"Đường đi"của chất thải y tế (kỳ 1)

08:11, 27/11/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chất thải y tế (chất thải rắn và nước thải) là loại chất thải rất nguy hại, cần được thu gom, xử lý đúng quy định. Tuy nhiên, nhiều cơ sở y tế và một số cơ quan có liên quan trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thực sự chú trọng đúng mức đến công tác này. Loạt bài viết sau của phóng viên Báo Quảng Ngãi sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về "đường đi" của chất thải y tế trên địa bàn tỉnh.

TIN LIÊN QUAN

 

Kỳ 1: Buông lỏng công tác quản lý
 
Mặc dù Nhà nước đã có văn bản quy định rõ về trách nhiệm của các cơ sở y tế, Sở Y tế, Sở TN&MT... trong việc quản lý, thu gom, xử lý chất thải y tế, nhưng các cơ quan, đơn vị này còn buông lỏng công tác quản lý, đùn đẩy trách nhiệm, dẫn đến một số chất thải y tế bị tuồn ra ngoài môi trường. Cá biệt, có một số vật dụng được “hô biến” thành đồ gia dụng để bán cho người tiêu dùng...
 
 

Biến thành đồ gia dụng


Đến chợ Châu Ổ (Bình Sơn), người tiêu dùng có nhu cầu mua can nhựa, nếu không tinh ý thì sẽ mua trúng can nhựa đựng dung dịch thẩm phân máu đậm đặc dùng trong chạy thận nhân tạo trong các cơ sở y tế. Đây là loại rác thải y tế không được tái sử dụng trực tiếp, nhưng lại được tiểu thương bày bán công khai, với giá 16 nghìn đồng/can.

 

Những vỏ can nhựa đựng dung dịch thẩm phân máu dùng trong chạy thận nằm ngổn ngang trong khuôn viên Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Những vỏ can nhựa đựng dung dịch thẩm phân máu dùng trong chạy thận nằm ngổn ngang trong khuôn viên Bệnh viện Đa khoa tỉnh.


Điều đáng lo ngại ở đây là, rất nhiều can nhựa được đưa ra bán ngoài chợ, nhưng vẫn còn nguyên tem, mác ghi: “Dung dịch thẩm phân máu đậm đặc HD-2B”, “Dung dịch thẩm phân máu đậm đặc HD - 1A (Acid)”, “Để xa tầm tay trẻ em”... Ngoài ra, trên can nhựa còn in nổi dòng chữ “B/BRAUN” - ký hiệu để nhận biết đây là dung dịch thẩm phân máu của hãng dược phẩm B/BRAUN.

Một số tiểu thương ở chợ Châu Ổ cho biết: Nguồn can nhựa này không phải tiểu thương đi tìm mua, mà có người đến tận chợ rao bán loại can nhựa này với giá cả phải chăng, nên các tiểu thương thấy có lợi nhuận nên nhập về bán. Cũng theo tiểu thương này, hầu hết người bán và mua đều không biết đây là vỏ đựng hóa chất dùng trong chạy thận ở các cơ  sở y tế.

Tại khu vực xung quanh chợ Quảng Ngãi (TP.Quảng Ngãi), những chiếc can nhựa “B/BRAUN” được “hô biến” thành can đựng dung dịch rửa chén. Anh T, một người đến mua nước rửa chén tại hiệu buôn Ngân Sách, đường Ngô Quyền (TP.Quảng Ngãi) cho biết: Gia đình kinh doanh ăn uống, nên tôi thường đến đây để mua nước rửa chén giá rẻ. Vỏ can nhựa đựng nước rửa chén vẫn còn nguyên tem, mác ghi dòng chữ “Dung dịch thẩm phân máu đậm đặc HD -1B”, nhưng tôi không quan tâm lắm và cũng không biết đó là vỏ của dung dịch dùng trong chạy thận nhân tạo.

Từ thực tế đó cho thấy, công tác quản lý chất thải y tế còn bị buông lỏng, tạo cơ hội cho một số cá nhân, cơ sở sử dụng rác thải y tế để buôn bán.
 

"Quản lý chất thải y tế bên trong khuôn viên cơ sở y tế thuộc trách nhiệm của thủ trưởng cơ sở y tế. Còn bên ngoài khuôn viên cơ sở y tế là trách nhiệm của ngành TN&MT và chính quyền địa phương".


Phó Giám đốc Sở Y tế HUỲNH GIỚI

Qua tìm hiểu tại Công ty TNHH MTV Thương mại Trường Khánh (TP.Quảng Ngãi), chúng tôi được biết, trong hợp đồng thu mua các loại chất thải y tế được sử dụng vào mục đích tái chế với Bệnh viện Đa khoa Dung Quất, từ năm 2015 - 2017, công ty đã thu mua tổng cộng 319kg chất thải y tế để tái chế, gồm chai nhựa dịch truyền, can nhựa đựng dung dịch chạy thận nhân tạo. Thế nhưng, thay vì sử dụng vào mục đích tái chế như giấy phép kinh doanh, thì công ty này lại bán ra thị trường.

