Dai dẳng nạn tảo hôn

03:05, 07/05/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhiều năm qua, các ngành chức năng của tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để từng bước đẩy lùi tập tục tảo hôn, nhờ đó năm 2017, tảo hôn trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh có chiều hướng giảm. Tuy nhiên,  điều đáng trăn trở là một bộ phận người dân miền núi vẫn xem tảo hôn là chuyện bình thường, nên để đẩy lùi nạn tảo hôn vẫn là câu chuyện đầy gian nan.

Lấy chồng khi mới 14 tuổi

So với những vùng lân cận, cuộc sống của người dân thôn Mô Lang, xã Ba Tô (Ba Tơ), có phần khá hơn, bởi cơ sở vật chất ở đây được Nhà nước đầu tư xây dựng khá bài bản. Song ẩn sau diện mạo khang trang ấy, thôn Mô Lang vẫn còn tồn tại tập tục tảo hôn, kéo theo nhiều hệ lụy.

 PTV (giữa) ở thôn Mô Lang, xã Ba Tô (Ba Tơ) tảo hôn khi chỉ mới 14 tuổi.
PTV (giữa) ở thôn Mô Lang, xã Ba Tô (Ba Tơ) tảo hôn khi chỉ mới 14 tuổi.

Trưởng thôn Mô Lang Phạm Văn Kính dẫn chúng tôi đến nhà em PTR, một trường hợp tảo hôn ở Mô Lang. Em PTR hiện mới 14 tuổi, nhưng đã có bầu bảy tháng. Vì  thế, em phải bỏ học khi đang học lớp 8, ở nhà với ba mẹ. Bố đứa bé cũng là một học sinh lớp 12, cách nhà R vài trăm mét. Chúng tôi hỏi R, sau khi sinh con có tiếp tục đến trường nữa không, R nói không biết nữa. R dự định khi đến 18 tuổi, sẽ đến chính quyền đăng ký kết hôn.              
 

Quảng Ngãi đang triển khai thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2016 -2020”. Mục đích nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, ban ngành, MTTQ, đoàn thể chính trị xã hội, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, DS-KHHGĐ; tác hại và những ảnh hưởng của việc tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, sinh con thứ ba đối với gia đình, dòng họ và xã hội; ngăn ngừa tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống để nâng cao chất lượng dân số, nguồn nhân lực vùng dân tộc thiếu số của tỉnh.

Ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, nhưng đã sớm làm cha, làm mẹ như R ở xã Ba Tô không phải hiếm. Cách nhà R vài bước chân, cũng có một trường hợp tảo hôn khác, đó là em PTV, cũng mang bầu lúc 14 tuổi. So với bạn bè cùng trang lứa, trông V khá nhỏ bé và tiều tụy hơn khi phải chuẩn bị gánh trọng trách làm mẹ.

Bà PTT (mẹ V) bảo, ngày trước cha V bị mắc bệnh, tôi phải thường xuyên đưa xuống tỉnh để điều trị dài ngày, thiếu người trông nom, nên con cái ở nhà cũng chểnh mảng việc học tập. V học hết lớp 7 thì nghỉ, sau đó có bầu với một thanh niên trong làng. Vì chưa đến tuổi, nên chính quyền không cho kết hôn. Hiện V vẫn sống phụ thuộc vào gia đình.

Bí thư Đảng ủy xã Ba Tô Phạm Văn Hiền cho biết, xã Ba Tô được chọn là mô hình điểm trong việc thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, nên việc đẩy mạnh tuyên truyền, xử lý theo pháp luật cũng được chính quyền quan tâm. Từ năm 2017 đến tháng 3.2018, toàn xã có 19 trường hợp tảo hôn, riêng trong năm 2017 có 8 trường hợp tảo hôn đã được phát hiện và xử lý kịp thời.

Khó xử lý

Tình trạng tảo hôn không chỉ nổi lên ở huyện Ba Tơ, mà còn xảy ra ở nhiều huyện miền núi trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh, năm 2017 toàn tỉnh có 212 cặp tảo hôn, giảm 96 cặp so với năm 2016. Tuy con số thống kê giảm, nhưng vẫn chưa thể lạc quan, bởi đặc thù ở các huyện miền núi, dân cư sống thưa thớt, nhiều gia đình vì sợ bị xử lý khi để xảy ra tảo hôn, nên không khai báo. Đó là chưa kể, khi xảy ra tảo hôn, sự can thiệp của chính quyền ở nhiều nơi cũng chưa quyết liệt.

