờ đang gặp khó khăn bởi tàu giã cào khai thác gần bờ.
Ngư dân ven bờ đang gặp khó khăn bởi tàu giã cào khai thác gần bờ.


Ở vùng biển bãi ngang Bình Hải (Bình Sơn) cũng có hàng trăm ngư dân sinh sống bằng nghề đánh bắt ven bờ đang bị ngư dân hành nghề giã cào uy hiếp. Biết chúng tôi tìm hiểu vấn nạn này, hàng chục ngư dân đã vây quanh để kể tội những chiếc giã cào gây thiệt hại cho họ. Ông Hồ Ngọc Cảnh, một ngư dân nơi đây cho biết, tàu họ lớn, họ cào cả đôi thì mình chỉ còn cách treo lưới bỏ nghề mà thôi. "Dân nghèo chúng tôi mong cơ quan chức năng can thiệp để chúng tôi còn có cái mà sinh sống"- ông Cảnh đề nghị.

Không chỉ vi phạm trong vùng biển trong tỉnh mà tàu cá hành nghề giã cào ở tỉnh ta còn ra vùng biển Quảng Nam khai thác. Ngày 5/6 vừa qua, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam đã bắt giữ đôi tàu giã cào QNg 92023TS và QNg 92618TS có công suất trên 300CV của ông Võ Hết ở xã Nghĩa An (Tư Nghĩa) khi đánh bắt hải sản trên khu vực sát bờ biển tỉnh này. Ông Võ Văn Bèo Em - thuyền trưởng tàu cá QNg 92023TS chống chế về hành vi vi phạm của mình khi bị bắt giữ: “Khi bị bắt thì mới biết mình vi phạm chớ từ trước đến giờ có biết đến quy định này đâu”. Tuy nhiên, khi nói về việc tàu của mình đã phá hoại ngư cụ của ngư dân ven bờ thì ông này lặng thinh.

Bức quá hóa liều

 Việc một số ngư dân hành nghề giã cào bay gây thiệt hại cho ngư dân hành nghề ven bờ đã diễn ra nhiều năm nay. Nhiều người không chịu nổi cách làm ăn theo kiểu tận diệt đó nên đã tìm cách tấn công những người hành nghề giã cào bay bằng thuốc nổ.

Tháng 4/2010, tàu giã cào bay của ông Phạm Tân ở xóm Khê Tân, xã Tịnh Khê (Sơn Tịnh) bị một số người lạ mặt đi thuyền nan tấn công bằng thuốc nổ. Đến tháng 6/2010, tàu giã cào của ông Võ Mạnh ở cùng xã với ông Tân cũng bị tấn công bằng thuốc nổ 2 lần. Tiếp đến, hơn một tháng sau, chiếc tàu hành nghề giã cào của ngư dân Võ Văn Tuy ở xã Tịnh Khê (Sơn Tịnh) cũng bị tấn công bằng thuốc nổ vào tối 25/7/2010.

Anh Tuy kể: Khi tôi cùng với 2 ngư dân đang đánh giã cào ven bờ tại biển xã Đức Minh thì xuất hiện 2 chiếc thuyền nan cùng 7 người lao đến ném đá vào tàu. Sau đó 1 thuyền nan áp sát mạn tàu và 1 đối tượng nhảy lên dùng thuốc nổ nhét vào khe cửa ca bin. Rất may là khe cửa hẹp nên quả thuốc nổ không lọt vào bên trong, mà rớt ra ngoài và phát nổ. Ba người trên tàu thoát chết nhưng chiếc tàu trị giá trên 200 triệu đồng của anh thì bị chìm. Qua điều tra, lực lượng chức năng Quảng Ngãi đã bắt và xử lý 7 người. Họ đều là ngư dân đánh bắt ven bờ ở xã Đức Chánh. Nguyên nhân của vụ việc trên là do họ quá bức xúc vì nhiều lần bị các tàu làm nghề giã cào làm mất lưới đánh cá của mình.  

Khó xử lý

Theo Nghị định số 33/CP/2010 của Chính phủ về quản lý các hoạt động khai thác thủy sản thì những tàu cá có công suất từ 90CV trở lên không được khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng lộng... Tuy nhiên, do đánh bắt ven bờ ít chi phí đầu tư nên những đội tàu giã cào vẫn bất chấp. Tiếc rằng, việc xử lý, ngăn chặn vấn nạn này hầu như chưa được các cơ quan chức năng thực hiện một cách kiên quyết.
 

Theo thống kê của Chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Ngãi thì hiện nay cả tỉnh có khoảng 1.000 tàu thuyền công suất lớn hành nghề giã cào. Một bộ phận trong số này thường xuyên lén lút, bất chấp quy định tiến vào khu vực gần bờ để khai thác.

Ông Võ Nhân – Phó Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức cho biết, nhiều năm nay, ngư dân ven bờ trong huyện liên tục phản ảnh tình trạng giã cào cuốn mất lưới của họ. Chúng tôi đã chỉ đạo các địa phương ven biển phối hợp với Đồn biên phòng Đức Minh tiến hành kiểm tra xử lý. Tuy nhiên, việc này hết sức khó khăn, do vùng biển bãi ngang nên các tàu giã cào mặc sức đánh bắt vì mình không có phương tiện để đuổi theo kiểm tra, xử lý.

Thực tế, việc xử lý tàu giã cào đánh bắt sai tuyến rất khó khăn do lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ nguồn lợi thủy sản không có phương tiện trên biển để tuần tra, xử lý trực tiếp những tàu cá vi phạm. Thượng úy Trần Đình Ngọc - Trạm trưởng Trạm kiểm soát Biên phòng Sa Kỳ cho biết, trước khi xuất lệnh cho các tàu, chúng tôi đều nhắc nhở, tuy nhiên, khi ra biển thì không thể kiểm soát được, nhiều tàu lén lút khai thác gần bờ. "Trước đây, vùng biển trong tỉnh có tàu kiểm ngư nên tình trạng tàu công suất lớn vi phạm tuyến đánh bắt rất ít. Mấy năm nay tàu này không sử dụng nữa nên ngư dân hành nghề giã cào ngày càng phổ biến. Hơn nữa việc xử phạt thuộc thẩm quyền của Thanh tra Sở NN&PTNT nên chúng tôi chỉ phối hợp và đề nghị cấp trên có biện pháp xử lý, ngăn chặn"- ông Nguyễn Văn Mười – Trưởng Phòng khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Chi Cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Ngãi) cho biết.
 
Nếu ngành chức năng không sớm có biện pháp ngăn chặn quyết liệt tình trạng trên, thì trong tương lai không xa sẽ dẫn đến cạn kiệt nguồn thủy sản, đe dọa môi trường tự nhiên ven bờ, ảnh hưởng đến đời sống của một bộ phận ngư dân với nghề đánh bắt ven bờ ở các xã bãi ngang ven biển tỉnh ta.


Bài, ảnh: XUÂN THIÊN
 


.