"Đường đi"của chất thải y tế (kỳ 2)

12:11, 28/11/2018
.

TIN LIÊN QUAN



 Kỳ 2: Xử lý chất thải y tế - mỗi nơi một kiểu

Dù có quy chuẩn rất nghiệm ngặt, nhưng thời gian qua, việc phân loại, xử lý chất thải y tế trên địa bàn tỉnh mỗi nơi làm một kiểu. Nơi thì phân loại rồi mới tiến hành đốt, nơi thì chôn lấp sơ sài ngay trong khuôn viên cơ sở y tế; nước thải chưa qua xử lý nhưng vẫn xả trực tiếp ra môi trường...

TIN LIÊN QUAN


Nguy hiểm, nhưng lại xử lý thủ công

Bông, băng, gạc dùng băng bó vết thương có thấm máu, hoặc chất dịch từ cơ thể bệnh nhân; dây truyền dịch, bơm kim tiêm đã qua sử dụng, hóa chất dùng trong y tế... là những loại chất thải y tế đặc biệt nguy hại, đòi hỏi phải được xử lý theo đúng quy trình và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Thế nhưng, nhiều cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh lại xử lý những loại chất thải này chủ yếu bằng hình thức thủ công, hết sức sơ sài.

 

Một trong những hố đất mà Trung tâm Y tế huyện Tây Trà sử dụng để đốt rác thải y tế. Ảnh: Ý THU
Một trong những hố đất mà Trung tâm Y tế huyện Tây Trà sử dụng để đốt rác thải y tế. Ảnh: Ý THU


Tại Trung tâm Y tế huyện Sơn Tây, nhìn hố đất được đào tạm ngay trong khuôn viên trung tâm, xung quanh là cỏ dại mọc um tùm, ít ai nghĩ rằng đây là nơi “tập kết” và đốt khoảng 3 tấn chất thải y tế thuộc nhóm lây nhiễm, nguy hại mỗi năm. Không những thế, khu vực này lại nằm cạnh nhà công vụ của gần 40 cán bộ, nhân viên trung tâm... Do đó, về lâu dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mạch nước ngầm và sức khỏe người dân.

Ở Trung tâm Y tế huyện Tây Trà, việc xử lý chất thải y tế có nguy cơ lây nhiễm cao cũng trong tình trạng này. Do không có hệ thống xử lý chất thải y tế, nên trung tâm tự đào hố bỏ xuống rồi đốt, hoặc chôn lấp các loại chất thải này bằng phương pháp thủ công.

Gần 50 tấn chất thải y tế chưa xử lý đúng quy định

Theo số liệu thống kê của Sở Y tế, từ năm 2014 - 2017, tổng khối lượng chất thải y tế lây nhiễm (gồm chất thải giải phẫu, kim tiêm, chất thải thấm dịch chứa máu, hoặc dịch sinh học cơ thể, các chất thải phát sinh từ buồng bệnh cách ly...) phát sinh tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh là 2.462 tấn. Trong đó, có gần 50 tấn chưa được xử lý theo đúng quy định.


Để xử lý tạm thời các chất thải y tế tại Trung tâm Y tế huyện Tây Trà và Sơn Tây, UBND tỉnh đã phê duyệt phương án chuyển giao, lắp đặt hai lò đốt rác cũ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho 2 đơn vị này. Mặc dù UBND tỉnh chỉ đạo phải hoàn thành việc lắp đặt trước ngày 30.12.2016, nhưng từ đó đến nay, hai lò đốt rác này vẫn chưa “đến” được với hai đơn vị trên. Đây cũng là lý do dẫn đến hai cơ sở y tế này phải tự xử lý chất thải y tế, dù biết rằng việc xử lý đó chưa đúng quy định và ảnh hưởng đến môi trường, cuộc sống của người dân xung quanh.

Đây cũng là thực trạng chung của các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập trên địa địa bàn tỉnh, mà nguyên nhân là do chưa được đầu tư hệ thống xử lý chất thải y tế theo đúng quy định của từng loại hình cơ sở y tế. Theo thông tin từ Sở Y tế, chất thải rắn nguy hại tại các phòng khám tư nhân chủ yếu được thu gom, vận chuyển, tiêu hủy chung với chất thải sinh hoạt. Cá biệt, có những cơ sở y tế tư nhân chỉ hợp đồng thu gom rác thải y tế với đơn vị đủ điều kiện xử lý rác thải y tế, nhằm hợp thức hóa thủ tục, chứ không “mặn mà” với việc xử lý rác thải y tế theo quy định.

Tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Đặng Thùy Trâm (Đức Phổ), dù thực hiện ký hợp đồng xử lý chất thải y tế lây nhiễm với 10 cơ sở y tế ngoài công lập trên địa bàn, nhưng chỉ có 3/10 cơ sở y tế thực hiện chuyển giao và được bệnh viện lập sổ theo dõi đúng quy định. Còn 7/10 cơ sở y tế ngoài công lập chuyển chất thải y tế đi đâu thì không một cơ quan chức năng nào giám sát được, vì ngay cả Bệnh viện Đa khoa khu vực Đặng Thùy Trâm- đơn vị ký hợp đồng xử lý, nhưng cũng không có hồ sơ theo dõi theo quy định!