Bên cạnh đó, ở các huyện miền núi, trình độ dân trí của một bộ phận người dân còn rất thấp. Nhiều đồng bào dân tộc Hrê, Cor xem tảo hôn là chuyện bình thường, có rất nhiều trường hợp chính quyền biết, nhưng rất khó xử lý. Cá biệt ở thôn Mang Rễ, xã Sơn Lập (Sơn Tây), có gia đình tảo hôn đến hai thế hệ. Đó là trường hợp của gia đình ông ĐVĐ (41 tuổi) và bà ĐTM.  Ba mẹ tảo hôn, rồi đến con mình là em ĐVB cũng tiếp tục tảo hôn.

Chia sẻ về trường hợp này, đại diện xã Sơn Lập cho biết, ĐVB trước kia là học sinh của Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, sau đó em bỏ học và qua tỉnh Kon Tum làm ăn, rồi dẫn người yêu về quê tổ chức đám cưới. Tuy nhiên, do chính quyền thôn không báo, nên xã không ngăn chặn kịp. Hiện xã chưa cho trường hợp này làm thủ tục đăng ký kết hôn. Đối với những trường hợp như thế, xã  cũng rất khó can thiệp.

 Bài, ảnh: NGỌC VIÊN


 

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hồ Văn Thế: Phải xử lý nghiêm các trường hợp tảo hôn.

Thực hiện Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các cấp ủy đảng, chính quyền ở các huyện miền núi đã tập trung triển khai thực hiện. Tỉnh ủy cũng đã ban hành Chỉ thị số 15-CT/TU, cùng với các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về vấn đề này.

Năm 2016, hầu hết các địa phương dù chưa được bố trí kinh phí nhưng huyện Sơn Tây đã chủ động bố trí 40 triệu đồng để thực hiện đề án này và đã tổ chức 9 lớp tập huấn ở 9 xã. Sơn Hà bố trí 10 triệu đồng, để thực hiện đề án. Năm 2017, ngân sách tỉnh bố trí 200 triệu đồng cho 2 huyện Sơn Hà và Ba Tơ. Năm 2018, UBND tỉnh cũng đã bố trí 541 triệu đồng, để thực hiện đề án. Để đẩy lùi nạn tảo hôn, ngoài việc tuyên truyền bằng nhiều hình thức, các địa phương phải xử lý nghiêm các trường hợp tảo hôn theo đúng quy định của pháp luật, để răn đe, nêu gương cho cộng đồng.

Bí thư Huyện ủy Sơn Tây Đinh Kà Để: Phát huy vai trò của người đứng đầu.

Trước đây,  Sơn Tây là địa bàn có tỷ lệ tảo hôn rất cao. Tính từ 2011-2016, toàn huyện có 170 cặp tảo hôn. Tuy nhiên, từ năm 2016, đến nay tỷ lệ tảo hôn đã giảm rất nhiều. Có được kết quả này, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo rất quyết liệt. Nhiều biện pháp đồng bộ đã được triển khai, trong đó có hình thức sân khấu hóa về những hệ lụy của nạn tảo hôn. Đồng thời, đích thân người đứng đầu huyện, xã  đã trực tiếp xuống tận cơ sở để  tuyên truyền cho bà con về hệ lụy của nạn tảo hôn. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của những người đứng đầu, nên cấp dưới đã quan tâm, sâu sát đến vấn đề này hơn.

Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Sơn Hà Nguyễn Thị Thành: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền.

Hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn huyện không có nhiều, nhưng vấn nạn học sinh tảo hôn vẫn tồn tại. Đây thực sự là một trở ngại cho các em trong quá trình học tập, ảnh hưởng đến tương lai của các em sau này. Toàn huyện hiện có 352/17.000 học sinh tảo hôn thuộc Phòng GD&ĐT quản lý, đại đa số các em đều có hoàn cảnh rất đáng thương, có em mồ côi. Phải làm cha, làm mẹ khi chưa đủ tuổi, là nguyên nhân dẫn đến "tan đàn xẻ nghé" sau tảo hôn xảy ra rất nhiều.

Để góp phần đẩy lùi nạn tảo hôn, Phòng GD&ĐT huyện đã phát động phong trào nhận đỡ đầu, kêu gọi, khuyến khích đội ngũ giáo viên cùng chung tay với gia đình, chia sẻ tình yêu thương, giúp các em có điểm tựa về tinh thần. Với những trường hợp tảo hôn, chúng tôi cố gắng “dỗ trước, dạy sau”, động viên các em không bỏ học. Tuy nhiên, để đẩy lùi, tiến đến chấm dứt tình trạng tảo hôn cần sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền.

N.V (thực hiện)

 

 


.