Nghề... "rỗi" trên cảng Sa Kỳ

02:10, 16/10/2011
.

(QNĐT)- Có thể chẳng ai xem đó là cái nghề. Nhưng với hàng trăm phụ nữ có chồng đi biển sống xung quanh cảng Sa Kỳ (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn), thì nó lại là nghề thực thụ. Bởi quanh năm suốt tháng, những người phụ nữ đã mưu sinh với công việc làm dịch vụ hậu cần nghề cá ở đây.

Muốn kiếm tiền thì ra... cảng

Dưới trời lất phất mưa, nhưng hàng chục bóng áo mưa màu xanh, đỏ của chị em cứ chạy qua, chạy lại, làm không ngừng tay. Trời có phần hơi se lạnh, vậy mà chị Phạm Thị Ri (47 tuổi) ở thôn Định Tân, xã Bình Châu, mồ hôi vẫn ra đầy gương mặt.
 
Chuyển đá từ tàu cá lên cầu cảng
Chuyển đá từ tàu cá lên cầu cảng

"Mấy hổm rày, do bão biển miết, nên ghe tàu về bất thường. Có hồi 12 giờ đêm, có lúc 1-2 giờ sáng. Nghe tàu cá tít từng hồi te te ngoài cảng, chưa nghe chủ nậu gọi, bọn tui đã ra cảng rồi. Nếu ra chậm mà bão đến, bốc dỡ cá không kịp, cá để lâu trên tàu dễ bị ươn là khó bán lắm. Được cái, cứ làm nhiều thì có tiền nhiều". Bỏ xe đẩy cá ra một bên, chị Ri cười cho hay.

"Một ngày kiếm được bao nhiêu tiền chị?". "Cũng hổng nhiều đâu chú em ơi! Ngày nào nhiều việc thì 100.000 – 150.000 đồng, khi ít được 50.000 – 70.000 đồng".

Ngồi xuống một be thuyền, chị cho hay, chị vào nghề này được khoảng ba, bốn năm nay. Từ khi hồ nuôi tôm 5.000m2 của nhà chị làm mấy mùa thất bát, hết vốn liếng trong tay, chị Ri mới ra làm nghề trên cảng Sa Kỳ. Khi tàu ra khơi thì khiêng đá lạnh, nước giải khát, bia và lương thực, thực phẩm xuống tàu. Lúc tàu vào cảng thì cùng chị em bốc dỡ cá lên cho xe đông lạnh chở đi tiêu thụ.

Công việc nặng nhọc, "có khi còn bị chủ nậu dọa cho nghỉ việc, nhưng ở đây, không làm nghề này thì còn nghề gì nữa để sống. Mình may hơn người ta. Có người xin gia nhập vào đội làm hậu cần... gãy cả lưỡi mà không được đó em".

Hỏi chuyện anh Nguyễn Thanh Hùng –Phó Chủ tịch UBND xã Bình Châu, tôi càng rõ thêm: Thì ra, hầu hết đội quân... tóc dài làm dịch vụ hậu cần nghề cá ở đây đều có chồng đi biển quy tụ về đây. Tuy nhiên không chỉ phụ nữ trong xã mà ở nhiều xã ven biển lân cận cũng tìm về gia nhập vào.

Cách đây 7-8 năm, đội quân này tính chỉ vài chục người, nay có đến khoảng 300-400 chị em. Ngần ấy con người được chia ra khoảng 6 đội (50 người/đội). Mỗi đội phụ trách từng cầu cảng cá của từng chủ đầu nậu. Cứ thế, mỗi năm từ tháng Giêng đến tháng 9 (âm lịch), chị em phục vụ cho các con tàu cá đi -về này. Nếu mỗi chuyến hai người khiêng hai cây đá lạnh (40-45kg/cây đá), thì mỗi cây được tính từ 1.200 – 1.400 đồng.

