Nữ chiến sĩ áo trắng trên tuyến đầu chống dịch

10:10, 20/10/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, nhiều nữ y, bác sĩ đã xông pha trên tuyến đầu. Mặc cho vất vả, hiểm nguy, các chị ngày qua ngày lặng thầm cống hiến. Nhiều chị đã mấy tháng rồi không được về nhà, chôn chặt nỗi nhớ người thân vào lòng, các chị vẫn miệt mài với công việc...
[links()]
 
Xung phong vào tâm dịch
 
Nữ sinh viên Đinh Thị Mỹ Trà (Trường Cao đẳng Y tế Đặng Thùy Trâm) lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân ở tổ 7, phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi).
Nữ sinh viên Đinh Thị Mỹ Trà (Trường Cao đẳng Y tế Đặng Thùy Trâm) lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân ở tổ 7, phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi).
Sau một ngày mệt nhoài với công việc lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, chị Lương Lê Mỹ Duyên (33 tuổi) trở về nghỉ ngơi tại khách sạn Đồng Khánh (TP.Quảng Ngãi). Đã hơn 1 tháng,  ngày nào chị Duyên cũng cùng với  các sinh viên tình nguyện Trường Cao đẳng Y tế Đặng Thùy Trâm bận rộn với việc lấy mẫu xét nghiệm, hỗ trợ vận chuyển bệnh nhân Covid-19. Họ là những tình nguyện viên (TNV) tăng cường cho Trung tâm Y tế TP.Quảng Ngãi thực hiện công tác phòng, chống dịch. Để đảm bảo an toàn, sau giờ làm việc các TNV được bố trí ăn, ở tại khách sạn.
 
“Trách nhiệm với nghề y và với cộng đồng không cho phép chúng tôi chùn bước dù công việc vất vả, hiểm nguy. Khi nào thành phố cần và người dân cần thì khi đó chúng tôi còn đóng góp sức mình".
 
Chị LƯƠNG LÊ MỸ DUYÊN
(Trường Cao đẳng Y tế Đặng Thùy Trâm) 
Chị Lương Lê Mỹ Duyên là nhóm trưởng của nhóm sinh viên tình nguyện. Sau bữa cơm tối, chị tranh thủ gọi điện thoại cho con. Cuộc trò chuyện của hai mẹ con thi thoảng lại bùi ngùi vì thương nhớ, chị Duyên cố kiềm nén cảm xúc, động viên con ở nhà ngoan ngoãn, khi nào hoàn thành nhiệm vụ mẹ sẽ trở về. 
 
Chị Duyên kể, tham gia lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 ngoài cộng đồng gặp những tình huống dở khóc, dở cười. Có người nhất quyết không cho lấy mẫu, gây khó dễ đủ đường, thậm chí nói lời bất nhã. Tuy vậy, mọi người động viên nhau cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Có lần ở xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) một người mắc bệnh tâm thần đi lang thang ngoài đường. Các TNV tìm cách lấy mẫu xét nghiệm và phải mất khá nhiều thời gian mới lấy được mẫu, kết quả người này dương tính với vi rút SARS-CoV-2. "Mọi người thở phào khi lấy được mẫu xét nghiệm của bệnh nhân tâm thần, đơn vị chức năng nhanh chóng đưa người này đi điều trị, nếu không sẽ lây lan bệnh Covid-19 cho cộng đồng. Đây cũng là kỷ niệm đáng nhớ trong những ngày tham gia chống dịch", chị Duyên bày tỏ.   
 
Dịch Covid-19 ở TP.Quảng Ngãi diễn biến phức tạp,  liên tục xuất hiện ca bệnh ngoài cộng đồng, nên các TNV phải chạy đua với thời gian để hoàn thành việc lấy mẫu, sớm khoanh vùng, kiểm soát dịch bệnh. Có những ngày, một nhóm TNV từ 2 - 4 người lấy hơn 650 mẫu. Họ làm việc đến tận khuya mới về khách sạn, lúc này cơm canh đã nguội, mệt lả người nên nhiều chị chỉ uống hộp sữa rồi ngủ thiếp đi.
 
