Nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh: Phải hành động quyết liệt

05:06, 29/06/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- “Tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thân thiện, thông thoáng và minh bạch...” là mục tiêu mà Quảng Ngãi đặt ra trong Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 19 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong công tác cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo.

TIN LIÊN QUAN

Còn nhiều hạn chế, yếu kém

Trước khi “đổ” vốn đầu tư vào tỉnh, thành phố nào, nhà đầu tư/doanh nghiệp (DN), nhất là các DN FDI thường tìm hiểu cặn kẽ về tiềm năng, thế mạnh và môi trường đầu tư của tỉnh, thành ấy. Đặc biệt, họ rất quan tâm đến vị thứ xếp hạng của các địa phương đối với hai chỉ số: Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và CCHC (PAR INDEX). Đối với Quảng Ngãi, năm 2017 xếp hạng PCI với 63,16 điểm, đứng thứ 25/63 tỉnh, thành phố. Riêng chỉ số PAR INDEX, tỉnh ta xếp thứ 59/63 tỉnh, thành phố. Qua đó cho thấy, những nỗ lực của Quảng Ngãi trong thời gian qua vẫn là chưa đủ để tạo nên một môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi nhằm hỗ trợ DN và thu hút đầu tư vào tỉnh.

 Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ (giữa) kiểm tra thực tế, chỉ đạo giải quyết vướng mắc cho nhà đầu tư Dự án  Khu nghỉ dưỡng Bãi Dừa.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ (giữa) kiểm tra thực tế, chỉ đạo giải quyết vướng mắc cho nhà đầu tư Dự án Khu nghỉ dưỡng Bãi Dừa.


Phó Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Ngọc Thạch cho rằng: Kết quả PCI năm 2017 của Quảng Ngãi có sự cải thiện mạnh mẽ so với năm 2016. Tuy nhiên, theo phản ánh của các DN thì vẫn còn xảy ra tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Do đó, tỉnh cần nỗ lực cải cách mạnh mẽ, rộng khắp hơn nữa trong tất cả các lĩnh vực, cũng như việc thực thi của các sở, ban, ngành, huyện, thành phố phải quyết liệt hơn.  “Qua kiểm tra, lấy ý kiến từ phía DN, chúng tôi nhận thấy việc thực thi theo chỉ đạo của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh tại các cấp và sở, ban, ngành chưa đạt như kỳ vọng. DN phản ánh gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận một số thông tin về quy hoạch, đất đai... Những loại tài nguyên này nếu khó tiếp cận như vậy, sẽ phát sinh những chi phí không chính thức đối với DN”, ông Phạm Ngọc Thạch cho hay.

“Cán bộ, công chức, đặc biệt là người đứng đầu các đơn vị trực thuộc phải thay đổi thái độ làm việc phục vụ lợi ích của người dân và DN. Đồng thời, kịp thời phát hiện và thay thế cán bộ, công chức chần chừ trong cải cách TTHC, hoặc có hành vi lạm dụng thẩm quyền, vị trí việc làm để tư lợi riêng”.


Chủ tịch UBND tỉnh TRẦN NGỌC CĂNG


Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Ánh Lan cho rằng, chỉ số chi phí thời gian trong PCI của tỉnh năm 2017 chỉ đạt được 6,19 điểm, xếp thứ 42/63 tỉnh, thành, trong khi điểm trung bình của cả nước là 6,48. So với năm 2016 chỉ số chi phí thời gian của tỉnh giảm 0,32 điểm, giảm 7 bậc so với 2016. Nguyên nhân là việc tuyên truyền tư vấn pháp lý cho DN còn hạn chế. Công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của các cơ quan chức năng chưa chặt chẽ, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Ngoài ra, việc rà soát, ban hành công bố công khai các TTHC còn chậm. Một bộ phận CB, CCVC ý thức trách nhiệm, tinh thần thái độ làm việc còn hạn chế. Mối liên hệ phối hợp giữa các ngành, địa phương trong liên thông, giải quyết TTHC, cũng như giải quyết khó khăn, vướng mắc của DN chưa thường xuyên, kịp thời...

Phải hành động quyết liệt

Hiện nay, tỉnh đang tập trung lãnh đạo thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 theo phương châm hành động của Chính phủ là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”; và chủ đề của tỉnh: “Tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế; nâng cao kỷ luật, kỷ cương, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; huy động nguồn lực xã hội; đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp”. Thực hiện nghiêm túc công tác trên, sẽ tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thân thiện và minh bạch, góp phần tạo động lực, sự đột phá trong thu hút đầu tư vào tỉnh.

Theo ý kiến của cộng đồng DN, tỉnh cần đưa ra các gói hỗ trợ DN phù hợp hơn để góp phần thúc đẩy khu vực DN tư nhân ổn định, phát triển, nhất là đối với các DN nhỏ và siêu nhỏ. Bởi đây là nhóm DN trong sản xuất kinh doanh thường bị thua lỗ cao hơn các DN lớn. Ngoài ra, theo phản ánh của nhiều DN trên địa bàn tỉnh, môi trường kinh doanh của tỉnh chưa thật sự bình đẳng. Mức độ quan tâm của tỉnh đối với các DN dân doanh, DN tư nhân chưa đạt sự mong muốn của họ. Riêng nhóm các DN nhỏ, siêu nhỏ chưa thật sự hài lòng với kết quả giải quyết vướng mắc của tỉnh và các sở, ban ngành, địa phương. Đây là vấn đề cần tập trung khắc phục.

Một vấn đề đặt ra nữa là, cần giảm “gánh nặng” về thanh, kiểm tra cho các DN và kiên quyết xử lý các cán bộ gây phiền hà cho DN trong quá trình thực hiện các cuộc thanh, kiểm tra. Theo số liệu khảo sát của VCCI trong năm 2017, có đến 20% DN của tỉnh cho biết là họ phải tiếp đón các đoàn thanh, kiểm tra nhiều lần, đặc biệt tần suất thanh, kiểm tra đối với các DN nhỏ và siêu nhỏ nhiều hơn so với các DN lớn.

Bài, ảnh: PHẠM DANH



 


.