Người đam mê chế tác nỏ

04:05, 23/05/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Ông Đinh Văn Răng (59 tuổi), ở tổ dân phố Đá Bàn, thị trấn Ba Tơ (Ba Tơ), là một trong số rất ít người Hrê hiện nay biết sử dụng, chế tác nỏ. Ông Răng tích cực truyền dạy cách sử dụng nỏ cho giới trẻ để tham gia thi đấu trong các dịp lễ hội truyền thống. 
 
Kỳ công chế tác nỏ
 
Bắn nỏ là bộ môn thể thao yêu thích của Trung tá Đinh Văn Răng, nguyên là trợ lý Quân báo - Trinh sát (Ban CHQS huyện Ba Tơ). Ông Răng hiện đã về hưu và dành nhiều thời gian để bắn nỏ trong vườn nhà, rèn luyện sức khỏe. Nể phục tài bắn nỏ và chế tác nỏ của ông Răng nên người dân địa phương thường gọi ông là “vua nỏ”.
 
Ông Đinh Văn Răng hướng dẫn thanh niên địa phương về cách làm nỏ. Ảnh: Thiên Hậu
Ông Đinh Văn Răng hướng dẫn thanh niên địa phương về cách làm nỏ. Ảnh: Thiên Hậu
Nghe có khách hỏi thăm về nỏ, ông Răng mừng như gặp người có chung niềm đam mê. Ông vội vàng vào nhà lấy chiếc nỏ đang làm dở dang, say sưa giới thiệu các bộ phận và cách làm. Ông cho biết, nỏ có 4 bộ phận chính gồm bảng nỏ, dây kéo nỏ, cò nỏ và cánh nỏ. Bảng nỏ làm từ gỗ các loại cây lồng mức, mít, sơn; dây kéo nỏ làm từ cây giang rừng; cò nỏ làm từ sừng trâu; cánh nỏ làm từ cây trắc, có thể thay thế bằng cây tre, cau già. Ngoài nỏ còn có mũi tên làm từ cây lồ ô.
 
Ông Răng cho hay, trong các bộ phận làm nên chiếc nỏ thì cánh nỏ giữ vai trò quan trọng nhất. Bởi lẽ, cánh là trái tim của nỏ, tất cả sức mạnh đều hội tụ nơi đây. Người làm nỏ phải ưu tiên chọn loại gỗ tốt để cánh có độ rắn, chắc, đàn hồi cao, giữ được tính chất ổn định trong mọi điều kiện thời tiết. Cánh nỏ phải được chuốt thật thẳng, hai bên dày đồng đều để có độ xạ lực cao, mũi tên mới “xé gió” mà lao đi vun vút, trúng mục tiêu. “Trông đơn giản nhưng để làm được một chiếc nỏ tốn rất nhiều thời gian và công sức, mất cả tuần, thậm chí vài tháng. Đó là khi có sẵn nguyên liệu để làm, bằng không phải tốn thời gian cả năm. Bởi lẽ, nguyên liệu sau khi tìm về phải treo gác bếp, hong khô một thời gian dài mới mang ra làm để đảm bảo yêu cầu", ông Răng nói. 
 
Tốn nhiều thời gian, công sức nhưng mỗi lần hoàn thiện xong một chiếc nỏ theo đơn đặt hàng, ông Răng rất vui và chỉ bán "chia vốn" cho những người cùng đam mê. Tùy theo chất lượng gỗ và kích thước mà mỗi chiếc nỏ có giá từ 300 - 700 nghìn đồng.
 
Một đời đam mê
 
Ông Răng sinh ra và lớn lên tại thị trấn Di Lăng (Sơn Hà). Năm 13 tuổi, ông được cha truyền lại cách sử dụng, chế tác nỏ. Đến năm 23 tuổi, ông làm được những chiếc nỏ đầu tiên. Ông nổi danh là thợ nỏ lành nghề, tay nỏ thiện xạ. Ông Răng kể, lúc trước, chiếc nỏ là vật dụng không thể thiếu trong đời sống hằng ngày. Nhà nào cũng có một chiếc nỏ, dùng để bảo vệ mùa màng, gia đình, làng xóm trước các loài thú dữ. Ngày ấy, lúc rảnh rỗi, tôi cùng thanh niên trong làng khoác nỏ, đeo ống tên, ngược lên rừng sâu để săn thú. Đến tối trở về, trên vai ai cũng lủng lẳng đôi ba con sóc, chồn...
 
Trải qua thời gian, vị trí của nỏ đối với nhiều gia đình người Hrê không như ngày trước, nhưng với ông thì chiếc nỏ luôn gắn bó. Ông tham gia biểu diễn trong các dịp sinh hoạt cộng đồng, lễ hội địa phương, các giải thi đấu dành cho đồng bào dân tộc thiểu số trong và ngoài tỉnh. Khi sức khỏe không còn như thời trai trẻ, không thể tham gia thi đấu nhiều nơi, ông chuyển sang truyền dạy cách sử dụng và chế tác nỏ. “Với sự chỉ dạy của ông Răng, kỹ năng bắn nỏ của tôi ngày càng hoàn thiện. Tôi cũng dần học hỏi được bí quyết làm nỏ có độ chính xác cao và háo hức đến ngày được sở hữu một chiếc nỏ hoàn thiện, để trình diễn trong các dịp lễ hội", anh Đinh Văn Su (33 tuổi), dân quân tự vệ ở thị trấn Ba Tơ, chia sẻ.
 
Theo Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm TT-VH-TT huyện Ba Tơ Huỳnh Hữu Thái, bắn nỏ là bộ môn thể thao truyền thống đặc sắc, phù hợp với phong tục, tập quán, môi trường lao động nương rẫy, góp phần tăng cường sức mạnh đoàn kết dân tộc trên địa bàn. Nhiều năm qua, huyện Ba Tơ đã đưa môn bắn nỏ vào các giải phong trào từ cấp xã, huyện, tạo sân chơi bổ ích cho người dân, kịp thời phát hiện những tài năng bắn nỏ mới để giữ gìn môn thể thao truyền thống của người Hrê. Ông Răng là hạt nhân tiêu biểu, có nhiều đóng góp cho phong trào thể thao quần chúng ở địa phương, đặc biệt là truyền dạy cách sử dụng và chế tác nỏ cho thế hệ trẻ.
 
THIÊN HẬU
 
 

.