Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

04:11, 09/11/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi hiện có trên 23.000 người bị phơi nhiễm chất độc hóa học. Thế hệ thứ hai, thứ ba có nhiều người dị dạng, dị tật và thiểu năng về não. Nhiều gia đình nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) có cuộc sống hết sức khó khăn. Thời gian qua, Hội NNCĐDC/Dioxin tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc huy động các nguồn lực để giúp đỡ nhiều gia đình nạn nhân vươn lên trong cuộc sống.

Hỗ trợ sinh kế

Dự án “Ngân hàng bò” của Hội NNCĐDC/Dioxin tỉnh đã triển khai được 5 năm, với hàng trăm gia đình nạn nhân được hỗ trợ sinh kế để phát triển kinh tế. Chủ tịch Hội NNCĐDC/Dioxin tỉnh Phan Thanh Long cho biết: Trận lũ lớn năm 2009 đã gây thiệt hại nặng nề cho nhân dân Quảng Ngãi, trong đó có gia đình NNCĐDC.

Chia sẻ khó khăn đó, Tổ chức Mennonite Central Committee (MCC) đã hỗ trợ xây dựng nhà ở cho NNCĐDC. Sau khi thực hiện kinh phí còn dư gần 10 triệu đồng và được Tổ chức MCC đồng ý cho ông Bạch Phước và Lê Tư, đều là NNCĐDC nặng, ở xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) mượn làm vốn chăn nuôi bò.

 

 Đại diện Hội NNCĐDC/Dioxin tỉnh tặng quà cho nạn nhân thế hệ thứ 2 tại huyện Bình Sơn.
Đại diện Hội NNCĐDC/Dioxin tỉnh tặng quà cho nạn nhân thế hệ thứ 2 tại huyện Bình Sơn.


Ông Bạch Phước bị bệnh nan y do di chứng chất độc da cam (CĐDC), nên nằm một chỗ 7 năm nay. Được hỗ trợ tiền, gia đình ông đầu tư thêm 2 triệu đồng để mua một con bò cái giống. Đến nay, đàn bò của gia đình ông Phước có 4 con. “Giờ gia đình có gia tài nho nhỏ rồi, không sợ khổ nữa”, vợ ông Phước bày tỏ.

Từ 2 con bò ban đầu phát huy được hiệu quả, Hội NNCĐDC tỉnh đã phối hợp với các tổ chức để thành dự án "Ngân hàng bò", nhằm hỗ trợ sinh kế cho gia đình NNCĐDC. Trong 5 năm (2014-2018) dự án đã hỗ trợ 196 con, với tổng kinh phí trên 3,5 tỷ đồng, do các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ, trong đó có Giáo sư Phan Thị Phi Phi. Nhờ sự chung tay của các tổ chức, cá nhân, đến nay đàn bò, trâu của gia đình NNCĐDC đã tăng lên 434 con.

 

"Toàn tỉnh hiện có trên 2.000 cháu là thế hệ thứ hai, thứ ba bị phơi nhiễm chất độc da cam. Nhìn chung, các NNCĐDC được hỗ trợ điều trị PHCN đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đó là động lực để hội đồng hành cùng các hội viên, NNCĐDC và mong nhận được sự chia sẻ của các tổ chức, cá nhân có tấm lòng hảo tâm".


Phó Chủ tịch Hội  NNCĐDC/Dioxin tỉnh NGUYỄN THANH PHƯƠNG


Chung tay xoa dịu nỗi đau

Nỗi đau da cam hằn sâu trên thân thể của nhiều người đã từng đi qua chiến tranh và cả thế hệ con, cháu của họ. Để hỗ trợ nạn nhân thế hệ thứ hai, thứ ba bị di chứng của CĐDC, tỉnh đã tạo điều kiện để thành lập 2 Trung tâm Phục hồi chức năng (PHCN) tại huyện Đức Phổ và Tư Nghĩa.

 

                       Nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ hai, thứ ba tập phục hồi chức năng tại Trung tâm phục hồi chức năng huyện Đức Phổ.                                           ảnh: TL
Nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ hai, thứ ba tập phục hồi chức năng tại Trung tâm phục hồi chức năng huyện Đức Phổ. ảnh: TL


Đến thăm Trung tâm PHCN Đức Phổ, chúng tôi cảm nhận được sự cố gắng rất lớn của cán bộ, nhân viên, giáo viên cùng NNCĐDC ở đây. Giáo viên vừa là người thầy, vừa là người bạn của các nạn nhân đang điều trị, giúp họ lấy lại khả năng đi lại và hoạt động trí não...

Giám đốc trung tâm Nguyễn Văn Toàn cho biết: "Từ khi thành lập (năm 2015) đến nay, trung tâm đã điều trị cho 48 nạn nhân thường xuyên và theo giờ. Kết quả, có ba nạn nhân trở lại với cuộc sống bình thường, tự lao động kiếm sống...".

Còn tại Trung tâm PHCN ở xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) cũng có 15 nạn nhân đang điều trị thường xuyên đã dần phục hồi. “Nhờ sự hướng dẫn của nhân viên tại trung tâm mà giờ con trai tôi đã có thể tự làm một số việc của bản thân. Gia đình tôi mừng lắm”, cựu chiến binh Nguyễn Văn Thử (Tư Nghĩa), có con đang điều trị tại trung tâm bày tỏ.

Cùng với hỗ trợ vật chất, Hội NNCĐDC/Dioxin tỉnh còn phối hợp với Tổ chức MCC tại Việt Nam triển khai dự án Vật lý trị liệu nhằm phục hồi chức năng cho 56 NNCĐDC tại huyện Mộ Đức và Đức Phổ.


Bài, ảnh: VŨ YẾN



 


.