Xử lý chất thải rắn sinh hoạt: Còn nhiều bất cập

11:07, 04/07/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, nhất là khu vực nông thôn còn ở mức thấp; công nghệ xử lý chủ yếu là đốt và chôn lấp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường...

TIN LIÊN QUAN



Mục tiêu lớn...

Theo mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 – 2020, có 90% tổng lượng chất thải rắn đô thị, 70% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt nông thôn phát sinh phải được thu gom, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, trong đó 50% tổng lượng chất thải rắn đô thị, 60% tổng lượng chất thải rắn nông thôn được tái chế, tái sử dụng.

Những tấm bạt lót để ngăn sự thẩm thấu của nước rỉ rác vào lòng đất tại bãi chôn lấp rác Trà Bồng đã bị hư hỏng.
Những tấm bạt lót để ngăn sự thẩm thấu của nước rỉ rác vào lòng đất tại bãi chôn lấp rác Trà Bồng đã bị hư hỏng.

Với Quảng Ngãi, mục tiêu đến năm 2020, phấn đấu thu gom 95% tổng lượng chất thải rắn đô thị phát sinh và 50% tổng lượng chất thải rắn nông thôn; trong đó có 85% chất thải rắn đô thị được tái chế, tái sử dụng thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ. Tỉnh cũng đặt ra mục tiêu, đến năm 2020, phải thực hiện được việc phân loại rác thải tại nguồn đối với TP.Quảng Ngãi, đô thị Vạn Tường và các cơ sở công nghiệp trong KKT Dung Quất. Thực hiện thí điểm phân loại chất thải rắn tại nguồn đối với đô thị Đức Phổ và các thị trấn Lý Sơn, La Hà, Mộ Đức,Chợ Chùa, Sông Vệ.

Đầu tư xây dựng và hoàn thiện công nghệ xử lý tại các khu liên hiệp xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh, nhằm hạn chế tối đa lượng chất thải rắn chôn lấp. Bởi lẽ, xử lý rác thải bằng cách chôn lấp tuy chi phí đầu tư thấp, nhưng lại chiếm diện tích đất, thời gian phân hủy chậm, gây ô nhiễm khu vực xử lý và tiềm ẩn nguy cơ gây ra sự cố môi trường do nước rỉ rác.

...nhưng khó thực hiện

Hiện nay, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 500 tấn/ngày, đêm, nhưng công tác phân loại rác thải tại nguồn chưa được thực hiện. Trên địa bàn toàn tỉnh, mới chỉ có TP.Quảng Ngãi, huyện Lý Sơn cùng một số xã, thị trấn của huyện Tư Nghĩa, Sơn Tịnh, Bình Sơn, Nghĩa Hành, Đức Phổ là được thu gom, xử lý bài bản, do các doanh nghiệp có đủ các năng lực, tiêu chuẩn về môi trường thực hiện. Với các địa phương còn lại, việc thực hiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn theo nhiều hình thức khác nhau và được các HTX, các đội vệ sinh môi trường tại các địa phương thực hiện. Chất thải rắn sinh hoạt tại các khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh tuy đạt tỷ lệ thu gom từ 40 – 50%, nhưng chủ yếu được người dân tự thu gom và xử lý bằng cách đốt hoặc đào hố để chôn lấp.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Cao Văn Cảnh, nhiều vấn đề liên quan đến thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt chưa có văn bản quy định về quy trình, điều kiện, năng lực cho phép các tổ chức, cá nhân thu gom, vận chuyển, tái chế, tái sử dụng, xử lý, tiêu hủy chất thải rắn nói chung và chất thải rắn sinh hoạt nói riêng; quy định về thẩm định công nghệ xử lý chất thải rắn chưa rõ ràng đối với công nghệ xử lý cả trong và ngoài nước… dẫn tới tình trạng các địa phương trên địa bàn tỉnh thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, chưa có sự thống nhất, đồng bộ.


Xử lý rác thải chủ yếu bằng công nghệ chôn lấp lạc hậu, nên diện tích đất phục vụ chôn lấp rác thải dần rơi vào tình trạng quá tải. Hiện tại, bãi chôn lấp rác Nghĩa Kỳ ở xã Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa) và một phần xã Hành Dũng (Nghĩa Hành) với tổng diện tích bãi chôn lấp là 28ha đã đầy từ tháng 3.2018. Dù không còn đủ sức chứa rác thải, nhưng bãi chôn lấp rác Nghĩa Kỳ vẫn phải tiếp nhận và lưu trữ tạm thời rác thải sinh hoạt của TP.Quảng Ngãi, huyện Tư Nghĩa, Sơn Tịnh và chờ đến tháng 9.2018 khi Nhà máy xử lý rác của Công ty CP Đầu tư và Phát triển xây dựng Miền Bắc đưa vào hoạt động mới xử lý. Còn bãi rác Đồng Nà, xã Tịnh Thiện, TP.Quảng Ngãi, với tổng diện tích chôn lấp 20ha, thì phải đóng cửa từ tháng 4.2017, do không đáp ứng quy định về bảo vệ môi trường.

Dù tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu đầu tư xây dựng và hoàn thiện công nghệ xử lý tại các khu xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh, nhằm hạn chế tối đa lượng chất thải rắn chôn lấp, nhưng đến thời điểm này, chỉ có khoảng 1/5 lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh được xử lý bằng công nghệ đốt, kết hợp tái chế đảm bảo tiêu chuẩn môi trường.


Bài, ảnh: Ý THU



 


.