Cần sự thống nhất về chương trình đào tạo (kỳ 2)

09:11, 18/11/2021
.
[links()]
 
 
Kỳ 2: Phát sinh nhiều bất cập
 
(Báo Quảng Ngãi)- Đào tạo nghề cho học sinh (HS) sau khi tốt nghiệp THCS sẽ giúp phân luồng HS hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là lao động có tay nghề phục vụ trong các nhà máy, xí nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện đã phát sinh nhiều bất cập, đòi hỏi sự vào cuộc và thống nhất giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cũng như các bộ, ngành liên quan.
 
Học viên trường nghề đỗ tốt nghiệp THPT thấp, vì sao?
 
Ngành giáo dục khuyến khích HS không đủ khả năng theo học bậc THPT,  hay những em có hoàn cảnh gia đình khó khăn nên theo học trường nghề sau khi hoàn thành chương trình THCS. Tại các trường nghề, HS, sinh viên (SV) được học song hành 7 môn văn hóa là Ngữ văn, Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý của chương trình THPT hiện hành. Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) tỉnh đảm nhận dạy văn hóa trong các trường nghề. 
 
Tiết học văn hóa tại một trường nghề trên địa bàn tỉnh (Ảnh chụp trước 26/6/2021).                            Ảnh: T.Phương
Tiết học văn hóa tại một trường nghề trên địa bàn tỉnh (Ảnh chụp trước 26/6/2021). Ảnh: T.Phương
Để có bằng tốt nghiệp THPT, HSSV trường nghề phải tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm và thi chung đề với HS phổ thông. Tuy nhiên, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của HS trường nghề những năm qua luôn đạt thấp. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến một số HS trường nghề không muốn học văn hóa. Một HS Trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc - Quảng Ngãi chia sẻ, ngoài thời gian học nghề chúng em còn phải học văn hóa để thi tốt nghiệp THPT. Nhiều hôm mệt quá em phải nghỉ học. Vậy nên, kiến thức không đảm bảo. Một  giáo viên của Trung tâm GDTX tỉnh cho biết, nhiều hôm lên lớp, HS vắng nhiều. Có tiết học chỉ lác đác vài HS nhưng giáo viên vẫn phải giảng dạy.
 
Không có nhiều giáo viên cơ hữu nên Trung tâm GDTX tỉnh phải hợp đồng theo tiết với giáo viên các trường THPT, giáo viên mới ra trường, để đảm bảo đủ số lượng giáo viên đứng lớp dạy văn hóa tại các trường nghề, nên phần nào cũng ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy. 
 
Học văn hóa trong trường nghề là cần thiết. HSSV khi tốt nghiệp nghề có đủ điều kiện để thi lấy bằng tốt nghiệp THPT. Trường hợp HSSV không đỗ tốt nghiệp thì được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình bậc THPT hệ thường xuyên. Đây là cơ hội để các em được học liên thông lên bậc học cao hơn khi có điều kiện. Tuy nhiên, cơ chế quản lý, phối hợp thực hiện việc dạy văn hóa trong trường nghề chưa thống nhất, chưa rõ ràng dẫn đến chất lượng dạy văn hóa trong trường nghề còn thấp. Tỷ lệ HS trường nghề đỗ tốt nghiệp THPT chưa cao.
 
Hằng năm, Trường Cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất tuyển sinh bậc THCS từ 300 - 400 HS. Mặc dù học nghề tốt, nhưng nhiều em không thể tốt nghiệp THPT theo đúng kế hoạch. “Nhiều năm qua, tỷ lệ HS của trường đỗ tốt nghiệp THPT chưa tới 50%, có năm đạt dưới 20%. Đây là vấn đề trăn trở. Cái khó lớn nhất hiện nay là trường nghề không có thẩm quyền dạy văn hóa, vì vậy phải liên kết với Trung tâm GDTX tỉnh. Hiện nay, hai bên hợp đồng giảng dạy nhưng chưa có ràng buộc về chuyên môn cũng như quy chế phối hợp để nâng cao chất lượng giảng dạy, nên nhà trường không thể kiểm soát việc học văn hóa của học viên”, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ Nghệ Dung Quất Nguyễn Duy Dũng cho biết.  
 