Loanh quanh hỏi chuyện, tôi còn biết trong mấy trăm phụ nữ đang làm việc cật lực tại đây, còn có cả những bà chủ tàu bị sa cơ. Điển hình như chị Nguyễn Thị Nhung (36 tuổi), vợ chủ tàu QNg 90 028 TS là Phạm Thơ (38 tuổi) có nhà sát cảng Sa Kỳ.

"Nói thiệt với anh, vợ chồng tui có gần 5 năm sắm tàu cá đi biển, thì có đến ba lần biển không cho tui bình yên"- chị Nhung buồn buồn.

Hồi mới sắm tàu năm 2006 thì bị nước ngoài bắt giữ. Chị Nhung và chồng chạy khắp nơi để mượn và nộp phạt để anh Thơ và bạn chài được về nước. Lần thứ hai thì tai nạn biển, nhưng tàu vẫn mang về được. Vào tháng 7/2010, con thuyền và tài sản trên một tỷ đồng của vợ chồng chị Nhung đã bị bão biển đánh tan như bọt nước. "Vợ chồng giờ nợ nửa tỷ đồng. Nợ ngân hàng thì thấp, còn đầu nậu thì lãi suất có người lấy 30 – 40%/tháng, người thì "bóp" 50 – 60%/tháng đâu phải ít. Bây giờ muốn kiếm tiền là ra cảng, nếu không làm thêm, sống sao được!".
 
Mỗi nhà một cảnh

Kể ra, hầu như mỗi một phụ nữ khi ra làm ăn trên cảng Sa Kỳ, cũng có lắm trường hợp có hoàn cảnh éo le. Buổi sáng đầu tháng 10 này, khi đi quanh các cầu cảng cá, tôi bắt gặp một ánh mắt buồn buồn, suốt buổi chị không nói chuyện, mà chăm chú vào công việc. Đến trưa, khi mọi người nghỉ tay lót dạ, tôi mới hỏi chuyện được chị phụ nữ ấy. Chị tên là Đỗ Thị Kim Loan, nhà cũng ở gần cảng Sa Kỳ...
 
Chuyển cá vào xe đông lạnh
Chuyển cá vào xe đông lạnh.

Ngày trước, chị cũng vốn là gia đình có "của ăn của để" trong làng biển sầm uất này. Thế rồi con tàu của chồng chị - anh Đỗ Ngọc Thọ và 12 ngư dân trên tàu bị người ngoài bắt vào giữa tháng 4/2007, gia đình chị Loan xuống dốc trầm trọng. Chị phải đứng ra lo toan cho cả nhà gồm: 4 đứa con và bố, mẹ chồng đã ngoài 85 tuổi.

Nếu ngày trước chỉ lo cho con cái, chăm sóc cha mẹ già và làm nội trợ, thì từ chồng gặp nạn, chị lại ra chợ chạy vạy mua cá để bán buôn kiếm chút tiền nuôi con. Nghề mua cá không ổn định, chị Loan xoay qua xin vào đội làm dịch vụ hậu cần nghề cá trên cảng Sa Kỳ.

Thấy mẹ khổ quá, đứa con gái lớn của chị Loan học hết 12 rồi ở nhà. Còn lại 3 đứa em khác thì sau giờ học là tham gia vá lưới, nạo vây cá thuê cho người ta để kiếm tiền đỡ đần cho mẹ.

Nói là vậy nhưng khi đôi vai, hai bàn tay chị Loan chai sần thì những đứa con trong nhà chị đã dần dần trưởng thành. "Nói cho em mừng. Bây giờ một đứa làm công nhân ở KKT Dung Quất, một đang học đại học năm thứ nhất, một đứa theo người thân đi đảo Phú Quý làm ăn cũng tạm ổn". Chị Loan nói xong, đưa ống tay áo lên lau mặt.

Không biết chị lau mặt hay nước mắt. Tôi chỉ thấy mắt chị hơi đỏ lên mà thấy lòng mình xao xác...

PHẠM ANH

.