Đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4

04:07, 29/07/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Một trong những mục tiêu quan trọng để nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính (CCHC), xây dựng chính quyền điện tử là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) vào giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Tuy nhiên, việc sử dụng DVCTT nói chung và DVCTT mức độ 3, 4 hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế.
Tại Cổng dịch vụ công - hệ thống thông tin điện tử Quảng Ngãi http://motcua.quangngai.gov.vn, hiện nay đã cung cấp 262 DVCTT mức độ 3, 4. Trong đó, tỷ lệ DVCTT mức độ 4 đạt khoảng 33%, với danh mục gồm 87 TTHC.
 
Người dân còn e ngại
 
Trong 7 tháng năm 2020, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã tiếp nhận, giải quyết 8.471 hồ sơ nộp trực tuyến, chiếm 11,8% trên tổng số 71.337 hồ sơ tiếp nhận tại Trung tâm, tập trung vào các lĩnh vực thủy sản (đăng ký tàu cá), xúc tiến thương mại, thành lập và hoạt động của doanh nghiệp, đường bộ (cấp đổi phù hiệu xe), lý lịch tư pháp, việc làm - an toàn lao động (cấp và cấp lại giấy phép cho người lao động nước ngoài). Tuy nhiên, tại 13 huyện, thị xã, thành phố thì không phát sinh hồ sơ trực tuyến; đồng thời, một số DVCTT được các ngành, địa phương cung cấp nhưng không có phát sinh hồ sơ. Điều này có nghĩa là, người dân, doanh nghiệp không sử dụng các DVCTT này, làm ảnh hưởng đến hiệu quả cung cấp DVCTT của tỉnh. 
 
Người dân nộp hồ sơ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.
Người dân nộp hồ sơ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.
Thực tế, nhiều người dân và doanh nghiệp thừa nhận chưa biết và chưa thực sự quan tâm nhiều đến các DVCTT của các cơ quan nhà nước. Mặt khác, thói quen dùng hồ sơ giấy, trình độ học vấn và điều kiện sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin của người dân, nhất là khu vực nông thôn, miền núi còn rất thiếu thốn và hạn chế, gây khó khăn trong việc tiếp cận các DVCTT. Khi được hỏi về việc nộp hồ sơ trực tuyến, một bộ phận người dân cho biết họ luôn có tâm lý e ngại, sợ thất lạc hồ sơ khi gửi qua mạng, không yên tâm như nộp trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Để sử dụng được dịch vụ này cần phải có sự hiểu biết nhất định về công nghệ thông tin, nên người dân cũng ít quan tâm thực hiện.
 
Anh Trần Trung Kiên, ở xã Phổ Châu (TX.Đức Phổ) cho hay: Tôi có nghe tuyên truyền về những tiện ích của DVCTT, nhưng vì không rành về thao tác thực hiện để đăng ký giải quyết thủ tục hồ sơ trên phần mềm, lại thêm lo lắng hồ sơ bị thất lạc, nên trước giờ cứ đến trực tiếp UBND xã, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện để làm.
 
Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng công nghệ
 
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Nguyễn Thanh Hoài, hiện nay, các cơ quan đang tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện DVCTT. Một số cơ quan trước đây chưa thực hiện việc nhận hồ sơ trực tuyến, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã tích cực đẩy mạnh triển khai, nhất là trong đợt cao điểm phòng, chống dịch. Có thể thấy, lượng hồ sơ trực tuyến trong 7 tháng qua đã tăng cao hơn so với tổng số hồ sơ trực tuyến của năm 2019 (8.471/7.815 hồ sơ).
 
Để thúc đẩy quá trình sử dụng DVCTT mức độ 3 và 4, Phó Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Ngọc Trân cho biết: Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích, hiệu quả của việc sử dụng DVCTT; tuyên truyền trên Facebook, Zalo để tạo thêm kênh thông tin về lợi ích khi sử dụng DVCTT đến từng hộ gia đình. Bên cạnh đó, cần chỉ đạo, quán triệt trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải gương mẫu thực hiện sử dụng DVCTT khi quan hệ giải quyết TTHC cũng như giới thiệu, hướng dẫn cho người dân cùng thực hiện, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay.
 
Ngoài ra, Sở TT&TT sẽ tiếp tục hoàn thiện các tính năng của Cổng dịch vụ công của tỉnh, hệ thống phần mềm "Một cửa điện tử" theo hướng đơn giản, thuận tiện cho người sử dụng; hoàn thiện hệ thống phần mềm thông tin “Một cửa điện tử” cấp huyện, cấp xã; quan tâm đầu tư trang thiết bị cần thiết tại bộ phận một cửa cấp huyện, xã để người dân, doanh nghiệp có thể thao tác, sử dụng việc nộp hồ sơ TTHC qua DVCTT; bảo đảm sự ổn định, thông suốt của hệ thống Cổng dịch vụ công của tỉnh; bảo đảm an toàn hệ thống, không để xảy ra lộ lọt thông tin, dữ liệu.
 
Bài, ảnh: VŨ YẾN
 
 
 

.