“Chúng tôi đăng ký trong giấy phép kinh doanh là tái chế phế liệu. Nhưng thực tế thì công ty chỉ mua đi, bán lại, chứ không tái chế. Khách hàng chủ yếu của công ty là các tiệm tạp hóa, tiểu thương ở chợ...”, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Trường Khánh Bùi Trường Tiến nói.

Đổ trách nhiệm lẫn nhau

Bệnh viện Đa khoa tỉnh là cơ sở y tế công lập lớn nhất tỉnh, vì thế lượng rác thải y tế được sử dụng vào mục đích tái chế là rất lớn. Theo số liệu thống kê mà chúng tôi có được, từ năm 2014- 2017, có đến 121 tấn rác thải y tế phát sinh được phép sử dụng vào mục đích tái chế (gồm giấy, nhựa, vật kim loại...), được bệnh viện thu gom, lưu giữ và bán cho Công ty CP Giấy Hiệp Thành (Cụm Công nghiệp Tịnh Ấn Tây). Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Toàn bộ lượng chất thải y tế nói trên được bệnh viện bàn giao cho Công ty CP Giấy Hiệp Thành theo hợp đồng đã ký, chứ không lưu giữ.

Tuy nhiên, khi trao đổi với chúng tôi về điều này, thì Giám đốc Công ty CP Giấy Hiệp Thành Bùi Minh Đó không thừa nhận toàn bộ ý kiến của Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ông Đó nói: Dù công ty ký hợp đồng thu mua nhựa và giấy, nhưng công ty chuyên sản xuất giấy, nên chỉ lấy giấy, chứ không thu gom các loại chai, can nhựa.


Thông tin mà lãnh đạo Công ty CP Giấy Hiệp Thành đưa ra cho thấy có sự "bất nhất" giữa lời nói và các điều khoản đã ký trong hợp đồng giữa công ty với Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Do đó, cơ quan chức năng cần làm rõ trách nhiệm giữa các bên liên quan.

Còn tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Đặng Thùy Trâm (Đức Phổ), từ năm 2014 đến nay, gần 50 tấn chất thải y tế được phép sử dụng vào mục đích tái chế, gồm giấy, vỏ thuốc, chai nhựa đựng thuốc... đã được bệnh viện bán cho bà Vũ Thị Lan - một cơ sở thu mua phế liệu trên địa bàn thị trấn Đức Phổ. Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi, Sở Y tế khẳng định, trên địa bàn tỉnh chưa có một cơ sở nào đủ tư cách pháp nhân để thu mua rác thải y tế được phép tái chế.

Nhập nhằng trong khâu quản lý
 

“Việc quản lý chất thải y tế được phép sử dụng vào mục đích tái chế là trách nhiệm của bên bán rác thải và bên mua rác thải, chứ không thuộc trách nhiệm quản lý của ngành TN&MT”.


Phó Giám đốc Sở TN&MT NGUYỄN QUỐC TÂN

Trước những nhập nhằng trong khâu quản lý việc xử lý các loại rác thải y tế được phép sử dụng vào mục đích tái chế, đã để lại nhiều lo ngại cho môi trường và chất lượng cuộc sống của người dân trước mắt và lâu dài. Đây là trách nhiệm của các cơ sở y tế, trong đó trực tiếp là người đứng đầu các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh và các đơn vị quản lý nhà nước trong lĩnh vực này là Sở TN&MT và Sở Y tế.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trên thực tế, các sở, ngành của tỉnh vẫn chưa phân công, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ trong công tác kiểm tra, kiểm soát “đường đi” của các loại rác thải y tế. Qua trao đổi, hầu hết các cơ sở y tế đều cho rằng, cơ sở y tế chỉ có trách nhiệm chuyển giao chất thải y tế được phép tái chế cho các đơn vị có giấy phép hoạt động và có chức năng tái chế phế liệu theo giấy phép được cấp; còn việc kiểm tra, giám sát chất thải y tế tái chế có sử dụng để sản xuất các đồ dùng, bao gói sử dụng trong lĩnh vực thực phẩm hay không thì không thuộc trách nhiệm của các cơ sở y tế.  

Vì chưa thống nhất trong xác định trách nhiệm quản lý, nên hằng năm, dù Sở Y tế đều thực hiện các đợt thanh, kiểm tra các đơn vị trực thuộc, nhưng chỉ tập trung ở các nội dung thanh, kiểm tra hoạt động khám, chữa bệnh; chưa thực hiện chuyên đề về kiểm tra việc xử lý chất thải y tế, nhất là chất thải y tế được phép dùng trong tái chế. Đối với Sở TN&MT, từ trước đến nay, Sở cũng chưa thực hiện thanh, kiểm tra việc quản lý, xử lý  rác thải y tế được phép tái chế khi các cá nhân, cơ sở kinh doanh thu mua đưa ra khỏi khuôn viên bệnh viện.

Thực trạng đó là nguyên nhân dẫn đến rác thải y tế qua mặt cơ quan chức năng để tuồn ra ngoài thị trường. Những sản phẩm này được tái chế không đúng quy cách vẫn được bày bán công khai, mà không một cơ quan chức năng nào lên tiếng, nên tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho môi trường và sức khỏe cộng đồng...


Bài, ảnh: X.HIẾU - Ý THU

------------------
Kỳ 2: Xử lý chất thải y tế - mỗi nơi một kiểu



 


.