Lọ thủy tinh đựng thuốc cùng các loại bông băng, kim tiêm, cồn gạc... đều được Trung tâm Y tế huyện Tây Trà gom vào một chỗ để đốt thủ công.              Ảnh: Ý THU
Lọ thủy tinh đựng thuốc cùng các loại bông băng, kim tiêm, cồn gạc... đều được Trung tâm Y tế huyện Tây Trà gom vào một chỗ để đốt thủ công. Ảnh: Ý THU


“Hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân trên địa bàn huyện chỉ ký hợp đồng xử lý rác thải y tế với bệnh viện để được cấp giấy phép hoạt động. Còn trên thực tế thì chỉ có số ít phòng khám tư ở gần bệnh viện là đưa chất thải y tế đến bệnh viện để xử lý, các phòng khám khác hầu như không đưa đến”, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Đặng Thùy Trâm Võ Thanh Tân cho biết.

Vô tư thải ra môi trường

Trung bình mỗi năm phát sinh khoảng 20.000m3 nước thải y tế, nhưng do chưa có hệ thống xử lý nước thải, nên Trung tâm Y tế huyện Sơn Tây và huyện Tây Trà phải xây hầm chứa nước thải ngay trong khuôn viên trung tâm, sau đó khử trùng nước thải bằng Cloramin B. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp xử lý tạm thời, bởi các hầm chứa này hoạt động như những hố ga tự hoại thông thường, chỉ có nhiệm vụ chứa nước, không thể xử lý nước thải y tế theo đúng quy chuẩn kỹ thuật.

Khu vực xử lý chất thải y tế của Trung tâm Y tế huyện Sơn Tây nằm ngay trong khuôn viên Trung tâm.                      Ảnh: X.HIẾU
Khu vực xử lý chất thải y tế của Trung tâm Y tế huyện Sơn Tây nằm ngay trong khuôn viên Trung tâm. Ảnh: X.HIẾU


Một số cơ sở y tế tuyến huyện ở khu vực đồng bằng cũng chưa có hệ thống xử lý nước thải đúng quy chuẩn. Ngay cả các cơ sở y tế tuyến tỉnh cũng không có hệ thống xử lý nước thải, như Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, Trung tâm Phong - Da liễu tỉnh, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh... Những cơ sở này có lượng nước thải y tế phát sinh lớn và chứa nhiều mầm bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao, nhưng tất cả đều nằm trong danh sách có nước thải y tế chưa qua xử lý, hoặc chỉ khử trùng đơn giản rồi xả thẳng ra môi trường.

Với các cơ sở y tế tư nhân, theo quy định phải có đầy đủ hệ thống xử lý chất thải, nước thải y tế theo đúng quy định thì mới được cấp phép hoạt động, nhưng phần lớn các cơ sở này đều chưa đảm bảo theo quy định, nhưng vẫn được cơ quan chức năng của tỉnh cấp phép hoạt động.

Phòng khám chẩn đoán Y khoa Mộ Đức của bác sĩ Nguyễn Phu, xã Đức Tân (Mộ Đức), được Sở KH&CN cấp giấy phép hoạt động bức xạ trong việc sử dụng thiết bị X - quang chẩn đoán hình ảnh trong lĩnh vực y tế từ tháng 3.2017 đến nay. Bình quân mỗi tuần, phòng khám này phát sinh hàng chục lít hóa chất rửa phim X - quang. Loại hóa chất này được Bộ Y tế xếp vào loại chất thải hóa học nguy hại. Bác sĩ Nguyễn Phu khẳng định: Ông đã ký hợp đồng xử lý nước rửa phim với Trung tâm Y tế huyện Mộ Đức. Cơ sở của ông lưu chứa nước tráng phim trong thùng nhựa, hàng tuần tự vận chuyển sang Trung tâm Y tế huyện Mộ Đức để xử lý. Tuy nhiên, lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Mộ Đức không thừa nhận việc ký hợp đồng xử lý nước rửa phim với Phòng khám chẩn đoán Y khoa của bác sĩ Phu. Lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Mộ Đức cho rằng: Nước rửa phim là một loại hóa chất nguy hại, đòi hỏi quy trình xử lý rất nghiêm ngặt, nhưng trung tâm không đủ năng lực để xử lý.

Ngay cả đơn vị được phép thu gom chất thải y tế nguy hại cũng không thực hiện đúng quy định. Điển hình như Công ty CP  Cơ - Điện - Môi trường Lilama, doanh nghiệp không có chức năng xử lý chất thải nguy hại là “Dung dịch thải từ ngành phim ảnh”, nhưng ngày 1.11.2017, công ty lại ký hợp đồng với Phòng khám Thanh Thanh và Phòng khám Tân Thanh (thời gian thực hiện hợp đồng đến hết ngày 31.12.2018) để xử lý chất thải nguy hại, trong đó có dung dịch thải ra từ rửa phim X- quang. Ngày 7.4.2018, Phòng khám Thanh Thanh có chuyển giao nước rửa phim cho Công ty CP  Cơ - Điện - Môi trường Lilama để xử lý với số lượng 8kg. Như vậy, công ty này đã “lách luật”, tự ý xử lý chất thải nguy hại không đúng theo giấy phép mà Bộ TN&MT đã cấp.


X.HIẾU - Ý THU


Kỳ 3: Nhiều khó khăn, bất cập trong đầu tư






 


.