Khó khăn trong đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ

09:05, 20/05/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hằng năm, trên địa bàn tỉnh có hàng nghìn thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương. Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ còn nhiều khó khăn.

Thông tư 43 của Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn cụ thể việc thực hiện chính sách đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ (BĐXN). Tuy nhiên, trong những năm qua, công tác đào tạo nghề cho BĐXN ở tỉnh ta gặp nhiều khó khăn. Năm 2017, Sở LĐ-TB&XH dự báo số lượng học nghề là 2.083 quân nhân xuất ngũ được cấp thẻ học nghề, các danh mục nghề đã triển khai cho các đơn vị. Thế nhưng, có rất ít BĐXN học nghề tại các trường nghề trong tỉnh. Nguyên nhân một phần do công tác tuyên truyền, phổ biến về đào tạo nghề cho BĐXN còn thiếu chặt chẽ và đồng bộ.

Các cơ sở đào tạo nghề trong tỉnh cần chủ động định hướng lựa chọn nghề cho bộ đội xuất ngũ.      ẢNH: TRUNG ÂN
Các cơ sở đào tạo nghề trong tỉnh cần chủ động định hướng lựa chọn nghề cho bộ đội xuất ngũ. ẢNH: TRUNG ÂN


Đào tạo nghề cho BĐXN là chính sách ưu việt nhằm giúp đỡ, tạo điều kiện cho BĐXN có cơ hội được học nghề, có việc làm và thu nhập ổn định. Trưởng Ban quân lực (Bộ CHQS tỉnh), Thượng tá Trần Đức Trấn cho biết: Hằng năm, Bộ CHQS tỉnh đều tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các chính sách, chế độ liên quan đến BĐXN cho các chiến sĩ mới, công dân trong độ tuổi nhập ngũ, trong đó có chính sách về đào tạo nghề. Tuy nhiên, bất cập hiện nay là nhiều BĐXN đi làm ăn xa, hoặc chọn các cơ sở đào tạo nghề ngoài tỉnh để học.

Để nâng cao hiệu quả về đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho BĐXN, theo Thượng tá Trần Đức Trấn, trước hết cần tăng cường công tác tuyên truyền về học nghề và việc làm cho BĐXN; đồng thời rà soát và thống kê thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự để có giải pháp hỗ trợ kịp thời, khảo sát nhu cầu lao động doanh nghiệp đang cần, nhằm tư vấn, định hướng cho BĐXN.

Ngoài ra, các cơ sở đào tạo nghề cần tích cực hơn trong việc tuyên truyền, tư vấn và hướng nghiệp cho BĐXN để họ lựa chọn, đăng ký học nghề phù hợp; giới thiệu việc làm sau khi học viên hoàn thành chương trình đào tạo nghề. Vai trò của địa phương cần được đề cao hơn nữa trong công tác đào tạo nghề cho BĐXN. Thanh niên trước khi nhập ngũ cần được tư vấn, tuyên truyền hướng nghiệp về công việc mình sẽ lựa chọn sau khi xuất ngũ.

Theo Trưởng phòng Dạy nghề (Sở LĐ-TB&XH) Huỳnh Việt Hùng, tính chủ động của người lao động cần được đề cao, đặc biệt là đối với BĐXN đã được rèn luyện, trưởng thành qua môi trường quân đội. Các doanh nghiệp cần chủ động, linh hoạt hơn trong chính sách thu hút việc làm đối với các đối tượng là quân nhân xuất ngũ, để tạo nhiều cơ hội phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống cho quân nhân xuất ngũ.


TRUNG ÂN

 


.