Thị trường xuất khẩu lao động: Từng bước được phục hồi

04:04, 22/04/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Cũng như cả nước, năm 2020, hoạt động đưa người lao động (LĐ) Quảng Ngãi đi làm việc ở nước ngoài đã bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19. Bước vào năm 2021, tỉnh ta đã chuẩn bị các điều kiện để từng bước phục hồi thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ).
[links()]
Nỗi lo của người xuất khẩu lao động 
 
Những năm gần đây, XKLĐ ở tỉnh ta được xem là kênh giải quyết việc làm và tạo thu nhập cao, hiệu quả cho người dân. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nên thị trường xuất khẩu LĐ chưa xác định được thời gian kết nối trở lại. Năm qua, UBND tỉnh giao chỉ tiêu đưa 1.900 LĐ đi làm việc ở nước ngoài, nhưng đến nay vẫn chưa có một LĐ nào được xuất cảnh. 
Người lao động tìm kiếm thông tin về xuất khẩu lao động tại Phiên giao dịch việc làm đầu tháng 4 vừa qua.
Người lao động tìm kiếm thông tin về xuất khẩu lao động tại Phiên giao dịch việc làm đầu tháng 4 vừa qua.
Vượt qua kỳ thi tiếng Hàn, được tuyển dụng làm việc tại các doanh nghiệp ở Hàn Quốc và đã nộp hơn 250 triệu đồng tiền ký quỹ/người... nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên 53 LĐ trong tỉnh đã hoàn tất các thủ tục xuất cảnh, vẫn chưa biết lúc nào có thể ra nước ngoài làm việc. Một số LĐ chia sẻ, để có tiền ký quỹ, gia đình họ phải vay mượn nhiều nơi. Tiền thì đã nộp, các thủ tục đã xong, nhưng chờ mãi vẫn không xuất cảnh được, trong khi tiền lãi hằng tháng vẫn phải trả. Hiện có hơn 200 LĐ đã hoàn thành các khóa đào tạo tại Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh theo chương trình EPS, nhưng vẫn chưa có lịch xuất cảnh cụ thể. Ngoài ra, 31 LĐ đã hoàn thành khóa học tiếng Nhật cũng đang mòn mỏi chờ ngày được phỏng vấn.
 
Giám đốc Trung tâm DVVL tỉnh Đỗ Tiến Tân cho hay: Từ đầu năm đến nay, tỉnh ta đã có nhiều đơn đặt hàng tuyển dụng hơn 1.000 LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tuy nhiên, tình hình dịch Covid-19 hiện còn diễn biến phức tạp, hoạt động XKLĐ vẫn trong tình trạng “đóng băng”. Công tác tuyển LĐ mới không thể triển khai rộng rãi, bởi nguy cơ tiềm ẩn từ dịch Covid-19.
 
Tạo đà xuất khẩu lao động
 
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Công văn số 1945 yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người LĐ đi làm việc ở nước ngoài tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, xác định trạng thái bình thường mới, từng bước khôi phục và thúc đẩy hoạt động đưa LĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trên cơ sở đó, các cấp, ngành và địa phương trong tỉnh đã và đang chuẩn bị các điều kiện đưa LĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng hậu dịch Covid-19.
 
Để hỗ trợ người LĐ, Trung tâm DVVL tỉnh đã tập trung tìm kiếm các đối tác mới, có chất lượng trong lĩnh vực XKLĐ; đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, tạo nguồn LĐ để cung ứng, giới thiệu XKLĐ thông qua các phiên giao dịch việc làm, cũng như các trang thông tin điện tử. Vừa qua, Trung tâm đã thương thảo ký hợp đồng cung cấp LĐ cho Công ty CP Nhật Thành (Tập đoàn An Dương), là công ty phái cử được Bộ LĐ-TB&XH cấp phép hoạt động về lĩnh vực XKLĐ, để cung cấp khoảng 100 LĐ đi làm việc ở Nhật Bản. 
 
Đây là chương trình hợp tác giữa Bộ LĐ-TB&XH và Tổ chức Hợp tác tu nghiệp quốc tế Nhật Bản vào cuối năm 2019, nhằm tạo điều kiện cho người LĐ có cơ hội được làm việc dài hạn tại Nhật Bản, với mức thu nhập hấp dẫn, cùng nhiều chế độ đãi ngộ tốt. Đồng thời, tăng cường trao đổi với từng LĐ cụ thể để ổn định tâm lý cho họ; tích cực phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp XKLĐ để hỗ trợ về quy trình, thủ tục cho người LĐ, nhất là các LĐ đã có lịch xuất cảnh, nhưng chưa đi được.
 
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Tấn Đối cho biết: Năm 2021, Sở tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền đối với công tác xuất khẩu LĐ; đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật về XKLĐ trong thời điểm dịch bệnh, nhằm hạn chế những hành vi lừa đảo, tiêu cực. Đồng thời, đề nghị Trung tâm DVVL tỉnh tiếp tục mở các lớp đào tạo dự nguồn về ngoại ngữ, nghề nghiệp... để chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực có tay nghề, đáp ứng yêu cầu của đơn vị tuyển dụng. Về phía người LĐ, trong thời gian chờ đợi cần củng cố thêm kỹ năng nghề nghiệp, ngoại ngữ, các kiến thức về phòng, chống dịch... để sẵn sàng tham gia ngay vào thị trường LĐ quốc tế, khi dịch bệnh được kiểm soát.
 
Bài, ảnh: PV
 
 
 

.