Cơ chế quản lý và tổ chức giảng dạy chưa đảm bảo dẫn đến tình trạng học viên chểnh mảng khi học văn hóa tại các trường nghề. Theo Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm GDTX tỉnh Nguyễn Trà, phần lớn học viên trường nghề có năng lực còn hạn chế. Các em chưa có ý thức cao trong việc học tập các môn văn hóa. Trong khi đó, một bộ phận giáo viên hợp đồng năng lực hạn chế, chế độ ưu đãi chưa tương xứng nên chưa làm hết trách nhiệm trong việc đứng lớp, truyền đạt kiến thức. Từ đó chất lượng giảng dạy chưa đạt theo yêu cầu.
 
Thời gian qua, giữa Trung tâm GDTX tỉnh và các trường nghề phối hợp thực hiện việc dạy văn hóa cho HS trường nghề dựa trên các văn bản hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH và Bộ GD&ĐT. Còn tại Quảng Ngãi, hầu như các ngành chức năng không có bất kỳ văn bản hướng dẫn trong việc quản lý vấn đề học văn hóa trong trường nghề, dẫn đến nhiều vấn đề chưa có sự thống nhất.
 
Đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh
 
Những năm qua, ngành giáo dục đã có nhiều nỗ lực trong việc phân luồng HS phổ thông. Các trường chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh, HS về ý nghĩa, tầm quan trọng của giáo dục hướng nghiệp và phân luồng HS sau THCS, đồng thời định hướng chọn trường, chọn ngành nghề...
 
Nhiều trường miền núi gặp khó trong phân luồng học sinh sau THCS. Trong ảnh: Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Ba Xa (Ba Tơ) trong giờ học.                                 Ảnh: T.Phương
Nhiều trường miền núi gặp khó trong phân luồng học sinh sau THCS. Trong ảnh: Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Ba Xa (Ba Tơ) trong giờ học. Ảnh: T.Phương
Theo Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Ba Xa (Ba Tơ) Nguyễn Duy Bắc, hiện nay vẫn còn nhiều phụ huynh e ngại khi cho con học nghề. Họ vẫn muốn bằng mọi giá cho con học lên THPT dù năng lực của con hạn chế. Trước thực tế đó, nhà trường có nhiều đổi mới để phân luồng HS. Hằng năm, trường liên kết với các trường nghề để đưa HS đến trải nghiệm thực tế ngành nghề mà các em sẽ lựa chọn. Đồng thời, trường tổ chức cho HS tham gia các buổi tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu các chính sách, cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp trường nghề. Nhờ vậy, công tác phân luồng có phần khả quan nhưng vẫn chưa đảm bảo tỷ lệ theo quy định.
 
Trong nghị quyết HĐND các địa phương đều đưa chỉ tiêu phân luồng giáo dục nghề nghiệp. Thế nhưng, trên thực tế hầu như chưa có địa phương nào thực hiện đạt chỉ tiêu đề ra. Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Ngọc Thái nhận định, tỷ lệ HS tốt nghiệp THCS vào trường nghề tăng qua các năm, tuy nhiên vẫn chưa đảm bảo tỷ lệ phân luồng.
 
"Trong các năm học 2017 - 2018, 2018 - 2019, tỷ lệ HS tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 17%; đến năm học 2019 - 2020 tăng lên trên 19%. Tuy nhiên, theo kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”,  thì đến năm 2020 Quảng Ngãi phấn đấu có ít nhất 28% HS tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp. Trên thực tế, Quảng Ngãi chỉ đạt dưới 20%, chưa đảm bảo tỷ lệ theo đề án", ông Nguyễn Ngọc Thái dẫn chứng. 
 
TRỊNH PHƯƠNG  - XUÂN HIẾU
 
-------------------
Kỳ cuối: Nâng cao chất lượng dạy và học văn hóa trong trường nghề
 
 
 
 

.