Chúng tôi gặp Đinh Thị Mỹ Trà (sinh viên năm 2, Trường Cao đẳng Y tế Đặng Thùy Trâm) khi đang phối hợp lấy mẫu xét nghiệm cho người dân ở tổ 7, phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi). Trong bộ trang phục bảo hộ kín mít, Trà bảo: Vất vả nhưng chúng em luôn cố gắng vì tham gia chống dịch là trách nhiệm của mỗi người, nhất là sinh viên ngành y như chúng em. Trưởng khoa xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh (Trung tâm Y tế TP.Quảng Ngãi) Bùi Vạn Huynh cho biết, trong số 28 sinh viên tình nguyện của Trường Cao đẳng Y tế Đặng Thùy Trâm thì có 21 nữ, một số chị đã có gia đình, có con nhỏ. Công việc vất vả, nguy hiểm, nhưng chị em đã đặt lên trên hết trách nhiệm với cộng đồng và lương tâm của người thầy thuốc vì sức khỏe của nhân dân. 
 
Đồng hành cùng F0
 
Tại các bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn tỉnh, suốt mấy tháng qua, nhiều nữ y, bác sĩ cùng với đồng nghiệp ngày đêm chăm sóc bệnh nhân Covid-19. Họ như là người thân ruột thịt, trở thành điểm tựa của các bệnh nhân. Chị Đào Thị Cẩm Giang (40 tuổi) đã mười mấy năm làm điều dưỡng tại Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi tỉnh. Ngay từ khi bệnh viện được trưng dụng làm Bệnh viện Điều trị bệnh nhân Covid-19 tỉnh (cơ sở 2), chị Giang đã tích cực tham gia chăm sóc các bệnh nhân Covid-19. Chị Giang cho biết, mỗi đợt nhận nhiệm vụ tại bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 kéo dài khoảng 21 ngày, sau đó cách ly 7 ngày mới được về nhà thăm gia đình trong thời gian ngắn, rồi trở lại guồng quay công việc ở bệnh viện. 
 
Nhiều tháng qua, các nữ “chiến sĩ áo trắng” tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh làm việc cả ngày lẫn đêm.
Nhiều tháng qua, các nữ “chiến sĩ áo trắng” tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh làm việc cả ngày lẫn đêm.
Cũng như nhiều chị em trên tuyến đầu chống dịch, chị Giang chấp nhận xa gia đình trong thời gian dài để thực hiện nhiệm vụ. Hai con của chị Giang còn nhỏ, một cháu 2 tuổi, một cháu 6 tuổi. Chị Giang tâm sự, được chồng chia sẻ, động viên nên tôi yên tâm làm nhiệm vụ, các con ở nhà đã có anh chăm lo chu đáo. Đối với chăm sóc bệnh nhân Covid-19, liều thuốc tinh thần rất quan trọng. Nhiều bệnh nhân lo lắng đến mất ăn, mất ngủ. Bởi thế, chị Giang luôn ở bên cạnh động viên, giúp người bệnh vực dậy tinh thần, lạc quan để chiến thắng vi rút SARS-CoV-2. “Vui nhất là khi bệnh nhân khỏi bệnh, họ vui mừng như được sinh ra lần thứ 2. Những lúc như thế mình xúc động đến khó tả. Đó chính là niềm vui, động lực để bản thân tôi và các y, bác sĩ nỗ lực chăm sóc tốt cho bệnh nhân, để các bệnh nhân khỏe mạnh, khỏi bệnh và trở về với gia đình", chị Giang bộc bạch. 
 
Những phụ nữ dẫu "chân yếu tay mềm" nhưng luôn mạnh mẽ, kiên cường, thầm lặng cống hiến trên mọi lĩnh vực để góp sức mình trong trận chiến chống đại dịch Covid-19. Trong cuộc sống thường ngày, các chị đảm đương tốt vai trò người phụ nữ trong gia đình và đã không ngừng học tập, rèn luyện để khẳng định vai trò, vị thế của người phụ nữ trên cương vị công tác của mình.  
Những “chiến sĩ áo trắng” tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong đó có nhiều chị em nữ đã làm việc cả ngày đêm. Suốt nhiều tháng trời, họ vùi đầu vào công việc. Có ngày cao điểm, phải xét nghiệm trên 10 nghìn mẫu. Tại đây, không khí luôn "nóng" bởi guồng quay công việc. Phó Trưởng khoa Xét nghiệm -  Chẩn đoán hình ảnh và Thăm dò chức năng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) Trần Thị Kim Cúc cho biết, chúng tôi phải thay ca làm việc xuyên đêm để thực hiện nhanh chóng, chính xác từng mẫu xét nghiệm. Ai cũng bị áp lực công việc, chị em nào quá mệt thì nghỉ ngơi chút đỉnh, rồi sau đó lại tiếp tục. Mỗi ngày có hàng nghìn người mong chờ kết quả xét nghiệm nên chúng tôi phải nỗ lực làm hết khả năng.  

 

Bài, ảnh: Ngọc Viên
 
 
 

.