Thêm sinh kế cho nạn nhân da cam

04:02, 17/02/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dự án nuôi bò sinh sản do Hội Nạn nhân chất độc Da cam/Dioxin tỉnh hỗ trợ đã giúp các gia đình nạn nhân da cam có thêm cơ hội vươn lên thoát nghèo.

TIN LIÊN QUAN

Từ 2 hộ đầu tiên...

Cuối năm 2009, trận lũ lớn đã gây thiệt hại nặng cho người dân trên địa bàn tỉnh. Tổ chức Mennonite Central Committee (MCC) đã đến với nạn nhân chất độc da cam, giúp đỡ những hoàn cảnh kém may mắn. Nhờ đó, 22 ngôi nhà xây mới tại vùng rốn lũ huyện Bình Sơn nhanh chóng hoàn thành, kịp thời ổn định cuộc sống cho những nạn nhân da cam nghèo.

 Chị Nguyễn Thị Mận, ở xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) chăm sóc đàn bò.
Chị Nguyễn Thị Mận, ở xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) chăm sóc đàn bò.


Trong quá trình thực hiện chương trình làm nhà, trừ hết các chi phí và nhờ tiết kiệm các khoản chi nên còn dư 9,4 triệu đồng. Điều phối viên của tổ chức MCC ngày đó đã quyết định giúp cho 2 hộ nuôi bò là ông Bạch Phước và ông Lê Tư, ở xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa), bị nhiễm chất độc hóa học nặng.

Nhà ông Bạch Phước có truyền thống nuôi bò, trong chuồng lúc nào cũng có vài con, nhưng vì ông bị bệnh nan y do di chứng chất độc da cam nên đàn bò cũng lần lượt bán đi để lấy tiền chữa bệnh. Vì thế, khi được giúp đỡ bò để nuôi làm kế sinh nhai, gia đình ông Phước rất mừng.

Tạo kế sinh nhai cho hàng trăm hộ

Hình thành từ lòng tin và hiệu quả công tác của Hội Nạn nhân chất độc Da cam/Dioxin tỉnh, tổ chức MCC đã tiếp tục hỗ trợ bò giống cho nạn nhân nghèo có khả năng chăn nuôi ở huyện Mộ Đức và Đức Phổ.

Chị Nguyễn Thị Mận, ở thôn Đôn Lương, xã Phổ Thạnh là nạn nhân da cam. Người con trai đầu của chị có những dấu hiệu bất thường về trí nhớ và bác sĩ kết luận bị thần kinh mãn tính. Cuộc sống bấp bênh, chồng chị phải vào TP.Hồ Chí Minh bán vé số. Hoàn cảnh khó khăn nên gia đình chị Mận được hỗ trợ bò. Sau 5 năm phát triển chăn nuôi, hiện đàn bò của chị phát triển khá tốt.

Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân Da cam/Dioxin huyện Mộ Đức Phan Văn Xuyến cho biết: "Tổ chức MCC đã hỗ trợ cho nạn nhân da cam trong huyện 110 con bò cái giống sinh sản. Đến nay, đàn bò đã tăng lên 200 con và đang phát triển tốt. Chúng tôi thực hiện chuyển giao bê cho hộ nạn nhân tiếp theo đúng quy định của hợp đồng, góp phần đáng kể trong việc cải thiện cuộc sống của các gia đình nạn nhân da cam tham gia dự án".

Đến nay, toàn tỉnh đã có hàng trăm nạn nhân được hỗ trợ bò giống, với 176 con bò giống và tổng số bê ra đời hơn 100 con. Dự án thực hiện theo nguyên tắc người nhận bê, đến lập dự án, tổ chức đấu thầu chọn đại lý cung cấp bò giống, quy định tiêu chuẩn con giống, quy trình chọn và giao nhận bò... Đồng thời, người hưởng lợi phải ký cam kết nhận bò, chăm sóc bò và giao trả xong bê, thì bò mẹ mới hoàn toàn thuộc sở hữu của người nhận nuôi.

Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc Da cam/Dioxin tỉnh Hồ Thanh Tùng cho biết thêm: "Giúp bò giống cho nạn nhân da cam nghèo là việc làm mang tính nhân văn sâu sắc, góp phần phát triển kinh tế, cải thiện đời sống cho họ. Đó cũng là niềm vui của cán bộ hội và nhà tài trợ khi thấy những nạn nhân nghèo nhận bò, trâu có thêm sinh kế, hy vọng thoát khỏi cảnh nghèo khó.


Bài, ảnh: TRUNG ÂN


.