Tiếp sức cho người dân vùng sóng chập chờn

04:07, 20/07/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Để đảm bảo người dân tại những vùng thu tín hiệu sóng truyền hình tương tự mặt đất chập chờn có thể xem được truyền hình khi thực hiện số hóa, Quảng Ngãi vừa rà soát xong những vùng sóng yếu cần được hỗ trợ đầu thu vệ tinh.

TIN LIÊN QUAN


Trên địa bàn tỉnh hiện có 11 trạm phát sóng truyền hình tương tự mặt đất (analog), phân bổ ở khu vực mà tín hiệu truyền hình của Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh không phủ sóng được. Thời gian qua, các trạm này đã thực hiện nhiệm vụ tiếp sóng các kênh truyền hình tương tự từ Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, Đài Truyền hình Việt Nam, nhưng chất lượng tín hiệu sóng truyền hình tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn còn ở mức thấp.

Từ trước đến nay, người dân thôn Trà Ích, xã Trà Lãnh (Tây Trà) phải tự trang bị đầu thu vệ tinh mới xem được truyền hình.                Ảnh: Ý THU
Từ trước đến nay, người dân thôn Trà Ích, xã Trà Lãnh (Tây Trà) phải tự trang bị đầu thu vệ tinh mới xem được truyền hình. Ảnh: Ý THU


Tại khu tái định cư thuộc tổ 1, thôn Trà Ích, xã Trà Lãnh (Tây Trà), nhiều năm qua, 40 hộ dân nơi đây phải lắp đặt đầu thu vệ tinh mới xem được truyền hình, vì tín hiệu sóng truyền hình analog khá chập chờn. “Biết là tốn kém, nhưng chúng tôi phải tự trang bị cho mình đầu thu vệ tinh, chứ không thì khó xem được truyền hình”, ông Hồ Minh Hải cho biết.
 

59 xã, thị trấn cần được hỗ trợ đầu thu vệ tinh

Theo thống kê của UBND tỉnh, Quảng Ngãi có đến 59 xã, thị trấn có tín hiệu sóng truyền hình analog chập chờn. Vì thế đến 31.12.2018, khi tắt sóng truyền hình tương tự để chuyển sang số hóa truyền hình, người dân các vùng này cần được hỗ trợ đầu thu vệ tinh mới thu được sóng truyền hình ổn định.

Tại huyện miền núi Ba Tơ, có đến 17/20 xã, thị trấn nằm trong danh sách cần hỗ trợ đầu thu vệ tinh. Huyện miền núi Sơn Hà, người nghèo, cận nghèo của 9/14 xã, thị trấn cũng thuộc diện cần được hỗ trợ đầu thu vệ tinh và tại huyện Tây Trà, con số này lên đến 8/9 xã...

Không chỉ các huyện miền núi thu tín hiệu truyền hình analog chập chờn, một số huyện đồng bằng trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều vùng sóng yếu. Chẳng hạn như huyện Đức Phổ, có đến 7/15 xã, thị trấn trên địa bàn có các hộ nghèo, cận nghèo cần được hỗ trợ đầu thu vệ tinh mới xem được truyền hình khi hoàn tất lộ trình số hóa. Các xã Nghĩa Sơn (Tư Nghĩa), Hành Tín Đông, Hành Tín Tây (Nghĩa Hành), Bình Khương (Bình Sơn) cũng là những vùng có tín hiệu sóng truyền hình khá yếu.

Trước thực trạng trên, để đảm bảo cho người dân tại các vùng sóng yếu có cơ hội được xem truyền hình với chất lượng tốt hơn, khi thực hiện số hóa truyền hình, người nghèo, cận nghèo ở những vùng này được nhận hỗ trợ một đầu thu truyền hình số vệ tinh, chảo thu tín hiệu, dây cáp nối, được lắp đặt miễn phí và bảo hành ít nhất 12 tháng tính từ ngày hộ gia đình nhận bàn giao đầu thu truyền hình số.

“Quảng Ngãi đã hoàn thành xong công tác thống kê, tổng hợp các đối tượng được hưởng hỗ trợ đầu thu truyền hình số và vùng được hỗ trợ đầu thu vệ tinh. Theo đó, sẽ có khoảng 64.000 hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ đầu thu truyền hình số và 59 xã, thị trấn thuộc diện hỗ trợ đầu thu vệ tinh. Các số liệu này đã được UBND tỉnh báo cáo Bộ TT&TT, Cục Tần số vô tuyến điện để người nghèo, cận nghèo trên địa bàn, nhất là tại các vùng thu tín hiệu sóng truyền hình chập chờn sớm được hỗ trợ đầu thu trước ngày 31.12.2018”, Phó Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Ngọc Trân cho biết.


Ý THU



 


.